Giai đoạn mới trong lịch sử Malaysia

Chiến thắng bất ngờ của Liên minh Hy vọng (PH) đối lập, do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo, trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm 9/5 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của Malaysia. Một giai đoạn được cho là sẽ có nhiều thay đổi trong cả đường lối đối nội lẫn đối ngoại và cũng có không ít những thách thức.

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad (giữa) mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia, tại Kuala Lumpur ngày 10/5. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Dù bất ngờ, song việc PH vượt qua liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử vừa qua xuất phát từ nhiều yếu tố và cho thấy lực lượng này đã chuẩn bị khá kỹ cho cuộc bầu cử. Thứ nhất phải kể đến việc cử tri Malaysia mong muốn sự thay đổi để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những cam kết của PH trong cương lĩnh tranh cử được cho là đáp ứng các nhu cầu trực tiếp của cử tri, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp, sát sườn đến “miếng cơm manh áo” của người dân.

Cụ thể, trong cương lĩnh tranh cử của mình, liên minh PH đã cam kết xóa bỏ thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST), loại thuế 6% đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ và là tâm điểm chỉ trích của tuyệt đại đa số cử tri Malaysia đối với chính phủ của Thủ tướng Najib Razak. PH đã biết khai thác đúng tâm lý của cử tri qua đó giành được sự ủng hộ của họ.

Tiếp theo phải kể tới ảnh hưởng từ vụ lùm xùm thất thoát tài sản của Quỹ Phát triển 1Malaysia (1MDB) do chính phủ của ông Najib thành lập và điều hành để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp. Quỹ 1MDB do Thủ tướng Razak thành lập năm 2009 và làm chủ tịch ban cố vấn cho đến cuối năm 2017.

Quỹ này là trung tâm vụ bê bối rửa tiền dẫn đến một loạt các cuộc điều tra ở một số nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc. Mặc dù trước cuộc bầu cử, Tòa án Tối cao Malaysia đã ra phán quyết rằng không có bằng chứng buộc tội Quỹ 1MDB gây thất thoát 3,7 tỷ USD và không có bằng chứng buộc tội các thành viên ban lãnh đạo của công ty có các hành động sai phạm, song vụ việc này cũng khiến người dân Malaysia phần nào giảm lòng tin đối với ông Najib và liên minh cầm quyền. Bên cạnh đó, đời sống khó khăn do giá cả sinh hoạt leo thang trong khi chính phủ thực thi một số chính sách không hợp lòng dân cũng là yếu tố tác động tới lá phiếu cử tri.

Ngoài ra, không thể không kể đến sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad với vai trò là lãnh đạo của liên minh đối lập. Với kinh nghiệm 22 năm từng lãnh đạo đất nước, ông Mahathir đã rất biết tận dụng, xoáy vào những điểm yếu của chính phủ đương nhiệm để kêu gọi sự ủng hộ thay đổi từ cử tri. Bản thân ông Mahathir đã có nhiều đóng góp to lớn không thể phủ nhận đối với Malaysia.

Hình ảnh vị cựu Thủ tướng tích cực đi lại vận động, diễn thuyết dù tuổi cao đã có sức lôi kéo và thuyết phục nhất định đối với người dân nước này, nhất là các cử tri ở nông thôn. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đặc biệt ở khu vực nông thôn, đã đem lại lợi thế cho phe đối lập trong cuộc bầu cử năm nay.

 Đã cam kết và giành chiến thắng, đương nhiên ông Mahathir và chính phủ của mình sẽ phải nhanh chóng tìm cách hiện thực hóa những chương trình đã đề ra. Trong cương lĩnh tranh cử của mình, PH cam kết trong vòng 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện 60 lời hứa, được chia thành 5 trụ cột, nhằm tạo dựng một đất nước Malaysia tốt đẹp hơn trên các khía cạnh kinh tế, quan hệ sắc tộc, đối ngoại và quản trị chính phủ. Những điều này sẽ định hình cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Malaysia trong thời gian tới.

Theo đó, ngay trong vòng 100 ngày đầu tiên nắm quyền, PH cam kết sẽ thực hiện 10 lời hứa, và điều đầu tiên là xóa bỏ thuế GST như đã cam kết. Tuy nhiên, đây là nguồn thu quan trọng của chính phủ, đóng góp trên 10 tỷ USD vào ngân sách hàng năm. Muốn xóa bỏ thuế để đáp ứng mong mỏi của cử tri, chính phủ mới phải tìm kiếm nguồn thu thay thế nếu không muốn ngân sách bị thâm hụt, mà điều này không hề dễ dàng.

Ngoài ra, PH còn cam kết thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội khác, như cho phép tạm dừng đóng phí học đại học cho những người có thu nhập dưới 4.000 ringgit/tháng, tăng lương tối thiểu cho người lao động, trợ cấp giá xăng dầu… Tất cả đòi hỏi nguồn ngân sách lớn. Đây là bài toán không dễ đối với chính phủ mới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Malaysia vẫn chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn hiện nay.

Đặc biệt, Chính phủ của ông Mahathir sẽ phải nhanh chóng giải quyết bài toán liên quan đến chi phí sinh hoạt cho người dân. Đây là vấn đề khá nhức nhối hiện nay tại Malaysia và cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Giá cả sinh hoạt tại Malaysia gần đây tăng lên, nhất là giá cả nhiên liệu và một số nhu yếu phẩm khác, như đường.

Chính phủ của ông Najib thời gian qua từng bước giảm trợ cấp cho những mặt hàng chủ chốt này khiến các cử tri Malaysia không hài lòng. Để giải quyết được vấn đề này, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với thách thức tìm đâu ra nguồn thu để hỗ trợ giá. Đây cũng không phải là vấn đề đơn giản khi mà Malaysia là nước tiêu thụ đường hàng đầu khu vực, đồng thời cũng là một trong 10 nước đứng đầu thế giới về tiêu thụ nhiên liệu.

PH cũng cam kết sẽ tiến hành các cuộc điều tra những vụ bê bối chính trị và kinh tế trong thời gian vừa qua tại Malaysia, trong có vụ lùm xùm thất thoát tài sản của Quỹ 1MDB. Các cuộc điều tra này sẽ dính líu tới nhiều quan chức và cựu quan chức cấp cao, nên sẽ không phải là công việc dễ dàng.

Một cam kết đáng chú ý khác mà PH đưa ra liên quan đến những dự xây dựng án lớn, đặc biệt là những dự án đầu tư của Trung Quốc. Ông Mahathir đã nhiều lần phát biểu thẳng thừng rằng những dự án này, trong đó có dự án Đường sắt kết nối khu vực bờ biển phía Đông Malaysia, hay dự án khu siêu đô thị ở bang Johor, là những dự án “bán rẻ chủ quyền đất nước” bởi lo ngại về những tác động bất lợi, từ thị trường lao động tới thảm họa môi trường.

Một khi chính phủ mới có những động thái quyết liệt, như hủy bỏ dự án, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của Malaysia với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á này. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn công ăn việc làm được tạo ra từ các dự án.

Trong quan hệ với hai bang Sabah và Sarawak, PH cam kết sẽ trả lại vị thế cho hai bang này như trong tinh thần của Hiệp định Malaysia 1963. Nếu được thực hiện, đây sẽ là một thay đổi lớn trong cơ chế tự trị của hai bang có diện tích lớn nhất Malaysia này.
Về quan hệ đối ngoại, ông Mahathir cũng đặt mục tiêu cải thiện hình ảnh đất nước mà ông đánh giá là đã bị "sa sút" trong những năm gần đây.

Chiến thắng của phe đối lập trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này đã tạo ra một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Malaysia. Một giai đoạn mới với những thay đổi rất lớn sẽ diễn ra trên chính trường Malaysia và thời gian sẽ chứng minh nhà lãnh đạo kỳ cựu Mahathir Mohamad có thực hiện được cam kết mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Malaysia hay không.
  
Hoàng Nhương (Phóng viên TTXVN tại Malaysia )
Bầu cử Hạ viện tại Malaysia: Ủy ban bầu cử công bố kết quả chính thức
Bầu cử Hạ viện tại Malaysia: Ủy ban bầu cử công bố kết quả chính thức

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, truyền thông Malaysia dẫn thông báo chính thức của Ủy ban bầu cử nước này sáng 10/5 về kết quả cuộc bầu cử Hạ viện cho biết, Liên minh Hy vọng (PH) đối lập đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 14, giành được 113 trong tổng số 222 ghế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN