Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều: Hy vọng và thách thức

Hàn Quốc và Triều Tiên đang thu xếp các bước chuẩn bị cuối cùng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, với những hy vọng và không ít thách thức đan xen.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Daily News

Hàn Quốc và Triều Tiên đang triển khai các công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4 tới, một cơ hội hiếm hoi có thể giúp giải quyết bế tắc giữa hai bên, đồng thời lập ra một đường hướng ngoại giao tiến tới phi hạt nhân hóa và đem lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
 
Cuộc gặp vào ngày 27/4 tới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại tòa nhà Tự Do do phía Hàn Quốc kiểm soát ở làng đình chiến Panmunjom. Đây sẽ là cuộc gặp liên Triều lần thứ 3 mà nhiều khả năng sẽ là một phép thử khó khăn về khả năng của Moon Jae-in vượt qua được những hoài nghi trong nước, sự không tin tưởng giữa hai miền và xốc lại tình hình địa chính trị để giải quyết bế tắc của cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Nhật báo Munhwa Ilbo cho biết Triều Tiên và Hàn Quốc đàm phán để tuyên bố vĩnh viễn kết thúc cuộc xung đột quân sự. Munhwa Ilbo dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên nói rằng trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, các nhà lập pháp của hai miền được cho là sẽ thảo luận các chi tiết của một tuyên bố chung và phác họa tiến trình chấm dứt xung đột.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Giáo sư John Delury, chuyên gia Trung Quốc học tại trường Đại học Yonsei (Seoul), nhận định: “Kết thúc tình trạng xung đột là cốt lõi của mọi vấn đề. Hòa bình cũng phức tạp không kém gì phi hạt nhân hóa. Cũng phải có một tiến trình mới có thể mang lại hòa bình”.

Theo Munhwa Ilbo, một số vấn đề cần giải quyết bao gồm hàng trăm nghìn binh sĩ đóng quân dọc theo đường ranh giới được canh phòng cẩn mật nhất trên thế giới, các tàu ngầm và tàu tuần tra dọc theo bờ biển hai miền, liên minh quân sự còn hoạt động giữa Hàn quốc và Mỹ, sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và lực lượng pháo binh của Bình Nhưỡng luôn chĩa về hướng Seoul.
 
Trong khi đó, Yonhap dẫn lời giới chuyên gia nhìn nhận cuộc gặp này với hy vọng xen lẫn lo âu và thậm chí sợ hãi vì nếu cuộc gặp cấp cao nhất thất bại đồng nghĩa với việc các biện pháp ngoại giao sẽ tiêu tan và quay trở lại thời kỳ thù địch đầy bất ổn. Nam Chang-hee, chuyên gia an ninh thuộc Đại học Inha, chia sẻ với Yonhap: "Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có thể đánh dấu một cơ hội vượt qua điều mà chúng ta gọi là những rủi ro trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách ổn định mối quan hệ liên Triều sau mối lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến trên bán đảo hồi năm 2017".

Còn nhà phân tích chính trị Jun Kye-wan nói: "Bằng việc đóng vai trò trung tâm trong việc đưa Triều Tiên tới bàn đối thoại, Tổng thống Moon Jae-in đã chứng minh khẩu hiệu 'nắm lấy vai trò chèo lái' vấn đề bán đảo Triều Tiên không phải là kiểu 'thùng rỗng kêu to' khi khẩu hiệu này đã đem lại kết quả cụ thể". Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều hoài nghi về cuộc gặp giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un khi mà ý định của Bình Nhưỡng sau sự chuyển hướng hành động đột ngột và cam kết phi hạt nhân của nước này vẫn chưa rõ ràng, kèm theo đó là những rào cản địa chính trị có thể tác động đến quá trình đối thoại.

Nhiều hoài nghi đặt ra song đều xoay quanh câu hỏi vì sao nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại đồng ý đàm phán sau hơn 6 năm theo đuổi chính sách phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Cho Han-bum, chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, giải thích: "Bình Nhưỡng có thể đã đưa ra một kết luận mang tính chiến lược rằng sẽ có lợi hơn cho Triều Tiên nếu tham gia các cuộc đàm phán vào lúc này hơn là việc sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng đối mặt với nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ-Hàn".

Giới phân tích nói chung nhận định rằng các cuộc đàm phán về phi hạt nhân sẽ là một quá trình khó khăn đối với Tổng thống Moon Jae-in. Điểm mấu chốt ở đây có thể là việc diễn giải quá trình phi hạt nhân hóa. Một số chuyên gia tin rằng "phiên bản" phi hạt nhân hóa của Triều Tiên có thể đồng nghĩa với hàng loạt yêu cầu mà không thể chấp nhận được đối với Washington. Cách thức tiến hành quá trình phi hạt nhân hóa lại là một vấn đề gây tranh cãi. Washington phản đối định dạng phi hạt nhân hóa từng bước vì cho rằng đây là chiến thuật "cắt lát salami" của Triều Tiên nhằm chia tách vấn đề và đưa ra những đòi hỏi mới cho từng bước phi hạt nhân. Thay vào đó, Mỹ muốn Triều Tiên dỡ bỏ chương trình hạt nhân của mình trước khi trao cho Bình Nhưỡng bất kỳ nhượng bộ nào.

Để gia tăng cơ hội thành công trong các cuộc gặp thượng đỉnh tới đây, các nhà lãnh đạo Moon Jae-in và Trump cần đưa ra những giải pháp "sáng tạo và thiện chí" hơn là lặp lại những chiến thuật cũ hoặc tìm các biện pháp thử thách vốn khó lòng xoay chuyển được Triều Tiên.

Trước thềm cuộc gặp liên Triều, một thách thức khác đối với Tổng thống Moon là làm thế nào để lôi kéo sự tham gia của Trung Quốc và Nhật Bản theo hướng giúp thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhiều quan ngại nổi lên khi Washington và Bắc Kinh đang đối đầu thương mại và điều này có thể hủy hoại một mặt trận thống nhất trong việc giải quyết căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Tokyo có thể gây thêm phức tạp đối với nỗ lực phi hạt nhân hóa bằng việc gắn vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản lâu nay với tình hình an ninh.

TTXVN/Báo Tin tức
Lý do Triều Tiên không 'khoe' tên lửa trước thềm cuộc gặp cấp cao với Mỹ, Hàn Quốc
Lý do Triều Tiên không 'khoe' tên lửa trước thềm cuộc gặp cấp cao với Mỹ, Hàn Quốc

Trong dịp kỷ niệm ngày sinh cố Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành (15/4/1912), tại Bình Nhưỡng, hàng năm thường diễn ra diễu binh hay duyệt binh hoành tráng. Tuy nhiên, trong dịp kỷ niệm năm 2018, Triều Tiên đã không còn "trình diễn" tên lửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN