Theo phân tích của nhà nghiên cứu Chris Gowe trên trang web của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột (IPCS) mới đây, các cuộc thăm dò dư luận gần nhất một lần nữa gây ra cuộc tranh luận về sử dụng vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc. Kết quả khảo sát do Hội đồng Chicago về Vấn đề Toàn cầu (CCGA) công bố ngày 21/2 cho thấy, 71% công dân Hàn Quốc ủng hộ phát triển năng lực hạt nhân nội địa, trong khi 56% ủng hộ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc.
Cuộc khảo sát của Unification KINU vào mùa Thu năm 2021 cũng đã chứng minh rằng phần lớn người dân Hàn Quốc ngày càng ủng hộ sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng cả hai nhóm nghiên cứu đều lưu ý rằng có sự khác nhau giữa những người được hỏi về lựa chọn giữa vũ khí hạt nhân do Hàn Quốc tự phát triển và vũ khí hạt nhân của Mỹ triển khai tại Hàn Quốc.
Khi Triều Tiên tăng tốc phát triển năng lực quân sự và liên minh Mỹ-Hàn xuất hiện mâu thuẫn, một số chính trị gia kêu gọi Seoul nên theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân riêng. Những người khác lại khuyến nghị rằng nên tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở Hàn Quốc.
Trong một số trường hợp, Hàn Quốc đã vạch ra con đường hướng tới hạt nhân hóa. Tháng 10/2021, Seoul đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), trở thành quốc gia không sở hữu hạt nhân đầu tiên thử nghiệm hệ thống như vậy. SLBM thường có ở các quốc gia muốn đảm bảo khả năng tấn công hạt nhân.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn có kế hoạch xây dựng một lò phản ứng hạt nhân mođun nhỏ tại khu Tổ hợp Nghiên cứu Nguyên tử Gampo, có thể phục vụ phát triển động cơ đẩy tàu ngầm, bất chấp hiệp ước với Mỹ về giới hạn vật liệu hạt nhân cho các mục đích dân sự. Hàn Quốc đã có tiềm lực hạt nhân mạnh và việc triển khai các lò phản ứng sử dụng urani làm giàu cao (HEU) sẽ giúp rút ngắn thời gian cần thiết để phát triển vũ khí hạt nhân. Những diễn biến này đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về tham vọng hạt nhân tiềm tàng của Seoul.
Lập luận ủng hộ phát triển vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc dựa trên quan điểm rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, cùng những lo ngại về độ tin cậy về khả năng răn đe hạt nhân mở rộng của Mỹ trong một cuộc xung đột tiềm tàng. Do liên minh Mỹ - Hàn Quốc suy yếu và các mục tiêu an ninh khu vực khác nhau của hai nước, một số học giả Mỹ cho rằng tốt hơn hết Seoul nên phát triển năng lực hạt nhân để chống lại mối đe dọa. Họ gợi ý rằng Mỹ nên hỗ trợ chính trị động thái như vậy.
Hàn Quốc lo ngại các tiến bộ về hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng có thể khiến Mỹ khó can thiệp vào cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, vì tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên hiện có khả năng tấn công các thành phố lớn của Mỹ, như tên lửa Hwasong-14 và 15. Đây là những yếu tố khiến một số người khuyến nghị rằng Seoul nên xem xét một cách tiếp cận đảm bảo năng lực hạt nhân của chính mình.
Các đề xuất về việc Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân đặt ra câu hỏi liệu tình hình an ninh của nước này có thực sự được cải thiện. Không rõ việc phát triển năng lực hạt nhân của Hàn Quốc sẽ có ảnh hưởng gì đến việc ra quyết định sử dụng hạt nhân của Triều Tiên, nhưng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là viễn cảnh Seoul sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ khiến Bình Nhưỡng phải cân nhắc đến tấn công phủ đầu. Như vậy, leo thang xung đột trên Bán đảo Triều Tiên sẽ tăng lên bất kể Hàn Quốc có sự cải thiện về khả năng răn đe.
Triều Tiên đã nhiều lần chứng minh rằng họ sẽ không ngần ngại cắt đứt các đường dây liên lạc song phương quan trọng. Hàn Quốc được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ làm gia tăng nghi ngờ của Triều Tiên trong tình huống mà các cơ chế quản lý rủi ro đó đã không còn hoạt động, nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm nhiều hơn. Hơn nữa, nếu Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, "hiệu ứng domino hạt nhân" sẽ nổi lên trong khu vực và môi trường an ninh tổng thể sẽ bị xấu đi.
Ngoài ra, Mỹ chưa bao giờ chấp nhận ý tưởng Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân và việc Seoul theo đuổi hạt nhân hóa có thể sẽ dẫn đến chấm dứt liên minh Mỹ-Hàn. Bên cạnh đó, sở hữu vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ giải pháp ngoại giao tiềm năng hướng tới phi hạt nhân hóa hoặc hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Mặc dù triển vọng thuyết phục Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hiện tại còn mờ mịt, nhưng trường hợp Seoul có vũ khí hạt nhân sẽ làm cơ hội giảm đi.
Tóm lại, chuyên gia phân tích Gowe cho rằng việc Hàn Quốc rời khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sẽ gây ra những hậu quả tai hại đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, tạo thêm lý do để Bình Nhưỡng khẳng định mục đích sở hữu kho vũ khí của riêng mình. Các cơ hội ngoại giao theo đuổi hòa bình và phi hạt nhân hóa với Triều Tiên có thể sẽ biến mất, giáng một đòn mạnh vào nỗ lực hướng tới hòa bình và ổn định khu vực.