Dù ai giành chiến thắng, quan hệ Nga - Mỹ khó được cải thiện

Mối quan hệ Nga - Mỹ đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Liệu căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này được “hạ nhiệt” sau khi Nhà Trắng có chủ nhân mới?

Ông Aleksey Fenenko - Nhà khoa học cao cấp Viện các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga trả lời phỏng vấn.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Moskva đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Aleksey Fenenko - Nhà khoa học cao cấp Viện các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giảng viên cao cấp Khoa chính trị thế giới - Trường Đại học tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU) xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông Aleksey Fenenko, trong một động thái mới nhất, cựu Bộ trưởng quốc phòng Nga ông Sergei Ivanov đã tuyên bố Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống, bỏ qua những căng thẳng giữa quan hệ hai nước dưới thời Tổng thống Obama. Ông đánh giá ra sao về tuyên bố này?

Chuyên gia Aleksey Fenenko: Hãy lưu ý rằng bất cứ vị Tổng thống nào của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lên nắm chính quyền đều phát triển quan hệ với nước Nga cùng một kịch bản. Ví dụ, khi ông Bill Clinton trở thành Tổng thống Mỹ và năm 1993 thì trong vòng 2 năm đầu tiên Washington và Moskva đều rất thiện chí nỗ lực đối thoại, nhưng sau đó mối quan hệ giữa Nga và Mỹ lại trở nên căng thẳng và lạnh nhạt. Khi nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bill Clinton sắp kết thúc, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trở nên đối đầu nguy hiểm liên quan đến cuộc chiến tranh Nam Tư và tình hình tại CH tự trị Chechnya thuộc Nga.

Moskva kỳ vọng người kế nhiệm ông Bill Clinton sẽ làm "hạ nhiệt" quan hệ song phương. Sự kỳ vọng này càng tăng cao khi Tổng thống George W.Bush (con) vừa đặt chân vào Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ tăng cường đối thoại với Nga nhằm tìm kiếm tiếng nói chung về những bất đồng đang tồn tại trong quan hệ song phương, cũng như các hồ sơ quốc tế. Quả thực, trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Bush mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trở nên nồng ấm.

Nhưng sau đó, căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ lại tiếp tục leo thang do bất đồng xung quanh cuộc chiến tranh chớp nhoáng giữa Nga và Gruzia vào năm 2008. Rồi đến lượt Tổng thống Barack Obama, mối quan hệ Nga - Mỹ cũng được phát triển theo kịch bản tương tự. Trong những năm đầu, Tổng thống Obama, người chủ trương sử dụng Chiến lược chính sách đối ngoại "quyền lực mềm", đưa ra ý tưởng "tái khởi động" quan hệ Nga - Mỹ. Một luồng sinh mát lành được thổi vào giúp “hạ nhiệt” những cái “đầu nóng” ở Washington và Moskva. Hai bên rất nỗ lực tăng cường đối thoại và hợp tác trong những lĩnh vực có cùng lợi ích. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Washinton và Moskva không ngừng được củng cố và phát triển. Thế nhưng, kết cục giờ như thế nào thì các anh đã rõ. Nga và Mỹ lại đang đứng trước nguy cơ đối đầu quân sự do bất đồng xung quanh cuộc chiến tranh tại Syria và giải quyết khủng hoảng ở Ukraine. Điều này có nghĩa bất cứ tổng thống nào của nước Mỹ về nguyên tắc đều lặp lại cùng một kịch bản về phát triển quan hệ với Nga.

* Điều này có nghĩa là ngay cả sau bầu cử Tổng thống Mỹ, quan hệ giữa Moskva và Washington sẽ vẫn tiếp tục căng thẳng?

Chuyên gia Aleksey Fenenko: Nếu bà Hillary Clinton giành chiến thắng thì mối quan hệ giữa Nga và Mỹ ngay lập tức rơi vào tình trạng thù địch như hiện nay. Còn nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, thì có thể mối quan hệ giữa Moskva và Washington sẽ trở nên nồng ấm trong vòng khoảng 2 năm. Trong khoảng thời gian đó, hai bên sẽ nỗ lực tiến hành đàm phán, nhưng sau đó tôi nghĩ rằng mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ lặp lại “kịch bản” của những người tiền nhiệm.

Trên thực tế, tôi nghĩ rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Mỹ sẽ không có triển vọng. Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất; nền tảng mối quan hệ, đó là mối quan hệ cường quốc hạt nhân. Hai bên bắt các thành phố của nhau làm con tin và trong trường hợp cần thiết đe dọa tiến hành tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Không thể có cường quốc đối tác là con tin của nhau. Đây chính là nền tảng vật chất quan hệ và nó đã trở nên đối đầu sâu sắc.

Thứ hai; hiện Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới về mặt kỹ thuật có thể hủy diệt được nước Mỹ, cũng như có thể tiến hành cuộc chiến tranh với Mỹ bằng các loại vũ khí hủy diệt. Trung Quốc nỗ lực để đạt được cấp độ này, nhưng đến nay dẫu sao tiềm năng của Bắc Kinh vẫn chưa cho phép họ làm được điều này.

Thứ ba một cách khách quan, Nga gây trở ngại cho sự bá quyền lãnh đạo tốt đẹp của Mỹ. Để thể giới tiếp tục duy trì trật tự đơn cực, dân chủ theo kiểu phương Tây, vốn rất có lợi cho Mỹ, Washington tìm mọi cách thủ tiêu tiềm năng sức mạnh của Nga và Trung Quốc, và trong tương lai có thể là Ấn Độ. Chính những quốc gia này đang phong tỏa sự bá quyền lãnh đạo hiện nay của Mỹ.

Thứ tư; năm 1992 Mỹ đã đặt ra nhiệm vụ không cho phép xảy ra tiến trình hội nhập giữa các quốc gia thuộc Liên Xô. Do đó, bất cứ dự án hội nhập nào của Nga triển khai tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đều khiến Mỹ có phản ứng tiêu cực. Những vấn đề này làm nảy sinh xung đột trong mô hình quan hệ Nga - Mỹ. Tất nhiên, tôi nghĩ rằng trong tương lai thậm chí tình hình có thể trở nên xấu hơn, bởi vì người Mỹ chưa sẵn sàng tiến hành đối thoại với Nga, xem xét lại những luật chơi được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh. Nga buộc phải tỏ rõ mong muốn tiến hành những cuộc đối thoại như thế và nếu Mỹ không đối thoại thì có thể xảy ra xung đột thật sự giữa Moskva và Washington.

* Quan hệ Nga - Mỹ sau bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng ra sao tới bàn cờ chính trị thế giới, thưa ông?

Chuyên gia Aleksey Fenenko: Như đã phân tích ở trên, mối quan hệ Moskva - Washington khó có thể tạo được bước chuyển biến thực chất cho dù ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Vì vậy, quan hệ Nga - Mỹ sẽ tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực tới cục diện tình hình chính trị quốc tế. Hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới ngày càng ít hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân và những vấn đề về môi trường. Ba trụ cột này vốn được coi là nền tảng phối hợp hành động giữa Nga và Mỹ.

Trong vòng 4 năm qua, chúng ta thấy rằng lĩnh vực hợp tác giữa Nga và Mỹ bị thu hẹp lại, và tất nhiên làm cho hệ thống thế giới trở nên xung đột hơn. Trong thời Chiến tranh Lạnh nhiều cơ chế ngằn ngừa chiến tranh được thiết lập. Thường xuyên diễn ra các cuộc đối thoại chính trị chính thức, diễn đàn, hội thảo liên tục được tổ chức, xây dựng nhiều kênh giao tiếp với nhau. Thế nhưng, rất tiếc hiện nay tất cả cơ chế bảo đảm hòa bình trong suốt hơn 40 năm Chiến tranh lạnh đã bị phá vỡ, ngày càng có ít cơ hội để tiến hành đối thoại trực tiếp. Điều này hết sức nguy hiểm đối với hệ thống an ninh quốc tế.

* Xin cảm ơn ông về buổi phỏng vấn!

Dương Trí-Quang Vinh (P/v TTXVN tại Moskva)
Mỹ bất ngờ bố trí tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở Guam sau Chiến tranh Lạnh
Mỹ bất ngờ bố trí tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở Guam sau Chiến tranh Lạnh

Theo văn phòng thông tin hải quân Mỹ, ngày 31/10, tàu ngầm hạt nhân chiến lược USS Pennsylvania (SSBN 735) đã đến căn cứ hải quân Apra Harbor ở Guam. Đây là lần đầu tiên sau gần 30 năm, tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa vượt đại châu được bố trí ở Guam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN