Theo William Reinsch, cố vấn cấp cao về Kinh doanh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), khả năng sát thương ngày càng lớn của vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, có nghĩa là hàng triệu người dân vô tội dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công ngoài mục tiêu quân sự. Hậu quả đó khiến các nhà lãnh đạo phải tìm kiếm các giải pháp thay thế và thương mại đã trở thành công cụ được lựa chọn vì nó "nằm giữa ngoại giao và chiến tranh", ít tính bạo lực hơn.
Sử dụng thương mại là vũ khí không phải là mới. Các quốc gia đã cấm vận lẫn nhau hoặc cắt giảm xuất nhập khẩu có chọn lọc trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên trong những năm qua, việc "vũ khí hóa" vấn đề thương mại đã phát triển lên một tầm cao mới và nguyên nhân chính là do căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng.
Hơn ai hết, Mỹ đã biến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt thành một loại vũ khí hiệu quả. Trải qua 80 năm, Mỹ đã triển khai hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nước.
Thành công rõ ràng nhất của nỗ lực trừng phạt cho đến nay có lẽ là chiến dịch toàn cầu chống nạn phân biệt chủng tộc của Nam Phi. Năm 1986, Mỹ cùng với các đối tác thương mại khác của Nam Phi thông qua các lệnh trừng phạt, dẫn đến phong trào thoái vốn và tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của nước này lan rộng. Kết quả là áp lực kinh tế đã giúp chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc vào năm 1994.
Nghịch lý thay, theo ông Reinsch, các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt và kéo dài như vậy đôi khi lại củng cố sức mạnh của những chế độ mà Mỹ đang tìm cách làm suy yếu, đặc biệt là ở Iran, Triều Tiên và Cuba. Tuy nhiên, từ lệnh cấm vận Cuba ban đầu, Chính quyền George W. Bush đã phát triển khái niệm về các biện pháp trừng phạt có mục tiêu hơn, thường nhắm vào lĩnh vực tài chính, thương mại và thường nhắm vào các cá nhân cụ thể thay vì toàn bộ quốc gia hoặc lĩnh vực.
Các quốc gia phương Tây có xu hướng áp dụng các biện pháp trừng phạt cho những gì họ coi là "hành vi đạo đức nghiêm trọng", ví dụ như hỗ trợ khủng bố, lật đổ hoặc tấn công các chính phủ khác, vi phạm nhân quyền, phát triển vũ khí hạt nhân. Việc "đa phương hóa" các biện pháp trừng phạt cũng đã làm tăng đáng kể hiệu quả của chúng, như các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với Nga đã chứng minh.
Trong trường hợp của Nga, học giả Sheelah Kolhatkar bình luận với tờ New Yorker của Mỹ rằng trước cuộc xung đột ở Ukraine, phương Tây đã nỗ lực sử dụng các biện pháp trừng phạt để làm một biện pháp răn đe. Sau khi xung đột nổ ra, chính quyền của ông Joe Biden thay vì đưa quân Mỹ tham chiến và mạo hiểm gây ra chiến tranh thế giới thứ ba, đã cam kết hàng tỷ USD viện trợ vũ khí và quân sự cho Ukraine. Chính quyền Mỹ cùng với các quốc gia thành viên NATO và đồng minh khác, cũng tăng cường nỗ lực trừng phạt Moskva.
Bộ Tài chính Mỹ, EU, Anh và Canada đã cấm các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga, khiến khoảng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng này bị phong tỏa ở nước ngoài. Mỹ đã trừng phạt hai ngân hàng thương mại lớn nhất của Nga và hàng chục nhà tài phiệt cũng như những người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin. Các chỉ thị của Bộ Tài chính Mỹ đã hạn chế khả năng huy động tiền của các công ty nhà nước lớn ở Nga tại các thị trường Mỹ.
Mỹ và EU cũng đã chặn 7 ngân hàng lớn của Nga sử dụng Swift, hệ thống tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền trên khắp thế giới. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã mô tả lệnh cấm Swift là “vũ khí hạt nhân tài chính”.
John E. Smith, cựu Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ nhận định: "Đây là lần đầu tiên phương Tây sử dụng sức mạnh kinh tế để chống một quốc gia có quy mô như vậy". Mức độ hợp tác chưa từng có giữa Mỹ và các đối tác phương Tây về các lệnh trừng phạt và việc họ sẵn sàng mạo hiểm làm gián đoạn nền kinh tế của chính họ trong quá trình này, khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên và có thể cũng khiến Moskva bất ngờ.
Tuy nhiên, tham vọng của Mỹ và các đồng minh bị hạn chế bởi một thực tế: Người châu Âu phụ thuộc nhiều vào Nga về nhiên liệu hóa thạch: gần 40% lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ trên lục địa này năm 2021 đến từ các nguồn của Nga.
Do đó, theo bà Kolhatkar, việc hạn chế phụ thuộc đó sẽ không thể diễn ra nhanh chóng, trong khi Moskva vẫn có nguồn thu từ chính các nước phương Tây bất chấp các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, Nga, nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới, có thể giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách chuyển sang Trung Quốc hoặc các nước khác nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng chính trị của phương Tây.