Hòa bình mong manh sau 5 năm xung đột

Bất chấp các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, tiếng súng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt tại Syria sau 5 năm xung đột.

Xe tăng của quân đội chính phủ Syria trong chiến dịch quân sự truy quét phiến quân IS tại làng Zarour và Khanaser, thành phố Aleppo ngày 26/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc khủng hoảng ở Syria đã vượt dấu mốc tròn 5 năm và bước sang năm thứ sáu. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, tiếng súng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Những mẫu thuẫn gay gắt của các bên trong cuộc xung đột, đặc biệt là những toan tính khác nhau của các cường quốc khu vực và thế giới đối với quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng tại Trung Đông này khiến cho hy vọng le lói của người dân Syria về một nền hòa bình có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.

Hơn 5 năm trước, Syria vốn được xem là nhà nước ổn định nhất trong thế giới Arab. Thế nhưng, đầu năm 2011, khi làn sóng biểu tình chống chính phủ bùng phát và lan rộng ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi thì đất nước Syria cũng không thể tránh khỏi vòng xoáy của cơn lốc đó. Tuy ban đầu các cuộc biểu tình của những người Hồi giáo dòng Sunni ở Syria chỉ ở quy mô nhỏ, nhưng sau đó đã lan rộng và trở thành phong trào biểu tình đòi lật đổ chính quyền hiện hành. Các cuộc biểu tình tiếp đó đã biến thành bạo động khi một số kẻ quá khích tấn công và đốt phá các cơ quan chính quyền địa phương. Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ cũng tổ chức các cuộc biểu tình phản đối phe đối lập tại nhiều thành phố trên cả nước. Xung đột giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad với lực lượng đối lập đã đẩy Syria vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng và đây là cơ hội để các tổ chức cực đoan, đặc biệt là nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, lợi dụng, biến Syria thành một mặt trận của quân khủng bố.

Có thể thấy Syria là nạn nhân bị tổn thất nặng nề nhất của làn sóng Mùa Xuân Arab. Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), hơn 250.000 người đã thiệt mạng và hơn 1 triệu người bị thương. Trong khi đó, Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria, có trụ sở tại London (Anh), cho biết xung đột đã làm hơn 270.000 người Syria thiệt mạng. Còn theo một báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Syria, bạo lực ở quốc gia Trung Đông này cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của gần 500.000 người. Những người còn sống, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đang phải sống trong cảnh lo sợ và thiếu thốn mọi thứ. Họ đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

Xung đột cũng đã khiến khoảng một nửa trong tổng số 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết khoảng 6,5 triệu người đã phải đi sơ tán bên trong lãnh thổ Syria, trong khi 4,8 triệu người rời bỏ đất nước đi lánh nạn ở các nước láng giềng, như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Jordan. Người tị nạn Syria đã mạo hiểm tính mạng khi lênh đênh trên hành trình vượt biển tới châu Âu để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo báo cáo của UNHCR, hơn 1 triệu người di cư và tị nạn đã đến châu Âu trong năm 2015, trong đó phần lớn là người Syria. Hàng nghìn người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong các hành trình nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải. Làn sóng di cư và tị nạn từ điểm nóng Syria đổ vào châu Âu khiến “lục địa già” rơi vào cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nó không chỉ gây tổn thất về kinh tế cho châu Âu, mà còn gây ra các nguy cơ an ninh, vì những phần tử cực đoan có thể trà trộn trong các dòng người tỵ nạn đổ vào các quốc gia châu Âu.

Về kinh tế, hiện chưa có số liệu chính xác về tổn thất do khủng hoảng gây ra. Nhưng theo báo cáo mới đây của tổ chức nhân đạo World Vision và hãng tư vấn Frontier Economics, xung đột kéo dài 5 năm qua đã khiến Syria thiệt hại khoảng 275 tỷ USD, gấp hơn 150 lần mức chi ngân sách cho y tế trước thời điểm nội chiến. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính xung đột đã khiến thị trường chứng khoán Syria bốc hơi 70-80 tỷ USD tính đến giữa năm 2014, và từ đó tới nay, tình hình ở nước này ngày một tồi tệ hơn. Ngoài ra, nhiều thành phố lớn như Aleppo, Daraa, Hama, Homs, Idlib và Latakia, cũng như hầu hết di sản văn hóa thế giới của Syria được UNESCO công nhận, trong đó có thành cổ Palmyra, đã bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn.

Thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã thúc đẩy nhiều giải pháp nhằm chấm dứt xung đột tại Syria, trong đó phải kể đến vòng đàm phán lần 1 vào năm 2012 và lần 2 vào năm 2014 cùng ở Geneva (Thụy Sĩ). Song cả 2 vòng hòa đàm này đều đổ vỡ khi các bên đối địch tại Syria không tìm được tiếng nói chung. Giới phân tích cho rằng, “thủ phạm” chính khiến các cuộc hòa đàm từ trước tới nay đều thất bại chính là sự thiếu lòng tin lẫn nhau giữa các bên.

Mới đây nhất, sau nhiều lần trì hoãn, với những nỗ lực của LHQ và nhóm các nước ủng hộ phe đối lập ở Syria (gồm Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia) và các quốc gia ủng hộ Tổng thống al-Assad (gồm Nga và Iran), vòng đàm phán hòa bình về Syria một lần nữa được khởi động trở lại ở Geneva, đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày bùng phát xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Đây là cuộc hòa đàm đầu tiên về Syria được tiến hành dưới sự bảo trợ của LHQ, vì vậy nó được kỳ vọng là “đem lại tia sáng cuối đường hầm” cho cuộc khủng hoảng dai dẳng hiện nay.


Tại vòng hòa đàm lần này, các bên tập trung đàm phán về tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria. Lộ trình hòa bình Syria gồm 3 chặng: đàm phán về việc thành lập chính phủ mới, xây dựng hiến pháp mới và tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống trong vòng 18 tháng. Đặc phái viên LHQ về Syria, ông Staffan de Mistura, đã cảnh báo rằng nếu vòng đàm phán lần này thất bại thì sẽ không có giải pháp thay thế nào để giải quyết xung đột tại Syria.

Tiến trình hòa đàm đang được tiếp sức khi một lệnh ngừng bắn đã được thực thi tại Syria từ hôm 27/2 vừa qua. Dù vẫn có thông tin về các vụ vi phạm, song cả Mỹ và Nga, hai nước đề xuất thỏa thuận này, đều đánh giá rằng lệnh ngừng bắn đang được tuân thủ khả quan. Bên cạnh đó, việc Nga tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi Syria từ ngày 15/3 sau gần 7 tháng can dự quân sự để hỗ trợ chính phủ Syria truy quét khủng bố, cũng được coi là động thái tích cực, có thể tác động tới tiến trình hòa đàm.

Tuy nhiên, mâu thuẫn gay gắt nhất vẫn là tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Bên cạnh đó, những chia rẽ trong nội bộ phe đối lập cũng như những toan tính can thiệp rõ nét gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xê-út, đang khiến cho tình hình Syria càng trở nên phức tạp. Trong một bình luận mới đây, tờ Gazeta của Nga cho rằng tiến trình hòa đàm không chỉ liên quan tới lợi ích của các phe phái tại Syria và các lực lượng trong khu vực mà còn liên quan tới lợi ích của rất nhiều nước, những quốc gia đã tiêu tốn nhiều cho chiến dịch quân sự tại Syria thời gian qua. Ngoài ý nghĩa địa chiến lược, Syria còn có vai trò chi phối trong nhiều vấn đề của khu vực, đặc biệt là với cuộc chiến chống IS. Một khi những rào cản do những mâu thuẫn phe phái và tính toán lợi ích của các bên không được giải quyết, sẽ khó có được đột phá để đem lại hòa bình trong tương lai gần cho Syria.

Nguyễn Trường (P/v TTXVN tại Trung Đông)
"Phong cách KGB" của ông Putin trong quyết định "ra, vào" Syria
"Phong cách KGB" của ông Putin trong quyết định "ra, vào" Syria

Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về rút lực lượng chủ chốt khỏi Syria đang khiến cả thế giới phải dò đoán xem Điện Kremlin có ý gì và nó sẽ tác động tới cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN