Phát biểu với hãng tin AP, Bộ trưởng Môi trường Maldives Aminath Shauna nêu rõ: "Có một thỏa thuận về tổn thất và thiệt hại". Thỏa thuận này vẫn cần được nhất trí thông qua trong cuộc bỏ phiếu vào chiều cùng ngày.
Theo dự thảo đề xuất đền bù, còn gọi là vấn đề "tổn thất và thiệt hại", các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế.
Trong các cuộc đàm phán tại COP27, các nước nghèo nhất đóng góp ít lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính đã thống nhất kêu gọi việc thành lập quỹ nêu trên.
Tuy nhiên, đề xuất không ràng buộc việc lập quỹ mới với nỗ lực giảm phát thải, hay hạn chế chỉ các nước dễ bị tổn thương nhất mới được nhận đền bù - như đề xuất trước đó của Liên minh châu Âu.
Việc đạt được đột phá này mang lại hy vọng cho các cuộc đàm phán tại COP27 nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng của hội nghị.
Trước đó, Ai Cập thông báo các cuộc đàm phán tại COP27 kéo dài thêm một ngày, đến ngày 19/11. Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời là Chủ tịch COP27 - ông Sameh Shoukry - nêu rõ chương trình nghị sự của COP27 có sự thay đổi đột ngột do cần thêm thời gian để các bên tiếp tục đàm phán nhằm thống nhất những nội dung quan trọng của một thỏa thuận cuối cùng, trong đó có nội dung về quỹ bồi thường cho những nước nghèo chịu tác động của biến đổi khí hậu.