Nghiên cứu còn khẳng định đây chính là thời điểm lý tưởng để con người suy nghĩ lại về mối quan hệ với đại dương, đặc biệt sau khi đại dịch COVID-19 đã chứng minh cho toàn thế giới thấy con người mong manh như thế nào trước các mối đe dọa xuất phát từ chính hệ sinh thái mà chúng ta đang sinh sống và dựa vào.
Để mường tượng về vai trò của đại dương, chúng ta thường nói là đó là nguồn sống của con người khi cung cấp lượng rất lớn thức ăn, dược phẩm, khoáng sản, năng lượng. . là "lá phổi xanh khổng lồ" tạo ra 50% lượng oxy mà con người cần trong khi lại hấp thụ gần 30% lượng khí thải CO2, cũng như 90% lượng nhiệt thải ra từ lượng khí này, cũng là tấm khiến bảo vệ con người trước những tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu; là điểm nghỉ dưỡng, chữa bệnh... Đại dương chính là một phần đặc biệt quan trọng của hệ sinh quyển Trái Đất bởi có đến 75% diện tích bề mặt Trái Đất là các đại dương, 97% lượng nước trên Trái Đất tập trung ở các đại dương và có tới 99% không gian sinh sống trên hành tinh này là thuộc về thế giới đại dương.
Và bởi 75% diện tích Trái Đất là đại dương, nên đây chính là cuộc sống, là sinh kế của hàng tỷ người. Theo LHQ, khoảng 680 triệu người sống tại các vùng ven biển trũng, ước tính tới năm 2050, con số này tăng lên 1 tỷ người. Hơn 3 tỷ dân trên thế giới sống phụ thuộc vào hệ sinh thái đại dương và ven biển, tổng giá trị thị trường từ các nguồn tài nguyên và các ngành khai thác biển và ven biển toàn cầu ước tính khoảng 3.000 tỷ/năm, tương đương khoảng 5% GDP toàn cầu. Hơn 200 triệu lao động toàn cầu làm việc cho ngành ngư nghiệp hoặc các ngành liên quan. Khoảng 80% lưu lượng giao thương hàng hóa tòa cầu được vận chuyển bằng đường biển, tỷ lệ này còn cao hơn ở hầu hết các quốc gia đang phát triển.
Hàng chục năm nay, các cư dân ven biển cũng hiểu rất rõ rằng họ phải chật vật, khó khăn như thế nào khi mà lượng dự trữ hải sản giảm mạnh, môi trường sống ven biển suy thoái và nhiều người cũng nhận thức được rằng các vùng biển ô nhiễm có tác hại lớn tới sức khỏe con người. Đó là lý do việc bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững trở thành mục tiêu số 14 trong các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, được Liên hợp quốc công bố năm 2015.
Tuy nhiên, các báo cáo của LHQ chỉ ra rằng hơn 5 năm qua, con người dường như vẫn tiếp tục cuộc sống hưởng thụ những ưu đãi từ đại dương mà chưa xác định được rõ ràng rằng quan hệ khăng khít giữa con người và đại dịch là một mối quan hệ 2 chiều, hay nói cách khác, để có thể nhận được nguồn lợi to lớn từ đại dương, con người cũng cần phải "ứng xử tốt" với đại dương.
Số lượng của các khu vực được gọi là vùng chết dưới đại dương đã gia tăng trên phạm vi toàn cầu, từ con số hơn 400 trong năm 2008 lên tới 700 vào năm 2019… Hơn 26% diện tích đại dương đang bị acid hóa kể từ khi con người bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp. Đến năm 2050, LHQ ước tính 20% các hệ sinh thái biển rộng lớn bị ảnh hưởng bởi phú dưỡng, tức là chất lượng nước suy giảm mạnh do nồng độ các chất hóa học tăng cao. Có đến 80% rác thải gây ô nhiễm đại dương và các vùng ven biển có nguồn gốc từ đất liền, đó có thể là các chất thải nông nghiệp, thuốc trừ sâu, rác thải nhựa… Tình trạng này đang ở mức báo động, với trung bình 13.000 mảnh rác nhựa được tìm thấy trên mỗi km2 của đại dương.
Đặc biệt, chúng ta đang chứng kiến 30% trữ lượng cá thế giới bị khai thác quá mức, không thể tạo ra sản lượng bền vững. Với 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy, con người đang lấy từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung.
Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp tới con người, bởi có tới hơn 4,5 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào các sản phẩm từ đại dương như nguồn cung cấp 15% lượng protein cần thiết trong khẩu phần ăn hằng ngày. Tình trạng đánh bắt hải sản quá mức ước tính gây thiệt hại hằng năm khoảng 90 tỷ USD. Những hoạt động xả thải của con người còn làm trầm trọng thêm tình trạng ấm lên của nước biển, acid hóa và mất oxy trong lòng đại dương, đẩy sức nóng dưới lòng đại dương lên những mức cao kỷ lục, gây ra những đợt sóng nhiệt trên diện rộng. Các nhà khoa học cũng cho biết hơn 250 triệu ca bệnh hô hấp hoặc viêm dạ dày ghi nhận mỗi năm trên hành tinh này là do con người bơi lội tại những vùng biển ô nhiễm.
Ngày Đại dương thế giới 8/6 năm nay, LHQ chọn chủ đề “The Ocean: Life and livelihood” (Đại dương: Cuộc sống và sinh kế) để nêu bật những đóng góp kỳ diệu của đại dương cho cuộc sống của con người cũng như vai trò hết sức quan trọng của đại dương đối với sinh kế của con người nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của con người, tạo điều kiện cho một mối quan hệ lành mạnh hơn giữa con người và đại dương, ở đó con người không còn là “đối tác độc hại” mà là "đối tác bền vững".
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện chương trình Thập niên khoa học đại dương vì mục tiêu phát triển bền vững của LHQ giai đoạn 2021-2030. Chương trình đặt mục tiêu thập niên này sẽ là giai đoạn củng cố hợp tác quốc tế để phát triển các nghiên cứu khoa học và công nghệ đột phá giúp tạo ra một sự cân bằng mới, bắt nguồn từ nghiên cứu thực sự về đại dương và mối quan hệ với con người, xây dựng một kết nối tổng thể với đại dương, tiến tới đạt mục tiêu phát triển bền vững số 14.
Như chia sẻ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres "rất nhiều lợi ích do đại dương mang lại cho con người lại đang bị tước bỏ bởi chính hành động của chúng ta”, thông điệp của LHQ trong Ngày Đại dương thế giới là bảo đảm một mối quan hệ bền vững lâu dài giữa con người với đại dương thông qua hành động bảo vệ đại dương, khai thác đại dương bền vững, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng sống dựa vào đại dương.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, trong bối cảnh con người và môi trường, trong đó có môi trường đại dương đang chịu các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, để phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng sống dựa vào đại dương, con người cần phải hài hòa giữa khai thác, chế biến và bảo tồn, mà trước hết là chấm dứt các hoạt động đánh bắt không bền vững, mở rộng các khu bảo tồn biển và giảm đáng kể ô nhiễm đai dương.
Là một quốc gia biển, Việt Nam luôn coi trọng vấn đề bảo vệ đại dương, phát triển bền vững sinh kế biển. Việt Nam đã triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam cũng tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương... Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu số 14 về phát triển bền vững, thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam cần có các giải pháp rõ ràng, mang tính chuyển đổi và hành động mạnh mẽ hơn.
LHQ coi năm 2021 là năm quan trọng để thiết lập lại mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên nói chung, trong đó có đại dương. Trong thông điệp nhân Ngày Đại dương thế giới, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về đại dương Peter Thompson đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện mối quan hệ của con người với đại dương để tạo sự tôn trọng và cân bằng. Trong khi đó, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir khẳng định: "Nói một cách đơn giản, phải thay đổi mối quan hệ của chúng ta với đại dương trên thế giới” theo hướng bền vững và gắn kết hơn, để không xảy ra một kịch bản xấu, rằng con người có thể phải tồn tại trên một hành tinh không có đại dương.