Cuộc gặp cũng mang lại hy vọng về những nỗ lực của Mỹ và Triều Tiên trong thời gian tới nhằm đạt được thỏa thuận cụ thể.
Dù không đạt được thỏa thuận, song Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã "có thời gian hữu ích" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và không khí kết thúc cuộc gặp "rất tốt, không ai ra về trong giận dữ". Theo ông Trump, tầm nhìn phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên đang xích lại gần nhau và ông cũng để ngỏ cơ hội cho các cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên tiếp theo.
Tổng thống Trump cũng khẳng định sẽ không có thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, ngược lại nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bảo đảm rằng Bình Nhưỡng sẽ không tiến hành thêm bất cứ vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa trong thời gian tới. Đây là bước tiến cụ thể mà cuộc gặp mang lại.
Giới quan sát nhận định rằng kết quả cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội cho thấy vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thực sự là bài toán hóc búa, không dễ giải quyết trong thời gian ngắn. Ngay trước khi bước vào cuộc gặp sáng 28/2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên, bản thân Tổng thống Trump cũng đã nhắc lại lời ông từng tuyên bố một vài lần, rằng ông "không vội vã trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên".
Thực tế rằng quan điểm và nhận thức của hai bên về vấn đề phi hạt nhân hóa còn quá nhiều khác biệt và rõ ràng Mỹ và Triều Tiên vẫn còn những nghi ngờ chưa thể hóa giải. Lòng tin chiến lược mới được xây dựng sau cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6 năm ngoái tại Singapore chưa đủ lớn và đó cũng là lý do hai bên dù có những động thái mang tính thiện chí trong 8 tháng qua, song vẫn chỉ là những bước nhượng bộ nhỏ để thăm dò phản ứng của đối phương. Thời gian 8 tháng cũng chưa đủ để Mỹ và Triều Tiên giải quyết được mọi mâu thuẫn đã khiến quan hệ hai nước đối đầu suốt hơn 7 thập niên qua.
Phản ứng sau cuộc gặp, giới chức Nga cho rằng vấn đề nằm ở chỗ Triều Tiên muốn có sự bảo đảm chắc chắn về an ninh và chủ quyền trước khi hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ. Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un là người chủ động đàm phán với Mỹ không phải là ý muốn nhất thời mà nằm trong chính sách tổng thể của Triều Tiên.
Triều Tiên rất muốn cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống của người dân và điều này chỉ có thể đạt được khi cấm vận được loại bỏ, áp lực về ngoại giao và an ninh được giảm bớt. Nhiều chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ cần có sự kiên nhẫn hơn nữa và không nên có những đòi hỏi phi thực tế trong khi chưa nới lỏng cấm vận Triều Tiên.
Trong khi đó, nhà phân tích Akira Kawasaki của Nhóm chỉ đạo quốc tế thuộc Ủy ban quốc tế về hủy bỏ vũ khí hạt nhân, cho rằng "Chúng ta cần một kế hoạch thực sự xuất phát từ cộng đồng quốc tế và các hiệp ước như Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên có thể tham gia ngay ngày mai và bắt đầu quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp".
Tuy nhiên, diễn biến và không khí của hội nghị cũng cho thấy Mỹ và Triều Tiên vẫn đang duy trì được xu thế đối thoại. Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên đều phát đi những thông điệp rằng họ sẵn sàng nỗ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù chưa thể đi tới tuyên bố chung, song thái độ của hai bên đều cho thấy sự mềm mỏng, thay vì cứng rắn. Khi đánh giá về cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng hai bên đã chứng tỏ được sự chân thành tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hy vọng đối thoại và liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên có thể tiếp tục.
Trong khi đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đánh giá cao những gì đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này. Nhà Xanh cho biết Hàn Quốc lấy làm tiếc vì hai bên không đạt thỏa thuận, song đánh giá rằng hai bên đã đạt "tiến bộ có ý nghĩa hơn bao giờ hết". Việc Tổng thống Mỹ sẵn sàng tiếp tục đối thoại sẽ đem lại triển vọng tươi sáng cho một cuộc gặp khác giữa hai nhà lãnh đạo.
Có thể nói con đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ gập ghềnh khó khăn và có thể còn nhiều rào cản, nhất là khi vấn đề này không chỉ nằm trong những lợi ích trực tiếp của Mỹ và Triều Tiên mà còn liên quan tới rất nhiều bên, từ Hàn Quốc, Trung Quốc tới Nhật Bản.
Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai cho thấy Mỹ và Triều Tiên đều cần thêm thời gian để cân nhắc có những nhượng bộ cần thiết cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Điều quan trọng là cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội đã thu hẹp khoảng cách giữa hai bên để Mỹ và Triều có thể tiếp tục cùng nhau vượt qua chặng đường dài tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên tại Hà Nội đã cho thấy uy tín, vị thế của Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, cũng như tham gia thúc đẩy hòa bình, hòa giải trong khu vực, qua đó khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam là đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.