Theo nhận định của Tiến sĩ Andrey Kortunov, Giám đốc học thuật của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đến Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị này đã nhận được nhiều sự chú ý của quốc tế, đặc biệt là vì nó diễn ra chưa đầy một tháng sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Nga-Trung hồi tháng 3 năm nay.
Trong bối cảnh chuyến thăm, hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây đều tập trung vào cáo buộc Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự cho Nga. Chỉ vài ngày trước chuyến đi của ông Lý Thượng Phúc tới Moskva, một tài liệu của chính phủ Mỹ bị rò rỉ cho rằng Trung Quốc đã phê duyệt việc viện trợ vũ khí sát thương lớn cho Nga để phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine, với điều kiện là những chuyến hàng đó phải hoàn toàn bí mật.
Cả Moskva và Bắc Kinh đều thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc này nhiều lần. Tại Nga, Điện Kremlin liên tục lập luận rằng Moskva không cần sự hỗ trợ như vậy từ Trung Quốc và chưa bao giờ yêu cầu điều đó. Lập trường chính thức của Bắc Kinh là Trung Quốc duy trì thái độ trung lập trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, phương Tây vẫn rất nghi ngờ về khía cạnh an ninh, quốc phòng của sự hợp tác Nga-Trung, điều mà Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn hoặc ít nhất là làm chậm lại ở mức độ xa nhất có thể. Một cách ngẫu nhiên, năm 2018, ông Lý Thượng Phúc bị Mỹ liệt vào danh sách đen với cáo buộc có liên quan đến “các giao dịch quan trọng” với tập đoàn Nga Rosoboronexport.
Tiến sĩ Andrey Kortunov cho rằng, có vẻ như sự thổi phồng xung quanh cáo buộc cung cấp vũ khí của Bắc Kinh cho Moskva đã làm lu mờ các khía cạnh quan trọng khác của hợp tác an ninh Trung Quốc-Nga mà phương Tây có thể và có lẽ nên quan tâm. Chuyến thăm gần đây của ông Lý Thượng Phúc cho thấy rằng Bắc Kinh và Moskva đang liên tục chuyển sang một mô hình hợp tác mới, hoàn toàn khác với các mô hình phương Tây hiện có, một mô hình có vẻ khá hấp dẫn đối với nhiều chủ thể quốc tế ở Nam bán cầu.
Đầu tiên, cả Nga và Trung Quốc đều ưu tiên nguyên tắc chủ quyền trong chính sách đối ngoại và an ninh của mỗi nước. Nguyên tắc này đặt ra những hạn chế rõ ràng đối với việc hai quốc gia sẵn sàng tham gia vào bất kỳ liên minh chính trị hoặc quân sự nào có thể hạn chế quyền ra quyết định có chủ quyền của Moskva và Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc một lần nữa khẳng định rằng hai bên sẽ không xem xét một khối quốc phòng hay chính trị chính thức như nhiều người ở phương Tây dự đoán. Chấp nhận giá trị chủ quyền của nhau, Moskva và Bắc Kinh kiềm chế mọi hành động mà phía bên kia có thể coi là can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc nội bộ của mình hoặc là nỗ lực hạn chế quyền tự do hành động của họ trong chính trị thế giới.
Thứ hai, hợp tác an ninh giữa hai bên dựa trên sự linh hoạt tối đa và sẵn sàng chấp nhận các lập trường khác nhau của bên kia trong các vấn đề cụ thể. Vì cả Moskva và Bắc Kinh đều có quan điểm chủ quyền quốc gia của riêng mình và vì lợi ích quốc gia của họ không thể hoàn toàn đồng nhất với nhau, nên một số khác biệt về lập trường của họ đối với các vấn đề quan trọng trong nền chính trị thế giới (ví dụ, về Ấn Độ hoặc về Ukraine) là điều tự nhiên và thậm chí không thể tránh khỏi. Nga và Trung Quốc ngày nay sẵn sàng “đồng ý hoặc không đồng ý” mà không gây nguy hiểm cho lòng tin lẫn nhau hoặc phá hoại các cơ hội hợp tác chiến lược của họ.
Thứ ba, chuyến thăm của ông Lý Thượng Phúc tái khẳng định rằng hợp tác an ninh Trung Quốc-Nga không dựa trên sự cân bằng quyền lực mà dựa trên sự cân bằng lợi ích. Theo truyền thống, hợp tác địa chính trị và quân sự trong hệ thống quốc tế được xác định bởi sự cân bằng quyền lực giữa các bên tham gia chính trong sự hợp tác đó, cụ thể hơn, là sự tương quan lực lượng quân sự của họ.
Một đối tác mạnh hơn luôn chiếm thế thượng phong, điều này rõ ràng không đúng trong hợp tác an ninh Trung Quốc-Nga. Có nhiều điểm bất cân xứng giữa hai nước: Ví dụ, về năng lực tên lửa hạt nhân, Moskva vượt trội đáng kể so với Bắc Kinh, trong khi về lực lượng hải quân thông thường, Trung Quốc có một số lợi thế không thể phủ nhận so với Nga. Tuy nhiên, sự bất đối xứng như vậy không cản trở sự hợp tác song phương, vì trong mỗi khía cạnh cụ thể của quan hệ, các bên đều tìm cách cân bằng lợi ích.
Thứ tư, hợp tác an ninh Trung Quốc-Nga, không giống như các liên minh quân sự truyền thống, không nhằm vào "lợi ích của bất kỳ nước thứ ba nào". Sự hợp tác này có động lực riêng và không phụ thuộc vào môi trường địa chính trị đang thay đổi. Có thể giả định rằng ngay cả khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington hoặc giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng giảm đi đáng kể cũng sẽ không dẫn đến sự sụt giảm song song lợi ích của Nga và Trung Quốc khi hợp tác với nhau.
Thứ năm, hợp tác an ninh, quốc phòng Nga-Trung bao gồm sự kết hợp đa dạng của các định dạng song phương và đa phương. Chuyến thăm của ông Lý Thượng Phúc cũng có chương trình thảo luận về các cơ chế đa phương (SCO, BRICS) được cho là bổ sung cho các khía cạnh song phương trong hợp tác Trung Quốc-Nga. Việc mở rộng như vậy cho phép hai bên chứng minh rằng họ không tìm cách tạo ra bất kỳ loại “trục” song phương nào để phân chia “phạm vi ảnh hưởng” gây bất lợi cho các nước láng giềng nhỏ hơn và kém quyền lực hơn.
Tiến sĩ Andrey Kortunov lưu ý, tất nhiên cả Bắc Kinh và Moskva vẫn phải làm nhiều hơn nữa để thuyết phục cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn rằng sự hợp tác an ninh của họ có thể đóng góp có ý nghĩa đối với các vấn đề toàn cầu. Hai bên không chỉ nên theo đuổi lợi ích quốc gia được xác định trong phạm vi hẹp của mình mà còn theo đuổi lợi ích của hệ thống quốc tế nói chung. Hiện họ phải đối mặt với thách thức làm cho hệ thống an ninh toàn cầu trở nên dễ quản lý, dễ dự đoán và toàn diện hơn. Do đó, các đề xuất, sáng kiến và ý tường chung cần nhằm nâng cao hiệu quả của Liên hợp quốc, giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực (Đông Bắc Á, Trung Đông, Bắc Phi) và nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên toàn cầu (thông tin, năng lượng, khí hậu, không gian, di cư,...).