Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF): Gắn kết vì sự phát triển bền vững

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2020 ở khu nghỉ dưỡng Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề "Các bên liên quan hướng tới một thế giới bền vững và gắn kết", đã khép lại ngày 24/1. Thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu và tương lai của "các đại gia" công nghệ là những vấn đề nóng được hàng nghìn đại biểu, trong đó có hơn 50 nguyên thủ quốc gia, bàn bạc nhiều trong Diễn đàn Davos năm nay.

Chưa bao giờ, triển vọng thương mại và tăng trưởng toàn cầu, tương lai của các công ty công nghệ, chủ nghĩa đa phương và trật tự địa chính trị phải đối mặt nhiều thách thức như hiện nay. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày một nghiêm trọng càng gây sức ép đối với các vấn đề trên. Do vậy, biến đổi khí hậu đã trở thành đề tài thảo luận ưu tiên năm nay.

Theo cảnh báo của WEF, lượng khí nhà kính trong khí quyển hiện nhiều hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử loài người và đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp từ nhiều bên. Phát triển hệ thống kinh tế bền vững là một trong những trọng tâm của hội nghị năm nay. Hơn 160 sáng kiến riêng lẻ đã được đưa ra, trong đó có mục tiêu trồng 1.000 tỷ cây xanh trong thập niên tới và trang bị cho 1 tỷ người những kỹ năng cần thiết trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. WEF 50 đang nỗ lực biến sự kiện tại Davos trở thành một trong những hội nghị quốc tế về phát triển bền vững quan trọng nhất. Theo đó, diễn đàn thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, hệ thống kinh tế nhằm loại bỏ chất thải và sử dụng nhiều tài nguyên, trước mắt là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế các vật liệu trong công tác hậu cần của hội nghị.

Với mục tiêu trên, WEF 2020 đặt kế hoạch giảm 25% lượng rác thải so với năm 2019 bằng cách đưa ra các thiết kế mới, loại bỏ nhựa sử dụng một lần và tái sử dụng các vật liệu. WEF 2020 cũng hoàn trả một nửa chi phí vé tàu hạng nhất cho những người tham gia hội nghị đi bằng đường sắt. Một tin vui từ Hội nghị Davos năm nay là tỷ phú Mỹ George Soros cam kết tài trợ 1 tỷ USD cho dự án phát triển mạng lưới các trường đại học trong nỗ lực hạn chế những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của xã hội.

Cũng tại hội nghị lần này, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ tham gia sáng kiến trồng 1.000 tỉ cây xanh. Tuy nhiên, nhà hoạt động môi trường 17 tuổi Greta Thunberg khẳng định chỉ trồng cây thôi là chưa đủ để chống biến đổi khí hậu. Nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi đã chọn Diễn đàn Davos để một lần nữa phát đi thông điệp: "Trái Đất đang bị thiêu đốt. Sự thiếu hành động của các ngài đang khiến lửa bùng cháy dữ dội hơn”. Thunberg cũng kêu gọi "chấm dứt ngay" các nguồn đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 50 (WEF 2020) ở Davos (Thụy Sĩ), ngày 21/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Một vấn đề cũng giành sự quan tâm lớn tại Diễn đàn Davos năm nay là  triển vọng tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá "rào cản thương mại" là lý do chủ chốt khiến  tổ chức này hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu, và có thể tiếp tục hạ xuống trong các báo cáo tới. Đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay thêm 0,2% xuống 2,5%. Tổ chức này cảnh báo căng thẳng Mỹ - Trung hạ nhiệt cũng không giúp kinh tế toàn cầu tăng tốc.

Cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có giọng điệu hòa hoãn hơn trong vấn đề thương mại, nhưng các CEO tề tựu tại WEF cho rằng rất khó hoàn tất thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn hai trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ sự nghi ngại về các vòng đàm phán thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn hai. Trong đó, hai vấn đề hóc búa nhất có thể cản trở tiến trình đàm phán này là thuế quan của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc vẫn còn và liệu Bắc Kinh có thực hiện cam kết mua hàng hóa Mỹ nhiều hơn.

Những hoài nghi quanh thỏa thuận giai đoạn hai đã chi phối phần nào các buổi thảo luận của giới CEO với quan chức Nhà Trắng tại Davos, trong bối cảnh ông Trump đang chạy đua tái tranh cử trong những tháng tới. Chính vì vậy, nhiều nhà bình luận cho rằng bài phát biểu kéo dài khoảng nửa giờ của ông Trump tại Diễn đàn Davos năm nay có vẻ như là không chỉ nhằm vào cử tọa có mặt ở điễn đàn, mà còn hướng tới hàng triệu cử tri Mỹ sẽ quyết định vào tháng 11 rằng ông có xứng đáng với một nhiệm kỳ thứ hai hay không.

Đối với Liên minh châu Âu, những phát biểu của Tổng thống Mỹ lần này đã mang theo thông điệp cụ thể. Cho dù ông Trump bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nhưng ông vẫn trung thành với chiến lược dùng thuế quan làm làm vũ khí khi tiếp tục đe dọa áp thuế 25% trên ô tô châu Âu nếu EU và Mỹ không sớm đạt thỏa thuận thương mại. Ông Trump còn thằng thừng tuyên bố Mỹ đã bị các đồng minh châu Âu đối xử không công bằng trong nhiều năm qua và "Nếu không thể đạt được một thỏa thuận, chúng ta sẽ phải làm điều gì đó".

Lời cảnh báo này cũng với việc EU đang nỗ lực xúc tiến kế hoạch đánh thuế nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn, chủ yếu của Mỹ, có nguy cơ đẩy quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU càng thêm căng thăng khi mà  tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vốn nổi tiếng là một nhà đàm phán cứng rắn.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu đều bày tỏ quan ngại thế giới đang ở thời kỳ bất ổn, với chính trị, kinh tế và xã hội rạn nứt, chia rẽ; bất bình đẳng và phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc. Chủ tịch WEF Klaus Schwab (Clau-dơ Xoáp) đã kêu gọi thay đổi tư duy, phương thức quản trị, kêu gọi các quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung, hài hòa lợi ích riêng với lợi ích chung, lợi ích ngắn hạn với lợi ích lâu dài, bền vững. Chủ tịch Klaus Schwab nhấn mạnh hợp tác là bản sắc và giá trị cốt lõi của WEF ngay từ khi thành lập cách đây 50 năm; khẳng định WEF không chỉ là diễn dàn chia sẻ ý tưởng, mà còn là một “nền tảng” thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong xử lý các vấn đề toàn cầu.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hội nghị WEF Davos, WEF đã ra “Tuyên ngôn Davos 2020”, trong đó có các quy tắc ứng xử cho các doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng 4.0. Nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị còn đề cao liên kết, hợp tác quốc tế, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và chống bảo hộ mậu dịch.

Tại hội nghị Davos lần này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trở thành diễn giả chính tại phiên toàn thể với bài phát biểu  về “Triển vọng chiến lược ASEAN”. Đây là một trong những điểm nhấn của WEF lần thứ 50. Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định với trọng trách kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nỗ lực thúc đẩy vai trò, tiếng nói của ASEAN tại các diễn đàn đa phương quan trọng khác nhằm góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Sau khi tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 tại Hà Nội, có thể nói tại Diễn đàn Davos 2020 lần này, Việt Nam một lần nữa thể hiện vai trò thành viên tích cực của WEF, đồng thời thể hiện một cách năng động vai trò Chủ tịch ASEAN khi tạo cầu nối gắn kết giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN với cộng đồng thế giới.

Trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đang xây dựng cộng đồng đoàn kết và phát triển bền vững, những đề xuất và kế hoạch hợp tác thiết thực của Việt Nam tại Diễn đàn WEF 2020 không chỉ nâng cao vai trò của ASEAN mà còn tạo những nền tảng thuận lợi để các nước Đông Nam Á có thể tận dụng những xu thế sáng tạo mới trong quá trình phát triển này.

Có thể thấy Diễn đàn Davos 2020 một lần nữa cho thấy trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, tất cả các bên cần tham gia đóng góp tích cực hơn nữa và hợp tác vì lợi ích chung để giải quyết hiệu quả các vấn đề. Đó cũng là tinh thần gắn kết và bền vững mà WEF hướng tới sau 50 năm thành lập.

Trần Thanh Bình (TTXVN)
WEF 2020: Tỷ phú George Soros đóng góp 1 tỷ USD    
WEF 2020: Tỷ phú George Soros đóng góp 1 tỷ USD    

1 tỷ USD là khoản tiền mà tỷ phú Mỹ George Soros cam kết tài trợ cho dự án phát triển mạng lưới các trường đại học trong nỗ lực hạn chế những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của xã hội. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN