Cựu Bộ trưởng Tài chính Lapid, lãnh đạo đảng Yesh Atid về thứ hai trong cuộc bầu cử tháng 3 vừa qua, đã được lựa chọn để đứng ra đàm phán thành lập chính phủ mới sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu thất bại với nhiệm vụ này. Tổng thống Israel Reuven Rivlin nói rằng lý do chính chọn ông Lapid là bởi ông có cơ hội cao nhất thành lập một chính phủ được sự ủng hộ của đa số các thành viên Quốc hội Israel (Knesset). Giống như ông Netanyahu, ông Lapid cũng sẽ có 28 ngày để thực hiện nhiệm vụ này và giới phân tích dự đoán chặng đường phía trước sẽ có rất nhiều thách thức, cho dù không ít cơ hội.
Các nguồn tin tiết lộ ông Lapid và thủ lĩnh đảng Yamina, Naftali Bennett trong mấy tuần gần đây đã gặp nhau để thảo luận những điều khoản thành lập chính phủ liên minh và có vẻ như họ đã thống nhất quan điểm trên nhiều vấn đề. Quan trọng nhất, ông Lapid đã tỏ ý nếu thành lập được chính phủ liên minh với cơ chế thủ tướng luân phiên, ông sẽ để thủ lĩnh đảng Yamina làm thủ tướng trước. Về mình phần, ông Bennett cũng đã bóng gió ủng hộ hướng này khi nói rằng một chính phủ liên kết sẽ “đưa cỗ xe chính trị Israel thoát khỏi vũng lầy”; và nếu không thành lập được chính phủ, Israel sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử thứ năm trong 2 năm rưỡi, điều “đơn giản là sẽ hủy hoại đất nước”.
Ông Lapid đã tỏ rõ quyết tâm chính trị rất cao với tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để “thành lập chính phủ đoàn kết sớm nhất có thể”. Nếu thành công, ông Lapid sẽ là người có công đưa Israel thoát khỏi thế bế tắc chính trị kéo dài, đồng thời rất có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho chiếc ghế thủ tướng kéo dài kỷ lục 15 năm, bao gồm 12 năm liên tục, của nhà lãnh đạo kỳ cựu Netanyahu.
Lôi kéo được sự ủng hộ của ông Bennett - thủ lĩnh đảng Yamina với 7 ghế trong Quốc hội Israel, nhưng “chính phủ thay đổi” mà ông Lapid đang gắng sức tạo dựng sẽ đối mặt với thách thức trước hết đến từ Ra’am - đảng liên minh của người Hồi giáo đang nắm 4 ghế. Thủ lĩnh Ra’am và ông Netanyahu cũng từng đàm phán nhưng thất bại vì vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các đảng cực hữu Do Thái. Hơn nữa, mới đây nhất, ông Rogue Yamina - một trong 7 nghị sĩ của đảng Yamina - đã tuyên bố không tham gia liên minh này, đồng nghĩa với việc ông Lapid sẽ phải lôi kéo thêm nhiều “đồng minh” Arab Hồi giáo để có đủ sự ủng hộ trong quốc hội.
Đó là xét bề ngoài. Chính phủ liên minh của ông Lapid sẽ phải bao gồm các thành phần phức tạp pha trộn giữa các đảng cánh hữu, cánh tả và trung dung. Các đảng này có quá nhiều mâu thuẫn về chủ trương đường lối, đều là những mâu thuẫn nền tảng, kể cả đối nội và đối ngoại, chẳng hạn về vấn đề Iran hoặc chính sách với người Palestine. Sự phức tạp này đặt ra câu hỏi liệu liên minh mới sẽ giải quyết như thế nào các mâu thuẫn phát sinh sau khi chính phủ mới đi vào hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn có nhiều biến động hiện nay liên quan đến các vấn đề nội tại và quan hệ giữa Israel với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, mặc dù đã thất bại, nhưng bản thân Thủ tướng Netanyahu sẽ là một thế lực không thể bỏ qua. Ông Netanyahu nổi tiếng là một chính trị gia đầy mưu lược, chắc chắn sẽ không thiếu cách để ngăn cản chính phủ mới. Bản thân ông Netanyahu đang đối mặt với các phiên tòa hình sự, nên có thể nói chính trị gia này trong tình thế “không thể buông chiếc ghế thủ tướng”, vốn được xem là “lá bùa hộ mệnh” bảo vệ ông trước một phán quyết bất lợi của tòa án.
