Bảng giá xăng tại Woodbridge, Virginia, Mỹ ngày 5/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vấn đề chỉ là đến khi nào thì những hy vọng này sẽ trở thành hiện thực. Giá dầu rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 12 năm là 28,15 USD/thùng khi chốt phiên 20/1 trước khi phục hồi lên trên 29 USD/thùng vào phiên 21/1, trong lúc mức giá hồi tháng 6/2015 là 60 USD/thùng. Giá xăng bán lẻ tại Mỹ giảm xuống mức trung bình 1,86 USD/gallon, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Giá dầu bắt đầu giảm từ giữa năm 2014 nhưng cho đến nay chưa đem đến một sự thúc đẩy nào cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ như dự đoán của các nhà kinh tế. Tình trạng sa thải nhân công và cắt giảm đầu tư phổ biến của các hãng khai thác dầu được coi là yếu tố đã vô hiệu hóa sự thúc đẩy đến từ việc chi tiêu tiêu dùng ổn định.
Kể từ đầu năm nay, các thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, khi nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng giá dầu rẻ phản ánh sự giảm sút của kinh tế toàn cầu, mà theo đó nhu cầu giảm, nhất là ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng sự gia tăng đáng kể nguồn cung, chứ không phải sự giảm sút về nhu cầu, là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm và các nền kinh tế phát triển có thể trông cậy vào số tiền tiết kiệm được nhờ giá dầu giảm.
Thêm vào đó, tính chất suy giảm kéo dài của giá dầu có thể giúp người tiêu dùng an tâm mạnh tay chi tiêu hơn. Giá dầu và khí đốt đã giảm khoảng 18 tháng nay.
Nhà kinh tế Michael Gapen ở Barclay's dự đoán chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ sẽ tăng khoảng 3% trong nửa đầu năm nay, giúp nâng tăng trưởng (GDP) trở lại mức 2-2,5%. Nhà kinh tế Sara Johnson thuộc IHS Global Insight cho rằng giá dầu giảm là có lợi cho người tiêu dùng và họ sẽ tăng chi tiêu trong quý I năm nay.
Còn theo các nhà kinh tế ở Citi, giá dầu giảm cũng sẽ thúc đẩy đà phục hồi còn yếu của châu Âu. Và nhiều nền kinh tế châu Á cũng lạc quan về tác động lâu dài của việc giá dầu rẻ.