Đúng như thăm dò dư luận, Liên minh dân chủ quốc gia (NDA), do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu, đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện khóa 16, với 330/543 ghế được bầu trực tiếp, trong đó BJP được 281 ghế. Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) cầm quyền hiện nay, chỉ được 63 ghế.
Những người ủng hộ BJP mừng chiến thắng ngày 16/5. Ảnh: AFP-TTXVN |
Như vậy, chỉ riêng BJP cũng đã vượt số ghế tối thiểu 272/543 tại Hạ nghị viện theo Hiến định để thành lập chính phủ. Đây là lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua, tại Ấn Độ mới có một chính đảng giành đủ đa số tuyệt đối như vậy để có thể thành lập chính phủ độc lập. NDA giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát, thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai tăng, đồng rupee mất giá làm uy tín của chính phủ do UPA cầm quyền bị giảm sút, khiến cử tri mong muốn có một chính phủ mạnh và ổn định để phục hồi tăng trưởng kinh tế.
BJP là một trong hai chính đảng quốc gia trong hệ thống chính trị Ấn Độ. Mặc dù mới thành lập năm 1980, bề dày chính trị không bằng Quốc đại, đảng được thành lập từ năm 1885, song BJP đã phát triển nhanh chóng. Năm 1996, BJP đã được mời thành lập chính phủ nhưng chỉ tồn tại được 13 ngày; từ năm 1998-2004, Liên minh NDA do BJP đứng đầu đã nắm quyền lãnh đạo dưới sự dẫn dắt của vị Thủ tướng tài năng Atal Bihari Vajpayee. Đây cũng là lần đầu tiên một chính phủ không thuộc Quốc đại nắm quyền lãnh đạo trọn nhiệm kỳ. Từ năm 2004 đến nay NDA đứng ở vị trí đối lập, song vẫn nắm quyền lãnh đạo tại một số bang, trong đó bang Gujarat dưới sự lãnh đạo liên tục của ông Narendra Modi trong 10 năm đã trở thành điểm phát triển kinh tế đầu tàu của Ấn Độ, với mức tăng trưởng hai con số.
Có tin nói rằng BJP đã chuẩn bị chương trình nghị sự cho 100 ngày đầu cầm quyền đầu tiên của chính phủ mới, do ông Narendra Modi đứng đầu. Theo chương trình nghị sự, bên cạnh một loạt biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó có sửa đổi chính sách thuế khóa, dịch vụ, BJP sẽ bổ nhiệm, thay đổi, thuyên chuyển vị trí của các nhân viên chính phủ. Vấn đề quan trọng trong 100 ngày đầu lên nắm quyền là chính phủ sẽ phải thông qua ngân sách mới, dự kiến công bố vào tháng 7; cam kết tạo dựng một cơ chế điều hành hiệu quả; triển khai các biện pháp chống tham nhũng; bắt đầu một loạt biện pháp nhằm lấy đà cho quá trình lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm.
Theo nhận định của ông Niranjan Sahoo, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Nhà quan sát Ấn Độ (ORF), trong tương lai, chính phủ mới phải tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, kiềm chế lạm phát, chống tham nhũng. Tất nhiên, chính sách đối ngoại là một lĩnh vực lớn, trong đó chính sách đối với các nước láng giềng như Nepal, Bangladesh, đặc biệt với Trung Quốc, Pakistan… sẽ được chính phủ mới quan tâm.
Nhiều nhà phân tích cho rằng chính phủ mới về cơ bản sẽ vẫn duy trì chính sách đối ngoại của chính phủ tiền nhiệm. Trong chiến dịch tranh cử thời gian qua, ông Modi đã có những tuyên bố thể hiện lập trường cứng rắn trong học thuyết hạt nhân, trong chính sách với các nước láng giềng, đặc biệt với Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là chiến thuật để thu hút sự ủng hộ của cử tri vốn thất vọng trước chính sách “mềm yếu” của chính phủ UPA. Một khi trở thành thủ tướng, ông Modi sẽ có chính sách “mềm dẻo” hơn và thực dụng hơn với các nước láng giềng nhằm duy trì ổn định để phát triển kinh tế. Chính phủ mới sẽ tiếp tục chính sách “hướng Đông”, vốn được coi là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Là người quyết đoán, có thể ông Modi sẽ thúc đẩy chính sách này mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.
Với nhiều thành công nổi bật khi dẫn dắt bang Gujarat trong gần 10 năm qua, người dân đất nước sông Hằng đang rất kỳ vọng dưới sự lãnh đạo của ông Modi, Ấn Độ sẽ có một chính phủ mới ổn định để tập trung phục hồi kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm duy trì và phát triển vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế.
Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)