Tuy nhiên, liên minh Lapid-Bennett cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Thứ nhất, việc ông Netanyahu ở phía đối lập sẽ là yếu tố thúc đẩy các phe phái xích lại gần nhau, xét quy luật “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Cuộc bầu cử vừa qua về bản chất là nhằm buộc Thủ tướng Netanyahu phải từ bỏ vị trí lãnh đạo. Thứ hai, cả hai ông Lapid và Bennett đều có vẻ đủ tin tưởng lẫn nhau, ít nhất là thời điểm hiện tại, trong một chính phủ hai bên sẽ luân phiên nhau làm thủ tướng. Hai người có điểm chung là muốn tước bớt quyền lực chính trị của phe Do Thái chính thống; và đều “bất mãn” khi cách đây 6 năm họ đang là bộ trưởng thì bị Thủ tướng Netanyahu giải tán chính phủ.
Thứ ba, các thủ lĩnh của hai đảng cánh hữu Yamina và New Hope (dự kiến sẽ có mặt trong chính phủ mới) đều hiểu rằng họ đã đi quá xa để có thể quay lại phe cánh hữu. Nếu không thành lập được chính phủ, Israel sẽ phải bầu cử lại và họ có nguy cơ đối mặt với sự tẩy chay của cử tri cánh hữu. Giống như các thành viên khác trong liên minh, họ thà bám lấy các vấn đề nhận được sự đồng thuận chung của các bên như ưu tiên hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, phát triển cơ sở hạ tầng và thông qua ngân sách cho chính phủ, hơn là lựa chọn các vấn đề gây tranh cãi.
Thứ tư, xã hội Israel đang ngày càng bất mãn với thực tế một số bộ phận người dân Do Thái chính thống không hợp tác với các quy định chung của xã hội, nhất là trong phòng chống dịch bệnh. Trong thảm kịch giẫm đạp khiến 45 người thiệt mạng xảy ra tại lễ hội tôn giáo ở núi Meron, nhiều nguồn tin nói rằng người Do Thái chính thống đã tìm mọi cách gây áp lực từ trên xuống để được tổ chức sự kiện này, bất chấp nguy cơ mất an toàn khi số lượng người tham gia vượt quá nhiều lần cho phép. Nếu các đảng tôn giáo cực hữu bị gạt ra khỏi chính phủ mới, đây sẽ là cơ hội để xã hội Israel bày tỏ quan điểm về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo đang có ảnh hưởng rất lớn tới nền chính trị quốc gia.
Như vậy, có thể thấy nhiệm vụ thành lập chính phủ mới của ông Lapid sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức, nhưng không phải là bất khả thi. Để giành được sự ủng hộ của ít nhất 61 đại biểu trong Knesset, thậm chí thủ lĩnh đảng Yesh Atid có thể sẽ phải chấp nhận cả phương án không làm thủ tướng trong chính phủ mới, nhường lại cho các đối tác trong liên minh.
Nếu ông Lapid thành lập được chính phủ liên minh, tin tốt là các cử tri Israel sẽ không phải đi bầu cử lần thứ năm trong vòng 2 năm rưỡi, một mật độ quá dày đặc khiến họ mệt mỏi. Nhưng tin xấu là “chính phủ thay đổi” được cho cũng khó có thể thoát khỏi mớ bòng bong, vốn là một “đặc sản” của chính trường Israel trong những năm gần đây.