FTA Mỹ-Hàn: Không phải là "bữa tiệc miễn phí

Mỹ và Hàn Quốc mới đây đã đạt được sự đồng thuận mang tính thực chất về Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương. Điều này có nghĩa quá trình đàm phán về FTA giữa hai nước kéo dài 4 năm rưỡi qua cuối cùng cũng đã kết thúc.


Sắp tới, hai bên sẽ bắt đầu tiến trình phê chuẩn tại quốc hội mỗi nước. Tuy nhiên, dư luận cho rằng giai đoạn quyết định này sẽ khó có thể được tiến hành một cách thuận lợi vì đây không chỉ là vấn đề thương mại đơn thuần mà thực chất là kết quả của những nỗ lực chính trị.

Bình luận về sự kiện này trên mạng “Bình luận Trung Quốc” (Hồng Công, Trung Quốc), nhà bình luận các vấn đề quốc tế Từ Vĩnh Thắng cho biết, năm 2007, Mỹ và Hàn Quốc từng ký kết một FTA, song các điều khoản liên quan đến xe hơi và thịt bò trong hiệp định này đã vấp phải sự phản đối tại Quốc hội


                                                                           Ảnh internet

Mỹ nên không được phê chuẩn. Trong hiệp định mới được sửa đổi lần này, Hàn Quốc đã có những nhượng bộ lớn trong lĩnh vực xe hơi; theo đó, Mỹ sẽ duy trì mức thuế nhập khẩu 2,5% đối với xe hơi từ Hàn Quốc trong 5 năm (thay vì lập tức xóa bỏ thuế quan đối với hạng mục này); Hàn Quốc sẽ bắt đầu giảm thuế nhập khẩu xe hơi của Mỹ từ 8% hiện nay xuống còn 4%, và sau 4 năm cũng sẽ xóa bỏ thuế quan đối với xe nhập từ Mỹ… 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hàn Quốc trước năm 2016 sẽ xóa bỏ thuế quan đối với một bộ phận các sản phẩm từ thịt lợn của Mỹ, hạng mục duy nhất mà Hàn Quốc không nhượng bộ là mặt hàng thịt bò…

Chính phủ Hàn Quốc rõ ràng ý thức được rằng hiệp định lần này sẽ vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân. Sau khi hiệp định được ký kết, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Kim Sung-hwan đã biện hộ rằng đây là một kết quả “cùng thắng”, phía Hàn Quốc đã có những nhượng bộ cần thiết trong lĩnh vực thuế quan xe hơi nhằm “quét sạch mọi chướng ngại” trong nỗ lực đạt được FTA với Mỹ.


Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc lại không có cách nhìn như vậy; phe đối lập cho rằng đây là một hiệp định “nhục nhã, không tin cậy”, tuyên bố sẽ tổ chức một hoạt động phản đối mang tính toàn quốc và bỏ phiếu chống tại Quốc hội đối với bản hiệp định này; đồng thời đe dọa sẽ kêu gọi gây sức ép buộc tân Bộ trưởng Kim Sung-hwan phải từ chức.

Đại diện đảng Dân chủ còn đưa ra một bản tính toán cụ thể, trong đó chỉ rõ trong sự nhượng bộ này, Hàn Quốc chịu thiệt 2,6 tỷ USD, trong khi phía Mỹ chỉ nhượng bộ 0,263 USD. Có cùng quan điểm này, các lãnh đạo đảng Tự do tiên tiến cho rằng những người thay mặt phía Hàn Quốc ký kết bản hiệp định này đã “lừa dối nhân dân”, không thực hiện cam kết trước đó đưa ra là sẽ không nhượng bộ với phía Mỹ.

Dư luận báo chí Hàn Quốc hiện chưa bày tỏ thái độ rõ ràng đối với bản hiệp định, song nhiều tờ báo cũng đã gắn chủ đề này với tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay, cho rằng quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn hiện nay quan trọng hơn lúc nào hết, do vậy việc đạt được FTA với Mỹ cũng mang ý nghĩa rất quan trọng. Một tờ báo của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức ngoại giao nói rằng bản hiệp định lần này không chỉ tăng cường hợp tác an ninh và các lĩnh vực khác giữa hai nước, mà còn thúc đẩy hợp tác giữa hai chính phủ và hai quốc hội, nâng quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới.

Trên thực tế, ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có ý khéo léo gắn việc ký kết FTA Mỹ - Hàn với tình hình bán đảo Triều Tiên. Phát biểu sau lễ ký kết, Tổng thống Mỹ nói rằng sau khi xảy ra vụ đọ pháo giữa hai miền Triều Tiên ngày 23/11 vừa qua, quan hệ đồng minh và hợp tác Mỹ - Hàn trở nên “mật thiết hơn bao giờ hết”.

Theo nhà bình luận Từ Vĩnh Thắng, rõ ràng FTA Mỹ - Hàn đã không thể được ký kết nếu không có các nhân tố ngoài kinh tế. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chính là nhân tố cấp bách thúc đẩy hiệp định này được “chín ép” một cách không công bằng. FTA Mỹ - Hàn phải là kết quả tự nguyện của hai bên, không nên chịu sức ép từ nhân tố nào.

Tuy nhiên, xét về các nguy cơ an ninh nghiêm trọng mà Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt, Xơun hơn lúc nào hết rất cần sự bảo hộ quân sự của Mỹ. Việc hai nước đạt được thỏa thuận về FTA trong bối cảnh hiện nay, không chỉ Mỹ đã biết lợi dụng súng đạn của mình mà đáng nói hơn là Oasinhtơn còn sử dụng cả bom đạn của người khác để đạt được.

Tác giả kết luận, có thể thấy câu châm ngôn “thiên hạ này không có bữa tiệc nào miễn phí” rất phù hợp với quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn hiện nay. Trên thực tế, không chỉ có giữa Mỹ và Hàn Quốc, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật cũng mang ý nghĩa tương tự. Gần đây, sau khi xảy ra tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề đảo Điếu Ngư, Nhật Bản cũng lợi dụng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật để “cáo mượn oai hổ”. Bên ngoài, hiệp ước này dường như cho thấy Nhật Bản được “ăn tiệc miễn phí”, song trên thực tế, nước này phải trả phí rất đắt để có được sự bảo hộ từ phía Mỹ, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN