Giảm lãi suất - Sự thay đổi chính sách tiền tệ của Bắc Kinh

Sau nhiều tháng thực hiện các hành động kích cầu “nhẹ nhàng” để duy trì đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các nhà chức trách Trung Quốc đã quay lại sử dụng một trong những biện pháp mạnh nhất là cắt giảm lãi suất - động thái mà giới phân tích cho rằng phản ánh sự thay đổi rõ ràng hơn trong chính sách tiền tệ của quốc gia này.

Trung Quốc đã quay lại sử dụng một trong những biện pháp mạnh nhất là cắt giảm lãi suất.


Lần đầu tiên trong hơn hai năm qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn từ 6% xuống còn 5,6% và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm từ 3% xuống 2,75%. Động thái này được coi là khá bất ngờ và giúp các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á tăng điểm, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó chưa đủ để chặn lại đà tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu về châu Á của Capital Economics, Mark Williams nhận định, động thái trên đánh dấu một sự thay đổi lớn của PBoC và nằm ngoài tiên lượng của thị trường vì PBoC có xu hướng tránh sử dụng biện pháp cắt giảm lãi suất. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng cái gọi là "các biện pháp mục tiêu", bao gồm giảm bớt yêu cầu về tỷ lệ dự trữ tối thiểu và hai đợt bơm vốn vào hệ thống ngân hàng trong nước để tái cấp tín dụng lên tới 769,5 tỷ NDT (126 tỷ USD). Tuy vậy, sức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã chậm lại còn 7,3% trong quý III/2014, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009, gây khó cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng khoảng 7,5% trong cả năm 2014 của chính phủ nước này.
Theo công ty môi giới Nomura, đây rõ ràng là một bước đi trong tiến trình tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ và là một biện pháp ứng phó với những tác động bất lợi từ sự điều chỉnh trên thị trường nhà đất trong nước và hiệu quả hạn chế của những biện pháp kích cầu trước đó. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhận định kinh tế Trung Quốc đứng trước sức ép suy giảm kể từ đầu năm nay.

Động thái hạ lãi suất nói trên diễn ra trong bối cảnh nguy cơ thiểu phát gia tăng khi chỉ số giá tiêu dùng trong nước vẫn ở mức thấp nhất trong 5 năm qua là 1,6% trong tháng 10/2014, và sự đón nhận chưa tích cực của thị trường hồi đầu tháng 11 này đối với việc Trung Quốc công bố cơ chế cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán Trung Quốc một cách dễ dàng hơn. Theo Barclays Bank, thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể coi đây như một tín hiệu tích cực mà Bắc Kinh muốn ứng phó với tình trạng nhu cầu tư nhân sụt giảm và rủi ro thiểu phát gia tăng. Chỉ số chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Shanghai Composite đã tăng 1,85% trong phiên giao dịch 24/11 sau khi thông tin trên được công bố. Những đối tượng hưởng lợi từ quyết định trên là các doanh nghiệp quốc doanh và những người mua nhà; trong khi các ngân hàng bị thua thiệt nhất vì động thái này làm giảm lợi nhuận của họ.


Các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để duy trì nền kinh tế trên lộ trình tăng trưởng, thông qua những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Ông Liu Ligang, nhà kinh tế trưởng của ANZ Bank cho biết lần cắt giảm lãi suất này là tín hiệu rõ ràng cho thấy PBoC đã thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn.


Anh Quân
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu mất đà
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu mất đà

Các số liệu mới đây cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu mất đà. Trong tháng 10/2014, hoạt động sản xuất công nghiệp tại nước này thấp hơn mức 8% trong tháng 9/2014 và dưới mức dự báo 8% của các nhà phân tích trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN