Giới chức Trung Quốc thích Donald Trump chiến thắng Joe Biden

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây nhiều lần cho rằng Trung Quốc mong đợi Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc ủng hộ ông Trump có thêm một nhiệm kỳ nữa.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản tháng 6/2019. Ảnh: AFP

Theo hãng tin Bloomberg, các cuộc phỏng vấn với 9 quan chức đương nhiệm và các cựu quan chức Trung Quốc đã cho thấy một sự thay đổi theo chiều hướng ủng hộ ông Trump, bất chấp việc tổng thống Mỹ trong gần 4 năm qua thường xuyên đổ lỗi cho Bắc Kinh trong mọi vấn đề, từ mất cân bằng thương mại với Mỹ cho tới nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Cùng quan ngại căng thẳng Mỹ - Trung sẽ gia tăng bất kể ai ở Nhà Trắng, nhưng số giới chức Trung Quốc phần lớn đều rơi vào hai nhóm đối tượng: Số nhấn mạnh lợi ích địa chính trị mà Trung Quốc thu nhận được và số lo ngại về quan hệ thương mại. Ông Biden được xem là mẫu lãnh đạo truyền thống của Đảng Dân chủ và sẽ là người khôi phục các quan hệ đa phương bị rạn nứt và ngăn chặn xung đột thương mại với đồng minh. 

Theo Zhou Xiaoming, cựu chuyên gia đàm phán thương mại Trung Quốc, nguyên Phó đại diện Trung Quốc tại Geneva, việc ông Biden thắng cử có thể sẽ gây ra nguy hiểm lớn hơn cho Trung Quốc, bởi ông sẽ hợp tác với các đồng minh để chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, trong khi ông Trump đang phá hủy các liên minh này.

Bốn quan chức khác cũng đồng tình với nhận định trên, cho rằng nhiều quan chức trong chính quyền Bắc Kinh tin rằng chiến thắng của ông Trump có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc với việc Mỹ làm suy yếu cái mà Bắc Kinh coi là công cụ vĩ đại nhất để kiềm chế ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc. 

Nền tảng cho luồng quan điểm trên chính là giả định tổng quan cho rằng không thể làm được gì nhiều để chặn đà trượt dốc trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là lý do khiến Trung Quốc đẩy nhanh nỗ lực phát triển các ngành công nghệ trình độ cao bản địa, mở rộng thị trường sang các nước đang phát triển và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các quốc gia ở châu Âu và châu Á để chống lại mọi ý định cô lập của Mỹ.

Quan hệ xấu đi bất chấp kết quả bầu cử

Trong gần một nhiệm kỳ nắm quyền của ông Trump, Bắc Kinh nhận ra rằng mức độ phân cực trong chính trị Mỹ ngày một lớn, nhưng luồng quan điểm chống Trung Quốc lại là sự đồng thuận lưỡng đảng. Ông Zhou nhìn nhận, kết quả bầu cử tháng 11 tới không tạo ra thay đổi đáng kể nào trong quan hệ Mỹ-Trung, bởi ở Mỹ đang hằn sâu tâm lý phải kiềm chế được Trung Quốc. “Cho dù Trump thắng hay Biden thắng, mọi thứ vẫn sẽ trở nên tồi tệ hơn”, ông Zhou nói.

Đảng Cộng hòa có truyền thống đề cao quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhưng ông Trump đã đi ngược lại xu thế này, với một cách tiếp cận thiên về đối đầu, thách thức Bắc Kinh trong mọi lĩnh vực, từ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông tới thương mại, y tế, nhân quyền và công nghệ.

Những người thuộc phe Dân chủ đa phần ủng hộ nỗ lực này của ông Trump, góp sức thông qua đạo luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong và trao viện trợ quân sự lớn hơn cho Đài Loan (Trung Quốc).

Ngay cả ông Biden, người lâu nay ủng hộ chiến lược “can dự” với Trung Quốc, cũng đã chuyển sang giọng điệu cứng rắn hơn khi bắt đầu cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ. Vài tháng gần đây, ông đã có những chỉ trích nhằm vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cáo buộc Trung Quốc có hành vi thương mại “hút máu”. 

Ông Trump tìm cách tạo dựng danh tiếng thông qua lá bài đối đầu Trung Quốc trong tranh cử, dù trước đó ông có khen ngợi ông Tập trong xử lý đại dịch COVID-19 giai đoạn đầu. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ cho rằng “Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì có thể để khiến tôi thua cuộc đua này”, nhưng không đưa ra bằng chứng nào cho thấy cách đối phó COVID-19 của Bắc Kinh là nhằm đẩy ông đến thất bại trong cuộc đua với Joe Bioen.

Một quan chức Trung Quốc nhìn nhận, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ không mang lại nhiều tác động, bởi quan hệ Mỹ-Trung sẽ không được cải thiện. Điều Trung Quốc mong đợi nhất chỉ dừng ở điểm bang giao giữa hai nước không xấu thêm.

Những chính sách phục vụ “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã tạo ra rạn nứt tương tự trong quan hệ giữa Mỹ với các nước bạn bè truyền thống, khi tổng thống Mỹ áp thuế trừng phạt với các đối tác chủ chốt, thúc ép đồng minh tăng chi tiêu cho quốc phòng tập thể, rút khỏi các hiệp định đa phương và ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Theo giới chức Trung Quốc, đảng Dân chủ lên cầm quyền có thể sẽ đáng gờm hơn, bởi nước Mỹ khi đó sẽ liên kết với các đồng minh nhằm tạo dựng mặt trận thống nhất trước Trung Quốc. 

Hai quan chức đương nhiệm khác cho rằng, một nước Mỹ dưới quyền lãnh đạo của Biden có thể tạo khó khăn cho Trung Quốc, nhưng cũng có thể mở ra nhiều cơ hội hợp tác. Ông Biden là người ủng hộ các chủ đề như biến đổi khí hậu, cải cách Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) hay hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vì thế có nhiều lĩnh vực Mỹ, Trung Quốc có thể cùng hợp tác. 

Tóm lại, cả hai luồng quan điểm này đều cho rằng, sẽ rất khó để Mỹ và Trung Quốc thoát khỏi hình thái đối đầu, dù bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới. “Giờ đây, người Trung Quốc càng hiểu rõ hơn về mục đích của Mỹ. Chúng ta vẫn chưa tiến đến những thời khắc đen tối nhất trong quan hệ Mỹ-Trung”, ông Zhou bình luận. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Mỹ-Trung khó hoà giải vì thiếu các kênh ngoại giao ngầm
Mỹ-Trung khó hoà giải vì thiếu các kênh ngoại giao ngầm

Đại dịch COVID-19 đang khiến các kênh ngoại giao ngầm, công cụ từng nhiều lần cứu vớt quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trước đây, trở nên đình trệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN