Ý nghĩa của cuộc khủng hoảng Ukraine với mối quan hệ Nga-Trung Quốc

Tình hình căng thẳng tại Ukraine được coi là “bài kiểm tra” khả năng liên minh giữa Nga và Trung Quốc trước Mỹ cùng các đồng minh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ngày 4/2. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đánh giá cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 4/2 cho thấy có thể hình thành một liên minh mới giữa hai quốc gia, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington cùng đối đầu với Mỹ trong nhiều vấn đề. Sau cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo cùng đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngừng mở rộng.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga-Trung Quốc cũng tồn tại những khác biệt khi Bắc Kinh muốn phát triển thành thế lực về kinh tế và chính trị trên toàn cầu, còn Moskva lại có xu hướng tách biệt. AP đã “điểm danh” những nhân tố chính có thể đẩy mạnh hoặc gây khó cho mối quan hệ Nga-Trung Quốc từ vấn đề Ukraine.

Lập trường của Trung Quốc liên quan đến Ukraine

Trung Quốc không chỉ trích Nga về những động thái liên quan Ukraine và lên tiếng phản đối Mỹ cũng như các nước đồng minh. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích Mỹ và cáo buộc một thế lực đang kích động đối đầu.

Ông Vương Nghị cũng thừa nhận: “Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia cần được tôn trọng và bảo vệ vì đây là quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế. Ukraine không phải ngoại lệ”.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các cường quốc nên hành động để bảo vệ hòa bình toàn cầu và không quốc gia nào được lặp lại sai lầm trong quá khứ là tạo ra các liên minh đối đầu.

Phát biểu này đúng với quan điểm của Trung Quốc về các liên minh mà Bắc Kinh coi là đe dọa đến sự phát triển của nước này. Các liên minh đó bao gồm NATO và "bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD) với thành viên là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia.

Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ lan truyền thông tin sai lệch và tạo căng thẳng, đồng thời khuyến khích Washington tôn trọng và giải quyết các đề nghị của Nga về đảm bảo an ninh. Trung Quốc cũng kêu gọi giải quyết căng thẳng Ukraine qua đối thoại.

Kết quả cuộc gặp Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine điều khiển xe tăng khi tham gia huấn luyện ngày 18/2. Ảnh: Reuters

Sau cuộc gặp ngày 4/2, hai nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc đã đưa ra thông cáo chung tuyên bố về mối quan hệ mới và gần gũi hơn. Moskva và Bắc Kinh khẳng định ủng hộ lẫn nhau mạnh mẽ trước các mối đe dọa với an ninh khu vực và ổn định chiến lược toàn cầu.

Cuộc gặp này đánh dấu mốc lần thứ 38 ông Putin và ông Tập Cận Bình gặp gỡ trực tiếp, điện đàm… Con số này được Bắc Kinh ca ngợi là dấu hiệu thân thiết hơn giữa hai quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp ngày 4/2 giữa hai nhà lãnh đạo, Trung Quốc vẫn kiềm chế, không ủng hộ hết mình cho chiến lược của Nga tấn công các mối đe dọa từ phương Tây.

Giáo sư Shi Yinhong tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định: Trung Quốc không ủng hộ chính sách đối ngoại của Nga, nhưng mối quan hệ Bắc Kinh và Washington không có dấu hiệu “tan băng”.

Tuần này đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Trung Quốc dẫn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai quốc gia trong năm 1979. Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc không có thông báo chung nào.

Giáo sư dự bị Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore phân tích: Nga không hề mong đợi Trung Quốc hỗ trợ về mặt quân sự liên quan đến vấn đề Ukraine, đồng thời Moskva cũng không cần kiểu giúp đỡ này.

Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với Nga để giảm ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt có thể xuất phát từ phương Tây. Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea, phương Tây đã ban hành các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt này còn bao gồm một số ngân hàng nhà nước Trung Quốc như Ngân hàng phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc vì đã cung cấp nhiều khoản vay cho các ngân hàng nhà nước Nga.

Vào đầu tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh các công ty Trung Quốc có thể đối mặt với hậu quả nếu tìm cách "lách" lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva nếu xảy ra khả năng Nga tấn công Ukraine.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nga công bố video thiêu rụi xe bọc thép Ukraine xâm phạm lãnh thổ
Nga công bố video thiêu rụi xe bọc thép Ukraine xâm phạm lãnh thổ

Quân đội Nga vừa công bố đoạn video mà Nga nói là bằng chứng lực lượng Ukraine xâm phạm lãnh thổ nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN