Hội nghị năm nay đánh dấu 50 năm WEF được thành lập, với mục tiêu kết nối các nhà lãnh đạo để kiến tạo những mối quan hệ hợp tác, từ đó thực hiện các mục tiêu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và khu vực. Kể từ đó, hội nghị thường niên WEF Davos có vai trò quan trọng như một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới, để cùng nhau bàn thảo về những vấn đề then chốt toàn cầu, như các xu thế vận động của kinh tế thế giới, mô thức tăng trưởng, các vấn đề quản trị nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp, các vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu,... và cùng nhau cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
Diễn ra sau một năm môi trường kinh doanh toàn cầu chịu tác động của nhiều yếu tố rủi ro về kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa-chính trị, hội nghị năm nay được xem là cơ hội để các nước hợp tác tìm giải pháp cho nhiều vấn đề lớn. Nhiều diễn biến tiêu cực trong các nền kinh tế mới nổi, chủ nghĩa bảo hộ vẫn có xu hướng lan rộng đe dọa lấn át toàn cầu hóa, bất ổn xã hội gia tăng, những thảm họa tự nhiên, từ hạn hán và cháy rừng tại Australia tới lũ lụt tại Đông Phi, được cho là lời cảnh báo về mức độ biến đổi khí hậu…,. tạo ra “những cơn gió ngược”, khiến cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019.
Và mặc dù đều kỳ vọng kinh tế thế giới có thể được cải thiện trong năm 2020, cả IMF và WB cùng cho rằng hàng loạt yếu tố rủi ro bất định có thể tiếp tục đe dọa thị trường toàn cầu, từ sự suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi, nguy cơ chiến tranh thương mại cho đến tình trạng nợ công cao. Đáng chú ý, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay và những căng thẳng tiềm tàng tại nhiều nơi trên toàn cầu có khả năng tạo ra những biến động kinh tế thậm chí còn lớn hơn năm 2019.
Trước thềm hội nghị, WEF đã công bố “Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2020", cho thấy thế giới chưa bao giờ phải đối phó với nhiều thách thức lớn như hiện nay, từ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, bất bình đẳng kinh tế tới biến đổi khí hậu, an ninh mạng… Báo cáo của WEF báo động về các sự kiện thời tiết cực đoan và thảm họa thiên nhiên lớn gây thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở hạ tầng và sinh mạng con người, trong khi các chính phủ và doanh nghiệp thất bại trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu. WEF cũng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ đình trệ gia tăng, không gian mạng bị phân mảnh, đe dọa toàn bộ tiềm năng của các công nghệ thế hệ tiếp theo. Các mối đe dọa về an ninh mạng vẫn là một rủi ro lớn do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng trên thế giới vẫn chưa được xóa bỏ, trong đó phụ nữ và những em gái là những người chịu thiệt thòi nhất. Thậm chí khoảng cách giàu-nghèo có xu hướng nới rộng, khi 2.153 tỷ phú hiện có số tài sản lớn hơn so với tổng số tài sản của 4,6 tỷ người nghèo nhất trên thế giới.
Thực tế này là thách thức lớn đối với các thế giới trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững, vốn được được các thành viên LHQ thông qua năm 2015 với cam kết huy động mọi nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng hình thức nghèo đói, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu.
Theo Chủ tịch WEF Borge Brende, đây là năm mà các nhà lãnh đạo thế giới phải làm việc với tất cả các thành phần trong xã hội để sửa chữa và tái tạo hệ thống hợp tác, không chỉ vì lợi ích ngắn hạn mà còn giải quyết các rủi ro sâu xa trong bối cảnh chính trị bị phân cực, mực nước biển đang dâng cao và các vụ cháy rừng hay nắng nóng bất thường hoành hành nghiêm trọng. Điều đó đồng nghĩa với việc các bên liên quan cần phối hợp vì một thế giới gắn kết và bền vững.
Giới chức WEF nhấn mạnh trong một thế giới được kết nối với nhau, hầu hết hoạt động độc lập cũng có thể ảnh hưởng tới các bên liên quan khác. Đặc biệt, trong một thế giới đang chia rẽ như hiện nay, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu thiếu sự gắn kết về chính trị và xã hội. Sự thay đổi trong cả tư duy và cách hành xử là yếu tố cần thiết để ngăn chặn sự xói mòn của tinh thần đoàn kết quốc tế. Đó cũng là lý do chủ đề của Hội nghị WEF năm nay là "Cùng vì một thế giới gắn kết và bền vững hơn"
Hội nghị Davos 2020 có sự tham gia của gần 3.000 đại biểu từ 117 quốc gia, trong đó có 53 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, chủ tịch và giám đốc điều hành của 1.000 công ty đối tác và thành viên nhằm hỗ trợ các chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc theo dõi tiến trình thực hiện Hiệp định Paris, các Mục tiêu phát triển bền vững và tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận về công nghệ và quản trị thương mại.
Với hàng trăm phiên họp, thảo luận và đối thoại, chương trình hội nghị năm nay sẽ tập trung vào việc đạt được hiệu quả hợp tác công tư trên 6 lĩnh vực hoạt động chính: sinh thái học, kinh tế, xã hội, công nghiệp, công nghệ và địa chính trị. Hơn 160 sáng kiến riêng lẻ được đưa ra tại Hội nghị WEF lần thứ 50, trong đó có mục tiêu trồng 1.000 tỷ cây xanh trong thập niên tới và trang bị cho 1 tỷ người những kỹ năng cần thiết trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các doanh nghiệp sử dụng khả năng và nguồn lực để hợp tác với chính phủ và xã hội dân sự nhằm giải quyết các vấn đề chính của thập niên này.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình dẫn đầu tham dự hội nghị nhằm quảng bá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua; truyền tải thông điệp về đường lối, định hướng, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội năm 2020 để thúc đẩy các nước, các đối tác, các tập đoàn hàng đầu tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đảm nhận “trọng trách kép”: vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1, và Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, đây cũng là cơ hội để giới thiệu các trọng tâm, ưu tiên của Việt Nam trên cả hai cương vị trên, trong đó có thông điệp “gắn kết và chủ động thích ứng" mà Việt Nam đã lấy làm chủ đề Năm ASEAN 2020, nhằm tăng cường sự phối hợp với các nước vì mục tiêu chung.
Trên "Tinh thần Davos" thực sự, các chương trình hội nghị năm nay hướng tới những cơ hội và ý tưởng táo bạo để có được những tác động toàn cầu cần thiết nhằm cải thiện tình trạng của thế giới. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu để WEF được thành lập từ 50 năm trước và cũng chính là những điều WEF muốn đóng góp trong 50 năm tới.