Ghi dấu sự trở lại của nước Mỹ

Ngày 20/1 đánh dấu tròn một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dư luận Mỹ nhìn chung đều đánh giá đây là một năm nhiều thăng trầm, nhưng nhà lãnh đạo kỳ cựu này đã phần nào thể hiện được bản sắc riêng trên cương vị tổng thống, với những dấu ấn nhất định về đối nội và đối ngoại, mặc dù chưa thực sự tương xứng với “tham vọng lớn” như ông đặt ra ngay từ khi bắt đầu cuộc đua giành "ghế nóng" tại Nhà Trắng năm 2020.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington DC., ngày 13/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Về đối nội, có thể kể đến gói cứu trợ ứng phó đại dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD và dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD. Dư luận Mỹ chú trọng đánh giá kết quả của cuộc chiến chống COVID-19 do chính quyền Tổng thống Biden thực hiện, bởi đây là yếu tố then chốt trong chính sách đối nội, quyết định thắng lợi của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng hai năm trước. Để thực hiện cam kết đối với cử tri, song song với các biện pháp phục hồi nền kinh tế, chính quyền Tổng thống Biden ưu tiên tập trung đối phó với COVID-19. Hơn 415 tỷ USD đã được chi cho công tác phòng, chống dịch, trong đó chú trọng tới hoạt động xét nghiệm và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine quốc gia. Một trong những cam kết lớn đầu tiên của ông Biden là tiêm chủng 100 triệu liều vaccine trong vòng 100 ngày đầu tiên nắm quyền. Chính quyền Mỹ đã được mục tiêu đó vào giữa tháng 3 - trước nhiều tuần so với kế hoạch ban đầu, tới nay khoảng 63% dân số đã được tiêm đủ liều cơ bản. Thành tựu đó đã tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ. 

Các vấn đề đối nội khác cũng được chính quyền Tổng thống Biden quan tâm thúc đẩy như siết chặt kiểm soát súng đạn, vấn đề người di cư và đoàn tụ trẻ em bị chia cắt khỏi cha mẹ hay thúc đẩy việc giám sát các sáng kiến về bình đẳng chủng tộc, tối đa hóa nguồn lực cho các cộng đồng thiểu số và đảm bảo sự đa dạng trong các cấp của chính quyền. Tổng thống Biden cũng đã ký bản ghi nhớ lên án và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung nhằm vào người Mỹ gốc Á. Những động thái thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của các nhóm thiểu số đã phần nào làm dịu bớt cơn giận dữ chia rẽ ở trong nước cũng như thu hẹp bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 nhằm hạn chế các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á vốn gia tăng tại Mỹ là một chiến thắng đối nội trong năm đầu cầm quyền của ông Biden.

Về đối ngoại, Tổng thống Biden triển khai chính sách mang tên "đối ngoại vì người dân Mỹ” bao gồm 8 ưu tiên, gồm kiểm soát đại dịch COVID-19 và củng cố an ninh y tế toàn cầu; phục hồi kinh tế và xây dựng một nền kinh tế toàn cầu bao trùm và ổn định hơn; củng cố nền dân chủ; xây dựng một hệ thống di trú hiệu quả và nhân đạo; hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh và đối tác; ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy một cuộc cách mạng năng lượng xanh; đảm bảo sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ; và cuối cùng là giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc, phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21.

Những ưu tiên này đặt ra những nhiệm vụ cấp thiết cho chính quyền Tổng thống Biden, đòi hỏi đội ngũ của ông phải thường xuyên thực hiện những chuyến công du con thoi tới các khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông để vận động và phối hợp với các đồng minh, đối tác cùng triển khai. Có thể khái quát một số điểm nhấn đối ngoại trong 1 năm đầu cầm quyền của ông Biden trên 3 khía cạnh chính. Trước hết là giành lại vai trò dẫn dắt của Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế như đảm bảo cung ứng vaccine, chống biến đổi khí hậu. Tiếp đến là hàn gắn quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương với các đối tác lâu đời ở châu Âu, qua đó giải quyết những tranh chấp thương mại và thúc đẩy các giá trị chung.Thứ ba là thiết lập cơ chế hợp tác Australia – Anh – Mỹ (AUKUS) và nâng tầm “Bộ tứ” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ đang hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác trong khu vực về lợi ích quốc phòng, an ninh và kinh tế, đồng thời tăng cường kết nối giữa các đồng minh châu  Âu và các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò dư luận ngay trước thời điểm tròn 1 năm Tổng thống Biden nhậm chức cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với phương thức điều hành của ông có xu hướng giảm, đặc biệt trong một số vấn đề như phục hồi kinh tế, lạm phát. Điều đó phản ánh những thách thức mà Tổng thống Biden phải đối mặt.

Kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện cuối tuần trước cho thấy 45% người Mỹ trưởng thành được hỏi bày tỏ hài lòng về phương thức điều hành của ông Biden, trong khi 50% cho biết không hài lòng. Theo kết quả thăm dò mới nhất của projects.fivethirtyeight.com, tỷ lệ ủng hộ cách điều hành đất nước của Tổng thống Biden trong năm qua là 42,3% tỷ lệ phản đối là 52,4%. Trong khi đó, thăm dò của Quinnipiac công bố trên tờ The Hill đầu tháng này cho biết tỷ lệ người dân Mỹ tán thành các định hướng kinh tế, đối ngoại và chống đại dịch COVID-19 của chính quyền cũng khá thấp, lần lượt là 34%, 35% và 39%. Thăm dò của ABC News/Ipsos tháng trước cho thấy chỉ 28% số người được hỏi ủng hộ cách ông Biden xử lý vấn đề lạm phát, trong khi đa số (69%) không ủng hộ.

Trên thực tế, biến thể Omicron đang gây ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 mạnh nhất ở Mỹ, đảo chiều nhiều thành tựu chống dịch mà đỉnh điểm là nước Mỹ chứng kiến những ngày số ca nhiễm mới vượt quá con số 1 triệu. Biến thể Omicron lây lan mạnh cũng cản trở sự phục hồi của kinh tế Mỹ, khi các hãng hàng không Mỹ hủy hàng nghìn chuyến bay và lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 12 năm ngoái. Việc Tòa án tối cao chặn sắc lệnh của Tổng thống Biden bắt buộc tiêm vaccine hoặc xét nghiệm COVID-19 hằng tuần đối với các doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra rào cản đối với nỗ lực chống dịch của chính quyền Mỹ. Việc phải tập trung vào đối nội khiến Tổng thống Biden không thể ưu tiên cho một loạt vấn đề đối ngoại. 

Nhìn lại một năm cầm quyền vừa qua, có thể thấy rằng Tổng thống Biden đã thực sự nỗ lực để thực hiện những cam kết đối với cử tri trong nhiều vấn đề thuộc phạm trù chính sách đối nội và đối ngoại, qua đó phần nào ghi dấu "sự trở lại của nước Mỹ". Một nước Mỹ đang trên đà phục hồi kinh tế dù vẫn phải đối phó với vấn đề lạm phát. Mỹ hiện được coi là nước đi tiên phong trong việc phát triển, phân phối vaccine ngừa COVID-19. Một hệ thống đồng minh chủ chốt đã và đang được khôi phục, củng cố và sẽ vận động theo xu hướng tăng cường trong thời gian tới. Chủ nghĩa đa phương đã trở lại trên bàn nghị sự đối ngoại với hàng loạt những định hướng cả trong ngắn hạn và trung hạn. Những dấu ấn như vậy có thể coi là đòn bẩy để Tổng thống Biden đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ông Biden và đảng Dân chủ sẽ bước vào đợt sát hạch quan trọng - cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022 tới.

Phạm Ngọc Ánh (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)
Mỹ cảnh báo người dân không nên đi tới 22 quốc gia và vùng lãnh thổ
Mỹ cảnh báo người dân không nên đi tới 22 quốc gia và vùng lãnh thổ

Ngày 18/1, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã khuyến nghị người dân không nên đi tới 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Israel, Australia, Ai Cập, Albania, Argentina và Uruguay, do số ca mắc COVID-19 tại các nước đang ngày một gia tăng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN