Hội nghị được mong chờĐầu tuần này, Giáo hội Công giáo Hàn Quốc đã tổ chức một buổi cầu nguyện bất thường: cầu cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều thành công. Ngày sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tham dự một nghi lễ Phật giáo, cầu thành công cho hội nghị.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định phải theo đuổi một hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Cả ông Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều chờ đợi thời khắc này nhiều năm qua. Theo bình luận của ông Ramon Racheco Pardo thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu của Đại học Vrije (Bỉ) đồng thời là giảng viên cấp cao về quan hệ quốc tế tại trường King’s College London, đây là lý do tại sao hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới mới là sự kiện thực sự có ý nghĩa với tương lai của Bán đảo Triều Tiên, chứ không phải là hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được truyền thông nhắc tới nhiều hơn.
Điều quan trọng là Hàn Quốc hi vọng rằng hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ kiềm chế các lựa chọn mà Mỹ sẽ đưa ra trong một cuộc đàm phán với Triều Tiên. Do đó, đối thoại, chứ không phải là đối đầu, sẽ là lựa chọn đầu tiên trong các vấn đề liên quan tới Bán đảo Triều Tiên.
Ông Moon Jae-in từng tham gia công tác tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Roh Moo-huyn và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il năm 2007. Ông đã có hơn một thập kỷ để suy nghĩ về những gì diễn ra suôn sẻ và những gì trục trặc trong hội nghị năm đó.
Điều mà ông Moon Jae-in nhận rõ là hội nghị năm 2007 giữa hai nước diễn ra trong khi Tổng thống Roh Moo-huyn ở cuối nhiệm kỳ nên không còn thời gian để thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào với Triều Tiên.
Về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới ở độ tuổi thanh niên vào thời gian diễn ra hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007. Tuy nhiên, việc ông Kim Jong-un thấm nhuần ý nghĩa, bài học của hai hội nghị liên Triều thời đó mà cha mình, ông Kim Jong-il, tham dự thì cũng không có gì là lạ.
Trái lại, cho dù khi tranh cử từng tuyên bố sẽ sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ chưa bao giờ xem xét nghiêm túc ý định tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un. Chỉ vài tuần trở lại đây, ông Trump mới để ý tới việc này. Trong thực tế, chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là người đã góp phần thuyết phục Tổng thống Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên.
Trong bối cảnh đó, hội nghị liên Triều ngày 27/4 tới đây sẽ là nơi để ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un định hình các vấn đề Bán đảo Triều Tiên và hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Dự đoán kết quảHai hội nghị thượng đỉnh sắp tới có thể đưa ra được kết quả gì? Thoạt nhìn, dường như những gì mà Mỹ có thể đề nghị sẽ hấp dẫn hơn với Triều Tiên. Các đề nghị của Mỹ có thể gồm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hiệp ước hòa bình, bỏ dần dần các biện pháp trừng phạt, chuyển dầu mỏ, cho phép tiếp cận nguồn vốn từ các thể chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới.
Ông Kim Jong-un (trái) và ông Moon Jae-in. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đó là những “củ cà rốt” ngon nhất mà Mỹ đã đề nghị trong các thỏa thuận trước đó với Triều Tiên. Đổi lại Mỹ sẽ đòi Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Đối với hội nghị thượng đỉnh liên Triều, một đường dây nóng trực tiếp kết nối lãnh đạo hai nước đã được thiết lập trước hội nghị ngày 20/4. Theo ông Ramon Racheco Pardo, đây là một đột phá thực sự vì nó sẽ cho phép ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un liên lạc trực tiếp khi cần thiết. Đây cũng là một biện pháp xây dựng niềm tin quan trọng, chưa từng được thử trên Bán đảo Triều Tiên trước đó.
Trên hết, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in cũng tuyên bố rằng họ muốn hội nghị thượng đỉnh lần này và các lần sau nữa có được một kết quả là hiệp ước hòa bình mà cả Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc tham gia. Đây là một mục tiêu tham vọng, xét bối cảnh hiệp định đình chiến năm 1953 đã tồn tại 65 năm qua mà chưa thể được thay thế bằng một hiệp ước hòa bình. Tham vọng này cho thấy Hàn Quốc muốn thực sự định hình lại địa chính trị của Bán đảo Triều Tiên.
