Ngày 8/11, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ để bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ liên bang với nhiệm kỳ 2 năm; 35 trong tổng số 100 ghế thượng nghị sĩ liên bang nhiệm kỳ 6 năm.
Theo bình luận của các nhà phân tích Bronte Munro, Gregory Brown, Iain MacGillivray tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), có ba kết quả có thể xảy ra trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tại Mỹ: Thứ nhất, hiện trạng được duy trì, với đảng Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Thứ hai, một Quốc hội chia rẽ xuất hiện trong đó Thượng viện do một đảng kiểm soát và Hạ viện do đảng còn lại chiếm đa số. Thứ ba, đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.
Các nhà phân tích trên cho rằng kết quả giữ nguyên hiện trạng là ít khả năng nhất, nhưng nếu kịch bản này vẫn xảy ra và đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện, Quốc hội có thể trao quyền cho Chính quyền Biden đưa ra các chính sách và luật mà không cần tham vấn hoặc hợp tác với đảng Cộng hòa.
Ngược lại, đảng Cộng hòa có thể sẽ tìm cách đổ lỗi cho Quốc hội do Đảng Dân chủ lãnh đạo và Nhà Trắng về bất kỳ rắc rối nào ở trong nước, chẳng hạn như suy thoái kinh tế hoặc thiếu hụt năng lượng. Những vấn đề trong nước đó có thể ảnh hưởng đến các vấn đề đối ngoại ví dụ như việc cung cấp nguồn lực cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Với kịch bản thứ hai, trong đó một đảng chiếm đa số tại Hạ viện và đảng còn lại kiểm soát Thượng viện, Chính quyền Biden sẽ không thể thông qua các luật gây tranh cãi bằng tỷ lệ phiếu tuyệt đối. Tuy nhiên, việc đảng Cộng hòa giành chiến thắng ở một trong hai viện (chứ không phải cả hai viện) và các ủy ban trong quốc hội thay đổi theo đó có thể làm đình trệ các dự luật, dẫn đến bế tắc trong quốc hội khi mỗi đảng tìm cách thúc đẩy chương trình nghị sự của mình trước cuộc tổng tuyển cử năm 2024.
Một quốc hội chia rẽ có thể sẽ xem xét chính sách đối ngoại và hoạt động giám sát thông qua lăng kính chính trị trong nước và đảng phái. Trong kịch bản này, vấn đề đảng phái sẽ xuất hiện giữa hai viện và trong các ủy ban riêng lẻ, điều này có thể dẫn đến giảm sự đồng thuận.
Do đó, các thỏa thuận như AUKUS phụ thuộc vào việc nó sẽ là ưu tiên của chính sách đối nội hay đối ngoại. Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ AUKUS. Tuy nhiên, các chính sách mới cho trụ cột thứ hai trong chương trình làm việc của AUKUS (các năng lực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và siêu vượt âm) có thể trở nên khó phát triển hơn do sự chồng chéo giữa chính sách đối nội và đối ngoại.
Những vấn đề trong nước cũng có thể xếp trên các cân nhắc về chính sách đối ngoại. Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng có thể có nhiều tranh luận chính trị hơn về mức độ đồng thời cung cấp nguồn lực của Mỹ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga ở châu Âu và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Với kịch bản thứ ba, có vẻ khả năng này dễ xảy ra trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ. Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, được khuyến khích bởi chiến thắng trong cuộc bầu cử, sẽ có động lực để thách thức Chính quyền Tổng thống Biden. Đảng Cộng hòa sẽ ở một vị thế mạnh mẽ hơn để đưa ra và tìm cách thông qua các dự luật.
Rất có thể sự giám sát của đảng Cộng hòa sẽ cản trở việc Chính quyền Biden thực hiện những cuộc bổ nhiệm chính trị, trong đó có các đại sứ Mỹ. Tuy nhiên trong kịch bản này, ảnh hưởng chính trị của đảng Cộng hòa có thể không làm giảm sự hợp tác của lưỡng đảng cũng như những thỏa hiệp về chính sách đối ngoại và quốc phòng - ít nhất là trước khi chiến dịch bầu cử tổng thống được tiến hành vào giữa năm 2023. Sẽ có sự thống nhất để cho chính sách đối ngoại tiếp tục hoạt động ít nhất trong vòng 6 tháng, miễn là không bên nào đưa ra các chính sách không thể chấp nhận được đối với bên kia.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đảng Cộng hòa sẽ giành đa số trong Hạ viện và cũng có thể kiểm soát Thượng viện, với các vấn đề kinh tế và chi phí sinh hoạt đang chi phối cuộc bầu cử. Nếu điều đó xảy ra, cả hai đảng sẽ tập trung vào các nhu cầu chính trị trong nước. Trong trường hợp đảng Dân chủ nắm giữ cả hai viện, Chính quyền Biden sẽ có nhiều cơ hội hơn để thực hiện chính sách đối ngoại của mình.
Tóm lại, các chuyên gia phân tích trên cho rằng dù kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ lần này có ra sao, thì lợi ích của Mỹ vẫn là ưu tiên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngay cả khi bị chi phối bởi các thách thức ở trong nước và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra ở châu Âu.