Theo trang tin Harvard Health, “trẻ em, đặc biệt ở độ tuổi nhỏ, có thể mắc COVID-19. Nhiều em không có triệu chứng, và những em trở bệnh thường có triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, mệt mỏi và ho”.
Một nghiên cứu khác do các nhà khoa học ở Đại học College London, Đại học Bristol, Đại học York, và Đại học Liverpool cũng ghi nhận “nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, là cực kì thấp ở trẻ em và trẻ vị thành niên”, dù bổ sung rằng COVID-19 “làm tăng khả năng bệnh trở nặng ở những thanh thiếu niên dễ bị tổn thương nhất, những người có bệnh lí nền và khuyết tật nghiêm trọng, dù những nguy cơ này nhìn chung ở mức thấp”.
Trong một bài viết trên tạp chí khoa học Nature, phóng viên Heidi Ledford khẳng định những nghiên cứu trên “không đánh giá đầy đủ về tỷ lệ trở bệnh ít nghiêm trọng hơn hay những triệu chứng của COVID-19 kéo dài (Long COVID-19) có thể ảnh hưởng nhiều tháng sau khi giai đoạn nhiễm bệnh cấp tính trôi qua”.
Cũng trao đổi với tạp chí Nature, bác sĩ nhi khoa Danilo Buonsenso thuộc Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rome (Italy) cũng cho rằng dù tỉ lệ mắc bệnh cấp tính nghiêm trọng thấp là thông tin quan trọng, song điều đó không đồng nghĩa COVID-19 không phải vấn đề với trẻ em. Ông kêu gọi các gia đình cần lưu tâm và tiêm chủng cho các em ngay khi có thể.
Ngày càng nhiều thông tin sai lệch nguy hiểm liên quan đến đại dịch COVID-19 xuất hiện trên mạng Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội. Chính vì thế, giới khoa học khuyến cáo mọi người cần dựa trên những thông tin đáng tin cậy về COVID-19, về triệu chứng, cách ngăn ngừa và điều trị, của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc của cơ quan y tế quốc gia, thay vì thông tin trôi nổi trên mạng.