Hy Lạp liệu có vì Nga mà 'phá rối' EU?

Vừa lên nắm quyền, Chính phủ mới tại Hy Lạp đã kịp gây ra “tiếng sét ngang tai” trước châu Âu: Hôm 27/1, Athens ra nói rằng không ủng hộ tuyên bố chung của lãnh đạo châu Âu về khả năng áp đặt các lệnh cấm vận mới chống Nga.

 “Tuyên bố chung được đưa ra mà không đi theo tiến trình đã xác lập - đó là nguyên tắc đồng thuận của các quốc gia thành viên. Đặc biệt, nó không nhận được sự đồng ý của Hy Lạp. Trong một bối cảnh như vậy, chúng tôi không nhất trí với Tuyên bố chung này”, phát ngôn viên của tân Thủ tướng Alexis Tsipras bày tỏ. Ông này cũng cho biết 2 ngày trước đó, Thủ tướng Hy Lạp đã có cuộc điện đàm với bà Federica Mogherini để nêu rõ quan điểm phản đối trên.

Thủ tướng Alexis Tsipras từng có các phát biểu khiến EU quan ngại. Ảnh: Reuters


Thông điệp của Athens làm dấy lên những lo ngại liệu chính phủ liên minh với nòng cốt là đảng cực tả Syriza có còn đứng chung với Liên minh châu Âu (EU) trên trận tuyến với Nga hay không, hay Hy Lạp sẽ lại là “Con ngựa thành Troia” của Nga ngay trong lòng EU?

Phóng viên hãng tin BBC Gabriel Gatehouse tại Athens là người đầu tiên đưa ra lời cảnh báo về nhân tố Hy Lạp. Ông nói rằng quan chức ngoại giao đầu tiên mà ông Tsipras gặp ngay sau khi có kết quả tuyển cử là Andrei Maslov, Đại sứ Nga tại Athens. Cũng từ đây, “hồ sơ” liên hệ của Thủ tướng Tsipras với Nga được dựng lại.

Trong chuyến thăm Nga hồi tháng 5/2014, ông Tsipras đã có cuộc gặp với nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Nga như Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga… Tại Moskva, chính ông đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp cấm vận của EU, nói rằng đó chẳng khác gì hành động “tự bắn vào chân mình”. Ông cũng tán thành việc Crimea sáp nhập vào Nga và cho rằng chính quyền mới ở Kiev có các nhân vật theo chủ nghĩa phátxít mới.

Một ngày sau khi về nước, đảng Syriza của ông Tsipras đã giành vị trí thứ nhất ở Hy Lạp trong cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu (EP) hôm 25/5. Kể từ đó, các nghị sĩ Syrizia trong EP luôn thể hiện đường hướng ủng hộ Nga, nổi bật là việc phủ quyết việc EP phê chuẩn Hiệp định liên kết EU - Ukraine.

Mối quan ngại của EU về Athens không chỉ nằm Thủ tướng Tsipras. Đó còn là đối tác liên minh trong chính phủ - Đảng Độc lập Hy Lạp (Anel), lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ Nga - theo đánh giá của nhiều chuyên gia. Panos Kammenos, người sáng lập Anel và hiện là Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp từng nói hồi tháng 5/2014 rằng, “chúng tôi công khai ủng hộ Tổng thống Putin và chính phủ Nga - những người đã bảo vệ người anh em chính thống giáo của chúng tôi ở Crimea”. Hôm 15/1 vừa qua, giữa lúc tổng tuyển cử đang ở giai đoạn nước rút, ông Kammenos đã tới Moskva, có cuộc gặp với các quan chức thuộc Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng trong Quốc hội Nga. Sau các cuộc gặp này, ông Kammenos  tuyên bố rằng “Anel đã sẵn sàng tạo dựng một nhóm châu Âu mở rộng, bao gồm các lực lượng chính trị tại các quốc gia Nam Âu có nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi việc EU áp lệnh cấm vận Nga”.

Thế khó của Hy Lạp

Trước kì bầu cử, ông Tsipras từng nhiều lần đề cập đến đường hướng “độc lập” với EU. Ông tuyên bố nếu thắng cử sẽ từ bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng” gắn với các chương trình cải cách kinh tế ngặt nghèo mà EU và các thiết chế tài chính khu vực đặt ra. Thậm chí, thủ lĩnh Syriza còn đề cập viễn cảnh Hy Lạp rời khỏi EU (Grexit). Đáp lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng EU không cần quá bận tâm đến việc này, vì Grexit không tác động quá nhiều đến cả khối EU. Giới chức ở Berlin và Brussels không lo ngại “hiệu ứng domino” cho rằng sự sụp đổ của Hy Lạp sẽ nhấn chìm nhiều nước khác. Thậm chí họ còn nói rằng điều đó có thể tốt cho EU vì loại đi được “mắt xích yếu nhất”.

Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzia và đồng cấp người Đức Frank-Walter Steinmeier tại phiên họp hôm 29/1 tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Europa.au


Thế nhưng, Chính phủ của Thủ tướng Tsipras hiện nay dường như muốn tìm kiếm thỏa hiệp với EU, vì cả hai đều hiểu rõ ý định của nhau. Từ bỏ EU, Hy Lạp sẽ lập tức rơi vào cơn khủng hoảng tài chính, với các khoản nợ chiếm đến hơn 175% GDP. Athens khi đó sẽ và không biết trông cậy vào đâu để có nguồn tài chính bổ sung, khi mà các thiết chế tài chính EU sẽ từ chối bơm tiền, siết nợ cũ. Hơn nữa, chính phủ liên minh của ông Tsipras cũng phải cân nhắc đến sức ép trong nước, khi mà có đến hơn 70% người dân ủng hộ việc ở lại EU.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Hy Lạp thể hiện rõ ngay trong phản ứng chính sách của Athens trước việc EU tăng cấm vận chống Nga. Chỉ 2 ngày sau khi đưa ra tuyên bố khiến EU “ngã ngửa”, tại cuộc họp của Hội đồng ngoại trưởng EU hôm 29/1 vừa qua, Ngoại trưởng Nikos Kotzia đã thuận theo tuyên bố của Hội đồng. Ông cũng giải thích rằng Athens không đồng ý với Tuyên bố chung của lãnh đạo EU chỉ là bởi đã không được “tham vấn đầy đủ”, chứ không phải là “không đồng ý về nội dung văn bản”. Theo Ngoại trưởng Hy Lạp, “vấn đề không phải là cấm vận hay không cấm vận, mà là quyền bình đẳng giữa các thành viên. Dù chỉ là nước nhỏ và đang ở tình trạng khủng hoảng sâu sắc…, chúng tôi vẫn có quyền như những nước khác”.



Hoài Thanh (Theo EDB, Euobserver)
 

Hy Lạp: Thị trường tài chính chao đảo
Hy Lạp: Thị trường tài chính chao đảo

Tân Thủ tướng Hy Lạp đã khiến thị trường tài chính nước này chao đảo sau khi chính phủ của ông bãi bỏ một loạt dự án tư nhân hóa chủ chốt, đồng thời thúc đẩy các cuộc thương lượng với các chủ nợ nước ngoài nhằm giảm gánh nặng nợ công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN