Theo ông Gilles de Kerchove, điều phối viên EU về chống khủng bố, liên minh này cần tiến hành các giải pháp toàn diện hơn nữa, trong đó có việc kiểm soát đồng bộ sự lưu thông tại các khu vực biên giới ngoài khối Schengen.
EU tăng cường các biện pháp chống khủng bố sau vụ tấn công ở Paris. |
Phát biểu với báo giới sau khi tham dự cuộc họp của Ủy ban các vấn đề chính trị và dân chủ, diễn ra tại Thượng viện Bỉ hôm 7/12 với chương trình nghị sự “Các chiến binh nước ngoài ở Syria và Iraq”, ông Kerchove bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối vào “công việc thực chất” của Hội đồng châu Âu, cho rằng quy ước mà Hội đồng châu Âu vừa thông qua đã “bổ sung cho công việc của EU”. Cũng trong ngày 7/12, Hội đồng Nghị viện châu Âu đã thông qua dự thảo nghị quyết về “các chiến binh nước ngoài” do nghị sĩ Bỉ Dirk Van der Maelen trình bày. Thực tế ở một số quốc gia cho thấy, trong số những người đã hoặc đang tham chiến tại Syria hay Iraq, có hơn 40% là phụ nữ. Dự thảo nghị quyết “các chiến binh nước ngoài” đặc biệt yêu cầu các quốc gia EU thông qua “một cách tiếp cận khác biệt theo giới tính về phòng ngừa và tái hòa nhập cũng như phát triển các tài liệu chống lại việc tuyên truyền nhằm vào phụ nữ”. Hơn nữa, dự thảo này hứa hẹn việc cân bằng giữa những hành động đàn áp và phòng ngừa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và soạn thảo các văn bản chống cực đoan.
Sau các cuộc tấn công khủng bố tại thủ đô Paris (Pháp) ngày 13/11 vừa qua, các Bộ trưởng Nội vụ EU thống nhất làm sâu sắc thêm các biện pháp đã được quyết định kể từ sau vụ tấn công khủng bố tại tòa báo Charlie Hebdo ở Paris hồi tháng 1/2015. Cụ thể, EU thông qua quy định về “Dữ liệu hành khách” (PNR). Theo ông Kerchove, đây là một bước tiến cần có nhằm chống lại sự đe dọa đến từ chủ nghĩa khủng bố. Ông nhấn mạnh: “Tôi hoan nghênh thỏa thuận của các Bộ trưởng Nội vụ về quy định PNR, đặc biệt, đó là trách nhiệm điều phối các công việc của Hội đồng châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố.
Hệ thống PNR, cần nhận được sự chấp thuận của Quốc hội châu Âu, cho phép đăng ký các dữ liệu chuyến bay của hành khách”. Ông Kerchove cho biết Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị một loạt biện pháp được gọi là “biên giới thông minh” để cải thiện việc kiểm soát biên giới EU, đồng bộ với việc kiểm soát lưu thông tại biên giới ngoài khối Schengen, đây cũng là cơ chế đã tồn tại ở Mỹ. Sự phát triển của công nghệ sẽ giúp cho việc hiện thực hóa giải pháp trên trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Về vấn đề phối hợp chống khủng bố giữa các quốc gia EU, ông Kerchove nhận định: “Thật là sai lầm khi cho rằng các quốc gia EU không trao đổi thông tin với nhau. Kể từ ngày 11/9/2001, nội bộ EU trao đổi rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, họ cần phải sử dụng một cách đồng bộ các diễn đàn chung như SIS, Europol, Interpol”. Bên cạnh đó, theo ông Kerchove, nỗ lực chung của liên minh quốc tế chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là rất mạnh mẽ.
Mặc dù IS vẫn tiếp tục cho thế giới thấy tổ chức này mới là kẻ chiến thắng nhưng vẫn không thể che lấp sự suy yếu thực tế trong thời gian qua. Song, khi IS càng yếu, xu hướng lên kế hoạch tấn công khủng bố ở các nước trong khối liên minh chống IS càng tăng. Ông Kerchove nói thêm: “Chúng tôi cũng thấy việc dịch chuyển hành động tại Libya. Đối với IS, Libya là một mối quan tâm lớn bởi đây là quốc gia gần với châu Âu hơn là Syria và Iraq”. Vấn đề “chiến binh nước ngoài trở về” đặt ra nguy cơ đối với an ninh nội bộ của EU cũng như đối với các nước xung quanh Địa Trung Hải. Theo ông Kerchove, bên cạnh khía cạnh thực thi pháp luật và các chính sách đối ngoại của EU, cuộc chiến chống khủng bố phải được thực hiện thông qua việc phòng ngừa, như chống hành động bài xích đạo Hồi, phát triển đạo Hồi châu Âu hoặc thông qua các chương trình như Erasmus (chương trình trao đổi sinh viên của EU) nhằm gián tiếp chống cực đoan bạo lực.