Giả sử không thể đạt được kết quả tham vọng đó, hai bên tại hội nghị lần này cũng có thể đưa ra một thông báo vài dự án hợp tác nhằm đưa hai nền kinh tế xích lại gần nhau hơn. Có thể là mở lại khu công nghiệp chung Kaesong – điều mà ông Moon cam kết từ trước khi được bầu làm tổng thống Hàn Quốc. Ông Moon cũng muốn xây dựng đường ống dẫn khí đốt, đường bộ, đường sắt và các dự án khác kết nối Hàn Quốc với Trung Quốc và Nga thông qua Triều Tiên.
Ngoài ra, dư luận còn kỳ vọng hai bên đạt thỏa thuận hoặc ít nhất là thảo luận đến các biện pháp xây dựng niềm tin khác như hình thành khu vực đánh bắt cá chung, tăng cường viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên và nối lại các cuộc đoàn tụ gia đình liên Triều theo thỏa thuận đạt được trong hội nghị năm 2007.
Tại sao hội nghị liên Triều quan trọng hơn?Vậy tại sao kết quả tiềm năng của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lại quan trọng hơn kết quả của hội nghị Mỹ-Triều? Ngoài lý do hiển nhiên là hội nghị liên Triều sẽ diễn ra trong vài ngày tới còn hội nghị Mỹ-Triều mới chỉ là dự định và bị nhiều thông tin xung đột bủa vây, còn một lý do quan trọng nữa là nhìn vào cam kết của các bên có liên quan.
Theo nhận định của ông Ramon Racheco Pardo trên trang bình luận warontherocks.com (Mỹ), Mỹ từ lâu đã “có tiếng” là không tuân thủ nghiêm chỉnh các thỏa thuận. Một phái đoàn Triều Tiên được cho là mới gặp quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng ông Trump sẽ thậm chí còn không giữ lời hứa là tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un.
Chưa có gì đảm bảo chắc chắn ông Trump sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chính phủ của ông Trump còn toan tính rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay chí ít là đòi đàm phán lại. Với một trong nhiều ví dụ đó, Triều Tiên ít nhiều cũng lo lắng liệu Mỹ có giữ lời về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh hay không. Từ quan điểm của Triều Tiên, có một rủi ro rằng kết quả hội nghị thượng đỉnh có thể không quan trọng vì Mỹ sẵn sàng thay đổi điều khoản trong tương lai.
Mặt khác, Hàn Quốc có thể sẽ thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào đạt được. Và điều quan trọng là thỏa thuận với Hàn Quốc sẽ không phụ thuộc vào việc yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Thực tế là một trong những lý do chính mà ông Moon Jae-in muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên ngay thời gian đầu nhiệm kỳ là vì ông muốn có đủ thời gian để thực hiện thỏa thuận. Hội nghị thượng đỉnh năm 2007 diễn ra vào cuối nhiệm kỳ của ông Roh Moo-huyn nên thỏa thuận giữa hai bên chết từ trứng nước ngay khi Hàn Quốc có tổng thống mới hai tháng sau đó.
Ông Moon muốn đạt được một thỏa thuận mà người kế nhiệm ông sẽ khó có thể đảo ngược. Không giống Mỹ, cải thiện quan hệ liên Triều là chính sách ngoại giao quan trọng của Hàn Quốc, đặc biệt là chính quyền của ông Moon Jae-in. Tổng thống Hàn Quốc có rất nhiều vấn đề phải xử lý nhưng vấn đề Triều Tiên luôn là ưu tiên đầu tiên. Tổng thống Mỹ cũng có rất nhiều việc nhưng Triều Tiên không phải là ưu tiên hàng đầu và cũng chưa có gì đảm bảo hội nghị Mỹ-Triều chắc chắn diễn ra.
Hội nghị liên Triều quan trọng hơn Mỹ-Triều còn vì một lý do là nó diễn ra trước, do đó sẽ định hình cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim nếu được tổ chức.
Nếu hội nghị ngày 27/4 diễn ra suôn sẻ, cuộc gặp dự kiến Mỹ-Triều sẽ thuận lợi hơn. Trong khoảng thời gian tới cuộc gặp Mỹ-Triều, chính quyền Mỹ sẽ chịu áp lực không làm tổn hại quan hệ liên Triều.
Trái lại, nếu không suôn sẻ, sẽ có nhiều quan chức Mỹ, đặc biệt là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton mới được bổ nhiệm, sẽ thúc đẩy biện pháp trừng phạt và gây sức ép quân sự lớn hơn. Hội nghị Trum-Kim có thể bị hủy bỏ.