Facebook, Twitter và YouTube sẽ đối xử với Taliban ra sao

Thế giới có thể chấp nhận Taliban là một chính phủ hợp pháp, hoặc không. Còn các công ty truyền thông xã hội sẽ ứng xử ra sao?

Chú thích ảnh
 Tay súng Taliban sử dụng điện thoại bên đường phố ở Kabul ngày 18/8/2021. Ảnh: AFP/Getty Images

Khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan lần đầu tiên sau hơn 20 năm, các công ty truyền thông xã hội rơi vào trong tình thế khó xử: Họ phải tìm cách ứng xử với một lực lượng từng được coi là phiến quân, có liên hệ với khủng bố, nhưng giờ đây đang nắm quyền lãnh đạo cả một quốc gia.

Ngày nay, các nhà lãnh đạo chính trị sử dụng mạng xã hội như một phương tiện quan trọng để giao tiếp và huy động sự ủng hộ. Không chỉ tài khoản cá nhân của các chính trị gia phụ thuộc vào các nền tảng như Facebook, Twitter và YouTube, mà còn là tài khoản chính thức của các cơ quan chính phủ. Và nếu Taliban trở thành một chính phủ được quốc tế công nhận - bất kể hồ sơ hỗ trợ khủng bố và vi phạm nhân quyền đến mức nào - các công ty truyền thông xã hôi phải đối mặt với một loạt câu hỏi khó. Họ sẽ tiếp tục coi Taliban là một tổ chức nguy hiểm hay cho họ cơ hội điều hành chính phủ mới trên mạng xã hội?

Emerson Brooking, chuyên gia cao cấp nghiên cứu về truyền thông xã hội và an ninh quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến những cuộc cách mạng trong thời đại truyền thông xã hội; chúng tôi đã thấy các cuộc đảo chính. Nhưng chúng tôi chưa thấy trường hợp nào mà lực lượng nổi dậy nội bộ hoà nhập thành công vào một nhà nước và tìm cách tiếp quản các chức năng của nhà nước đó”.

Chú thích ảnh
Chiến binh Taliban cầm súng di chuyển quanh một khu chợ ở Kabul ngày 17/8/2021. Ảnh: AFP / Getty Images

Theo Brooking, Taliban trước đây đã bị cấm trên các nền tảng mạng xã hội, vì những gì họ đăng tải phần lớn là nội dung về các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào binh lính Mỹ. 

Nhưng lúc này cuộc chiến với Mỹ đã kết thúc, Taliban đang chuyển sang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho hoạt động điều hành: cung cấp dịch vụ cho công dân trong các nhóm WhatsApp, sử dụng Twitter để đưa ra các tuyên bố báo chí bằng tiếng Anh và đảm bảo với công chúng Afghanistan rằng họ sẽ không gây ra những tổn hại tương tự như vào thập niên 1990.

Là một phong trào Hồi giáo theo chủ nghĩa chính thống, kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, Taliban được thế giới biết đến với lối cai trị hà khắc, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em gái. Dưới thời Taliban cầm quyền, phụ nữ bị cáo buộc ngoại tình bị ném đá đến chết, kẻ trộm bị chặt tay, trẻ em gái bị cấm đi học, phụ nữ không được đi làm…

Sau khi nhanh chóng giành lại quyền lực, Taliban tuyên bố đã thay đổi và hứa hẹn một cách tiếp cận hòa bình hơn. Tuy vậy nhiều người Afghanistan đang cảnh giác với lời hứa đó và các công ty truyền thông xã hội cũng có lý do chính đáng để hoài nghi.

Cho đến nay, Facebook và YouTube vẫn cấm Taliban sử dụng các nền tảng của họ, theo chính sách trừng phạt của Mỹ. Twitter không có lệnh cấm nhưng cho biết họ gỡ bỏ từng phần nội dung bạo lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiều công ty truyền thông xã hội có thể nới lỏng các quy tắc đối với Taliban nếu nhóm này giành được sự chấp nhận hợp pháp trong cộng đồng quốc tế.

Chú thích ảnh
Một chiến binh Taliban ở tỉnh Ghazni, Afghanistan dò tín hiệu trên điện thoại di động. Ảnh: AFP / Getty Images

Người phát ngôn của Taliban đã phàn nàn rằng Facebook đang kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận bằng cách gỡ một số tài khoản của nhóm. Đó là một tuyên bố “tiêu chuẩn kép’ với một nhóm khét tiếng không tôn trọng tiếng nói của phụ nữ và bất cứ ai bất đồng.

Dù vậy, cuộc tranh luận về việc liệu Taliban có nên được phép hoạt động trên các nền tảng xã hội hay không cũng đang thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của truyền thông xã hội trong nền chính trị toàn cầu.

“Sau khi cấm Tổng thống Trump, đây là bài kiểm tra đầu tiên với các công ty này về cách họ áp dụng các quy tắc của mình trên phạm vi quốc tế”, ông Katie Harbath, cựu giám đốc chính sách công tại Facebook, hiện là thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương nói. 

Tại sao lập trường của các công ty truyền thông xã hội về Taliban có thể thay đổi

Mặc dù Taliban đã kiểm soát Afghanistan, hiện vẫn còn chưa rõ mức độ quyền lực của họ. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Facebook và YouTube vẫn tiếp tục coi họ là một nhóm nổi dậy. Nhưng điều đó có thể nhanh chóng thay đổi.

Đã có một số nhầm lẫn về cách các công ty truyền thông xã hội thực thi chính sách của họ. Facebook nói rằng họ đang thực thi lệnh cấm Taliban vốn được áp dụng trong nhiều năm qua theo chính sách “tổ chức nguy hiểm” của Mỹ. Nhưng bất chấp lệnh cấm này, có vẻ như Facebook chỉ vô hiệu hóa một số tài khoản của Taliban sau khi bị tờ New York Times truy vấn.

“Các nhóm của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình huống tại Afghanistan. Facebook không đưa ra quyết định về chính phủ được công nhận ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào mà thay vào đó tôn trọng thẩm quyền của cộng đồng quốc tế trong việc đưa ra các quyết định này ”, người phát ngôn Facebook tuyên bố hôm 17/8.

YouTube cũng gỡ bỏ tất cả nội dung Taliban theo luật trừng phạt của Mỹ. “Nếu chúng tôi tìm thấy một tài khoản được cho là do Taliban sở hữu và điều hành, chúng tôi sẽ chấm dứt tài khoản đó”, người phát ngôn YouTube khẳng định.

Chú thích ảnh
Tay súng Taliban đi ngang qua một thẩm mỹ viện bị xịt sơn lem nhem ở Kabul, vào ngày 18/8/2021. Ảnh: AFP / Getty Images

Trong khi đó, Twitter dường như là nền tảng mềm mỏng nhất. Người phát ngôn Taliban, Zabihullah Mujahid, có một tài khoản Twitter đang hoạt động với hơn 300.000 người theo dõi.

“Tình hình ở Afghanistan diễn tiến nhanh chóng và chúng tôi đang chứng kiến người dân trong nước sử dụng Twitter để tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ”, một phát ngôn viên của Twitter cho biết. “Ưu tiên hàng đầu của Twitter là giữ an toàn cho mọi người và chúng tôi luôn cảnh giác. Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động thực thi các quy tắc của mình và xem xét nội dung có thể vi phạm Quy tắc của Twitter, cụ thể là các chính sách chống cổ suý bạo lực, thao túng nền tảng và spam”.

Một lần nữa, tình huống này đặt Facebook, Twitter và YouTube vào một bài toán hóc búa. Nếu có lập trường gay gắt đối với Taliban, họ có thể có nguy cơ đóng cửa sự hiện diện trực tuyến của chính phủ một quốc gia, chứ không chỉ một chính trị gia đơn lẻ. Nhưng nếu cho phép Taliban có thêm nhiều phương tiện truyền thông xã hội, họ có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của một chế độ bị nhiều nước phương Tây cho là hậu thuẫn khủng bố.

Các chuyên gia cho biết Facebook, Twitter và YouTube sẽ xem xét mức độ công nhận chính trị của Taliban tại Afghanistan, từ các tổ chức như Liên hợp quốc và NATO - cũng như từ các nhà lãnh đạo thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Anh.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Recode)
COVID-19 tới 6h sáng 22/8: Mỹ, Anh dẫn đầu ca nhiễm mới; Ấn Độ phê duyệt vaccine công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới
COVID-19 tới 6h sáng 22/8: Mỹ, Anh dẫn đầu ca nhiễm mới; Ấn Độ phê duyệt vaccine công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 548.000 ca bệnh COVID-19 và 8.462 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 212 triệu ca; Mỹ, Anh dẫn đầu ca nhiễm mới trên toàn cầu, trong khi Trung Quốc khẳng định vaccine trong nước hiệu quả cao chống biến thể Delta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN