Kinh tế Trung Quốc tăng chậm nhất 5 năm qua

Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý III/2014 chỉ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức tăng chậm nhất trong vòng 5 năm qua. Dù vậy, mức tăng này vẫn được cho là nằm trong dự kiến của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc ngày 21/10, mức tăng trưởng của quý III thấp hơn so với mức 7,5% trong quý II và là mức thấp nhất kể từ quý I/2009. Tuy nhiên, nó vẫn nhỉnh hơn mức dự báo trung bình 7,2% của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin AFP.

Ông Sheng Laiyun trả lời phóng viên sau khi công bố GDP quý III/2014.
Ảnh: THX/TTXVN

Người phát ngôn của NBS, Sheng Laiyun, đánh giá mức tăng trưởng 7,3% vẫn nằm trong “phạm vi hợp lý”. Ngoài ra, nó cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ổn định trong ba quý đầu tiên của năm, chất lượng tăng trưởng cũng như tái cấu trúc kinh tế được cải thiện. Ông Sheng Laiyun coi mức tăng trưởng này là mặt bằng mới, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách vĩ mô ổn định nhưng sẽ điều chỉnh khi thích hợp để bảo đảm tăng trưởng kinh tế lành mạnh và bền vững.

Lý giải nguyên nhân GDP quý III chậm lại, NBS cho rằng nguyên nhân một phần là những hậu quả “đau đớn ngoài ý muốn” gây ra bởi quá trình cải cách cơ cấu, bao gồm các biện pháp điều chỉnh trên thị trường bất động sản và sự đầu tư thái quá của các ngành công nghiệp truyền thống.

Nhận định về triển vọng sắp tới, ông Sheng Laiyun thừa nhận: “Môi trường bên trong và bên ngoài vẫn phức tạp và phát triển kinh tế (Trung Quốc) vẫn đối mặt với nhiều thách thức”. Kuang Xianming, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Cải cách và Phát triển Trung Quốc, cũng cho rằng nước này đã bước vào kỷ nguyên tăng trưởng với tốc độ chậm hơn, trung bình 7 - 8%. Theo chuyên gia này, thách thức với nền kinh tế Trung Quốc giờ đây không phải là tăng trưởng mà là về cơ cấu. “Chúng ta cần chớp lấy thời cơ tốt này khi Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng trung bình để đạt đột phá trong các biện pháp cải cách chính”.

Việc GDP của Trung Quốc tăng chậm lại khiến các nhà kinh tế lo ngại nước này khó đạt mục tiêu 7,5% toàn năm 2014. Tuy nhiên, đầu tháng 10, khi tới thăm Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói rằng tốc độ tăng trưởng quanh mục tiêu 7,5%, dù cao hơn hay thấp hơn chút ít, sẽ là mức có thể “chấp nhận được”, miễn là người dân có việc làm, thu nhập hộ gia đình tăng, chất lượng và hiệu quả kinh tế được nâng cao.

Các chỉ số về việc làm và lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2014 cũng cho thấy những dấu hiệu khả quan. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Trung Quốc đã tạo ra được hơn 10 triệu việc làm mới, vượt chỉ tiêu cả năm của chính phủ; trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,1%, thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm là 3,5%.

Thông tin về GDP quý III được đưa ra sau khi "The Conference Board", một tổ chức nghiên cứu kinh tế uy tín của Mỹ có trụ sở tại thành phố New York, dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm mạnh, trung bình chỉ còn 3,9% trong thập kỷ tới. Lý do là năng suất lao động giảm và giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể thông qua các biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ. Theo dự báo của tổ chức này, GDP hàng năm của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 5,5% trong giai đoạn 2015 - 2019, so với mức 7,7% của năm 2013. Sang giai đoạn 2020 - 2025, nền kinh tế này sẽ tiếp tục tăng chậm lại, trung bình chỉ còn 3,9%.

Thùy Dương

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm mạnh
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm mạnh

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được cho sẽ giảm mạnh, trung bình chỉ còn 3,9% trong thập kỷ tới do năng suất giảm và giới lãnh đạo nước này không thể thông qua các biện pháp mạnh cải tổ kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN