Cựu ứng cử viên khuấy đảo chính trường Mỹ
Tính đến 9 giờ Việt Nam ngày 26/11, chiến dịch gây quỹ yêu cầu kiểm lại phiếu bầu cử tại ba bang chiến địa Wisconsin, Pennsylvania và Michigan của cựu ứng cử viên tổng thống đảng Xanh, bà Jill Stein đã kêu gọi được hơn 5,3 triệu USD, vượt mốc tối thiểu 4,5 triệu USD theo luật định của các bang để phục vụ riêng cho chi phí kiểm lại phiếu.
Trên trang web vận động, chiến dịch gửi lời cảm ơn những người đã gây đủ quỹ để phục vụ toàn bộ công tác kiểm phiếu tại hai bang Wisconsin và Pennsylvania. Đích đến tiếp theo của chiến dịch là kịp cán mốc chi phí cần thiết để kiểm lại phiếu tại bang Michigan. Tổng chi phí dự toán cho việc kiểm phiếu cả ở ba bang, bao gồm phí tư pháp, sẽ lên khoảng 6 - 7 triệu USD.
Thời hạn cuối để có thể kiểm lại phiếu ở bang Wisconsin là ngày 25/11 và ở bang Pennsylvania là ngày 28/11, bang Michigan là ngày 30/11.
Bà Hillary đã chấp nhận thua cuộc và không đưa ra bất cứ yêu cầu kiểm lại phiếu nào.Ảnnh: TIME |
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/11, bà Stein chỉ giành được khoảng 1,2 triệu phiếu phổ thông, không thể sánh được so với mức 62.206.395 phiếu của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và càng kém so với số phiếu kỷ lục của bà Clinton. Nói cách khác, bà Stein không có cơ hội lật ngược thế cờ dù kiểm phiếu lại.
Tuy nhiên, từ ngày 23/11, cựu ứng viên này đã phát động chiến dịch gây quỹ trực tuyến nhằm bảo đảm tính đúng đắn của cuộc bầu cử, yêu cầu kiểm lại phiếu ở ba bang có số lượng cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngang ngửa nhau trong bối cảnh bà cho rằng các số liệu cho thấy cần phải kiểm tra kết quả do máy tính thực hiện.
Bà Stein khẳng định hành động này của bà xuất phát từ sự nghi ngờ có những “dấu hiệu bất thường về số liệu thống kê” trong con số mà giới chức liên bang công bố.
Trước đó, một nhóm các nhà khoa học và nhà hoạt động kêu gọi việc kiểm lại số phiếu tại ba bang chiến địa mà Tổng thống đắc cử thắng với tỷ lệ sát sao khi cho rằng kết quả bị “thao túng” hay “tin tặc can thiệp”.
Nếu việc kiểm phiếu lại tại 3 bang nói trên cho kết quả đảo ngược, mang lại chiến thắng cho bà Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ có thêm 46 phiếu, bao gồm 16 phiếu đại cử tri của bang Michigan, 10 phiếu của bang Wisconsin và 20 phiếu của bang Pennsylvania, nâng tổng số phiếu đại cử tri đạt được lên 278 phiếu và lật ngược thế trận.
Nhiệm vụ bất khả thi
Với một mùa bầu cử xuất hiện loạt yếu tố bất ngờ, từ chiến thắng gây sốc của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump dù thua tận hơn 2 triệu phiếu phổ thông cho đến việc nữ cựu Ngoại trưởng Clinton nhận được số phiếu phổ thông cao thứ hai trong lịch sử bầu cử Mỹ, chỉ kém Tổng thống Barack Obama, liệu kết quả kiểm lại phiếu tại 3 bang trên có tạo nên thêm một bất ngờ nữa?
Theo nhiều chuyên gia nhận định, tia hi vọng lật ngược chiến thắng dành cho bà Clinton xem ra khá mong manh.
Phản ứng trước lời cáo buộc kết quả bầu cử bị “can thiệp”, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Bầu cử David Becker khẳng định cho đến hiện tại “không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có gian lận trong thống kê số phiếu”. Bên cạnh đó, lời kêu gọi của bà Stein đang gặp phải nhiều phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Một số người cho rằng đây là một động thái không dân chủ vì không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử. Số khác cho rằng đã quá muộn màng.
Ngoài ra, chính cựu ứng viên Clinton cũng không quá mặn mà với ý định thách thức kết quả bầu cử. Mặc cho bao lời kêu gọi bà yêu cầu kiểm lại phiếu, ban quản lí vận động tranh cử của nữ ứng viên vẫn lặng im. Trước đó, bà Clinton đã thừa nhận thất bại, chúc mừng chiến thắng của ông Trump.
Trong một diễn biến liên quan, tới nay đã có 4,5 triệu người ký vào thỉnh nguyện thư đề nghị đại cử tri chống lại quy định bang hoặc cam kết với đảng, bỏ phiếu chống ông Trump vào ngày 19/12 tới. Bên cạnh đó, số đại cử tri cam kết “phản thùng” chống Tổng thống đắc cử đã tăng kỷ lục, lên tới 6 người, rút ngắn khoảng cách chiến thắng giữa ông Trump và bà Clinton. Tuy nhiên trong lịch sử bầu cử Mỹ, việc đại cử tri “phản thùng” chưa bao giờ lật ngược được kết quả bầu tổng thống.