EU bỏ cấm vận vũ khí cho phiến quân Syria: Gậy ông có đập lưng ông?

Theo mạng tin "Oil price" ngày 29/5, dường như Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị chiến tranh vì mong muốn hòa bình tại Syria. Hoặc là giả họ đang nói về chiến tranh trong khi chuẩn bị chiến tranh hơn nữa.

Trong khi cộng đồng quốc tế đang tìm cách triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế để thử tìm một giải pháp cho cuộc nội chiến tại Syria, cả các phái ủng hộ lẫn các phái chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đều đang quyết định tăng cường sức ép. EU đã bỏ phiếu để dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, cho phép các nước thành viên của liên minh này được vận chuyển vũ khí cho phiến quân Syria, nếu họ muốn làm như vậy. Đồng thời, Nga cũng quyết định cung cấp cho chính phủ al-Assad các tên lửa đánh chặn máy bay S-300, mà Moscow nói là một "nhân tố ổn định".

Các tay súng thuộc lực lượng đối lập Syria sau khi giành quyền kiểm soát làng Aljanodiya, tỉnh Idlib, miền tây bắc Syria ngày 20/1/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


S-300 là các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tầm xa do tập đoàn NPO Almaz của Nga sản xuất, dựa trên phiên bản S-300P ban đầu. Các hệ thống S-300 đã được triển khai để phòng thủ chống lại máy bay và tên lửa tầm thấp cho lực lượng phòng không Xô viết. Tên lửa S-300 được Liên Xô phát triển đầu tiên vào năm 1979 để bảo vệ các tổ hợp công nghiệp, cơ sở hành chính và căn cứ quân sự lớn, và để chống lại máy bay chiến đấu của kẻ thù. Các hệ thống tên lửa S-300 đời sau được phát triển để đánh chặn các tên lửa đạn đạo.

S-300 hiện được coi là một trong những hệ thống tên lửa chống máy bay hiệu quả nhất đang được sử dụng. Radar  của hệ thống này có khả năng theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu, trong khi có thể cùng nhắm tới 12 mục tiêu. Các tên lửa có thể được triển khai trong vòng 5 phút và là vòng kín, không giống với nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa khác cần bảo dưỡng nhiều, S-300 không cần bảo dưỡng trong suốt vòng đời của chúng.

Các động thái trên của EU và Nga vừa là tin tốt, vừa là tin xấu. Thứ nhất, chúng đang đổ thêm dầu vào lửa. Thứ hai, chúng làm nổi bật cuộc xung đột. Và các lý luận của cả bên ủng hộ lẫn phản đối đều đúng.

Một mặt, những phiến quân đang chiến đấu chống lại các lực lượng chính phủ của Tổng thống Assad cần được cung cấp vũ khí đủ mạnh để họ có thể tiếp tục cuộc chiến. Mặt khác, những phiến quân đang "tiếp quản" cuộc nổi loạn tại Syria không phải là những phiến quân đã chi phối thực địa khi cuộc chiến bắt đầu và càng ngày các lực lượng dân chủ càng bị đẩy ra lề, trong khi tổ chức Anh em Hồi giáo và các nhóm Hồi giáo khác được lợi.

Pháp và Anh ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho phiến quân, trong khi các nước khác như Áo, Cộng hòa Séc và Thụy Điển cực lực phản đối những biện pháp có thể khiến một số vũ khí có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố Hồi giáo, hoặc chế độ Assad. Ngoại trưởng Áo Michael Spindelegger đã tuyên bố rằng việc cung cấp vũ khí cho phiến quân đã mở đường cho việc cung cấp vũ khí cho cả chế độ Assad. Chính phủ Canada cũng cảnh báo các đồng minh châu Âu rằng việc trang bị vũ khí cho phiến quân Syria là một sai lầm, có thể dẫn đến việc có thêm nhiều thiệt hại về người và của.

Mặc dù các lập trường của Pháp và Anh là có thể hiểu được, nhưng chúng có vẻ thiển cận. Thay vì tập trung vào các phương tiện để chấm dứt cuộc xung đột Syria, động thái trên của EU có thể làm nổi bật thêm cuộc nội chiến. Việc "bật đèn xanh" cho việc cung cấp vũ khí cho phiến quân sẽ khiến Nga có thêm động lực để cung cấp thêm vũ khí cho chính phủ Assad. Và quả thực Moscow đã không hề lãng phí thời gian khi tuyên bố ngay ngày 27/5 về việc cung cấp tên lửa cho Damascus.

Hỗ trợ cho quan ngại của Áo và các quốc gia châu Âu khác phản đối việc cung cấp vũ khí cho phiến quân là kết quả các cuộc đàm phán của phe đối lập Syria, được tổ chức trong 4 ngày qua tại Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Liên minh Dân tộc Syria gồm 60 thành viên ngăn chặn một thỏa thuận, cho phép một nhóm các nhân vật tự do - do Michel Kilo đứng đầu - gia nhập liên minh này đã khiến nhiều nhân vật đối lập Syria ôn hòa, cùng các quan chức phương Tây và Arập ủng hộ họ, thất vọng.

Điều mà những nước như Áo và Cộng hòa Séc sợ nhất là cuộc nổi dậy Syria đang bị những người Hồi giáo "bắt cóc" và số vũ khí được giao cho phiến quân Syria cuối cùng có thể được quay ngược lại để chống châu Âu.


TTXVN/Tin tức

Syria phản đối EU bỏ cấm vận vũ khí phe đối lập
Syria phản đối EU bỏ cấm vận vũ khí phe đối lập

Chính phủ Syria đã lên án quyết định của Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe nổi dậy nước này, cho đây là việc làm "cản trở" nỗ lực giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN