Dù nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận Sharm El-Sheikh chưa đủ tham vọng về cắt giảm khí thải, song việc các bên thống nhất thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu, được đánh giá là "thành tựu lịch sử".
Việc hội nghị phải kéo dài hơn 1 ngày so với kế hoạch ban đầu cho thấy các cuộc thương lượng diễn ra khó khăn, song cũng phản ánh quyết tâm của các bên tìm cách đạt được thỏa thuận nhằm phối hợp nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Phái đoàn của gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Hội nghị COP27, khai mạc ngày 6/11, đã tích cực thảo luận các vấn đề chủ chốt, bao gồm việc đảm bảo nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng và công bằng cho các nước đang phát triển và kém phát triển, nâng tham vọng hành động khí hậu để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, phát triển hydro xanh, chuyển đổi năng lượng, khử carbon, giảm thiểu, thích ứng, nông nghiệp, an ninh lương thực, đa dạng sinh học, các giải pháp khí hậu...
Vấn đề gai góc nhất trong số này là thiết lập một quỹ đền bù cho những nước nghèo và đang phát triển chịu tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP27, các nước đang phát triển đồng loạt kêu gọi các nước giàu, vốn đã phát thải phần lớn lượng khí thải nhà kính trong nhiều thập niên qua, phải có trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho nhóm nước đang phát triển và kém phát triển. Nhóm nước này cũng hối thúc các nước phát triển không chỉ thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm, được đưa ra tại COP15, để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn tăng mức hỗ trợ.
Tuy không thể định lượng chính xác nguồn tài chính cần cho nỗ lực giảm thiểu và thích ứng của các quốc gia đang phát triển, nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu cần thiết có thể lên tới hơn 4.000 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, các nước giàu, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã do dự vì lo ngại việc thiết lập một quỹ bồi thường có thể khiến các quốc gia này khác phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường không giới hạn có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Theo đánh giá của giới phân tích, thỏa thuận COP27 đã đạt được tiến triển đáng kể liên quan đến giảm thiểu, thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại, phù hợp với tầm nhìn của nước Chủ tịch COP27 Ai Cập. Về giảm thiểu, thỏa thuận kêu gọi cần phải giảm nhanh, sâu và bền vững lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, theo đó giảm 43% lượng khí thải ròng toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2019 để hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C.
Về thích ứng, thỏa thuận kêu gọi các bên tiếp tục lồng ghép vấn đề nước vào các nỗ lực thích ứng để tăng cường bảo vệ, bảo tồn và khôi phục an ninh lương thực, nông nghiệp, nước và các hệ sinh thái liên quan đến nước, bao gồm cả các lưu vực sông. Về tài chính khí hậu, thỏa thuận nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính quốc tế trong hệ thống tài chính để đảm bảo huy động được tài chính khí hậu từ nhiều nguồn khác nhau.
Thỏa thuận cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư 4.000 tỷ USD/năm vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và 4.000-6.000 tỷ USD/năm cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, đồng thời nêu bật sự cần thiết phải loại bỏ dần than đá và bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận COP27 không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại COP26 ở Glasgow (Anh) hồi năm ngoái liên quan tới các vấn đề chủ chốt. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh hội nghị chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans cho rằng thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa đủ để tạo bước tiến cho người dân và Trái Đất. Theo ông, những nỗ lực mới của các nước giàu và cũng là những nước có phát thải lớn vẫn là chưa đủ để tăng cường và đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải. Vấn đề tài chính cũng đánh giá chưa hoàn toàn thỏa đáng bởi các nước đang phát triển cần tới 5.000-6.000 tỷ USD để đáp ứng các cam kết khí hậu trước năm 2030.
Mặc dù vậy, kết quả COP27 vẫn được xem là bước tiến đáng kể khi vấn đề gai góc nhất đã được tháo gỡ. Thỏa thuận cuối cùng cơ bản đã làm hài lòng các bên, nhất là các nước phát triển và các nước mới nổi. Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry khẳng định điểm khó khăn nhất là vấn đề "tổn thất và thiệt hại" đã được giải quyết, đồng thời đánh giá việc thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra là "một thành tựu lịch sử" sau 27 năm đàm phán, bởi đây là lần đầu tiên "tổn thất và thiệt hại" được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị COP. Thành công này đã phản ánh quyết tâm và ý chí chính trị cao nhất từ tất cả các bên. Từ kết quả của COP27, các bên kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được thêm tiến triển về hành động khí hậu tại Hội nghị COP28, dự kiến diễn tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào năm tới.
Tại COP 27, phái đoàn Việt Nam, do Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu, đã tái khẳng định cam mẽ mạnh mẽ về mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đã công bố tại COP26, theo đó Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược về biến đổi khí hậu, cụ thể hóa các mục tiêu cam kết và nhiệm vụ chủ chốt, Việt Nam tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng và kinh tế suy giảm, nhiều quốc gia đã không thể triển khai thực hiện các cam kết tại COP26, quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam được đánh giá rất cao, được mời chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận cùng các bên tại COP27 để thúc đẩy những cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện trên thực tế, tham gia vào nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, các sáng kiến liên quan quá trình chuyển đổi năng lượng. Các đối tác quốc tế, đặc biệt là Anh, Mỹ và EU nói riêng cũng như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nói chung, đều đánh giá Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp và kế hoạch để biến cam kết thành hành động, thể hiện là một quốc gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong thực hiện các cam kết quốc tế.