Được thông qua trước Ngày Môi trường Thế giới (5/6) và Ngày Đại dương Thế giới (8/6), Kế hoạch hành động trên là một dấu mốc quan trọng đối với ASEAN, thể hiện cam kết tập thể mới mạnh mẽ hơn thông qua các hành động khu vực, phù hợp với các chương trình nghị sự quốc gia nhằm giải quyết một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết các vùng biển và bờ biển rất quan trọng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân, song đang phải chịu áp lực lớn, đặc biệt là ô nhiễm rác thải đại dương có thể gây tổn hại sức khỏe con người cũng như làm suy giảm các ngành du lịch và đánh bắt cá quan trọng của khu vực.
Tổng thư ký Dato Lim nhấn mạnh rằng Kế hoạch hành động này minh chứng cho phản ứng tập thể và hướng tới tương lai của các nước thành viên ASEAN trước các thách thức nhằm hỗ trợ các chính sách, nền tảng khu vực và huy động các nguồn lực để bổ sung cho các hành động quốc gia hiện có.
Với 14 hành động khu vực dựa trên 4 trụ cột gồm hỗ trợ chính sách và lập kế hoạch; nghiên cứu, đổi mới và nâng cao năng lực; nhận thức, giáo dục và tiếp cận cộng đồng; và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, Kế hoạch hành động này sẽ được thực hiện trong 5 năm tới, mang lại nhiều cơ hội cho các quốc gia thành viên xúc tiến, hợp tác và áp dụng các giải pháp lâu dài liên quan đến việc sử dụng và quản lý nhựa.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa nhấn mạnh cùng với tốc độ đô thị hóa và tầng lớp tiêu dùng tăng nhanh, khối lượng chất thải rắn và rác thải nhựa đại dương đang gia tăng trên toàn khu vực Đông Nam Á.
Được xây dựng dựa trên Tuyên bố Bangkok về chống rác thải đại dương tại khu vực ASEAN và Khuôn khổ hành động ASEAN về rác thải đại dương, Kế hoạch hành động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ASEAN đạt được tầm nhìn này, cũng như bảo vệ và duy trì các môi trường biển quan trọng cho thế hệ mai sau.
Kế hoạch hành động hỗ trợ cam kết chung của ASEAN trong việc giải quyết thách thức bằng cách giảm sử dụng nhựa, tăng cường thu gom, tái chế. Các hành động được nêu trong Kế hoạch bao gồm hướng dẫn cho các quốc gia nhằm loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hài hòa hóa các chính sách khu vực về tái chế và tiêu chuẩn đóng gói nhựa, đồng thời tăng cường đo lường và giám sát rác thải nhựa đại dương. Các biện pháp phối hợp này cũng sẽ giúp nâng cao các nền tảng khu vực về đổi mới, đầu tư và đào tạo.
Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng rác thải nhựa đại dương là một thách thức lớn đối với khu vực và cần có hành động tập thể mạnh mẽ để giải quyết thách thức này.
Bà Victoria Kwakwa cho hay WB đã hỗ trợ Ban Thư ký ASEAN và các quốc gia thành viên ASEAN trong việc soạn thảo Kế hoạch hành động toàn diện này như một khuôn khổ cho hành động chung và trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, WB cũng đã thực hiện các hoạt động đánh giá, hỗ trợ chính sách và đầu tư trên phạm vi toàn khu vực.