Suốt nhiều tháng qua, Quỹ Hy vọng Xanh do cô Basu sáng lập đã hỗ trợ nhiều người dân ở các ngôi làng nghèo tại Bangladesh, giúp đỡ những người mất thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khi cung cấp kiến thức và nguồn lực để giúp họ có cơ hội tạo ra doanh thu bền vững từ nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi gia súc và thủy sản.
Dự án của Basu phân phối vật nuôi và hạt giống hữu cơ cho nông dân, giúp họ thúc đẩy canh tác bền vững, cung cấp bộ lọc nước cho các gia đình, giúp cải thiện nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Dự án cũng hướng dẫn phụ nữ ở các khu ổ chuột tại Dhaka cách chăn nuôi gia cầm. Những hoạt động này đã giúp hơn 6.000 người ở Bangladesh có nguồn thu nhập dài hạn, từ đó giúp nhiều trẻ em gái được đi học, nhiều phụ nữ được tham gia lãnh đạo trong cộng đồng của họ.
Cô Basu chỉ là một trong số rất nhiều người trẻ tuổi trên khắp thế giới đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi khẩn cấp trong hệ thống lương thực và đi đầu trong việc thực hiện sự chuyển đổi này. Hệ thống lương thực rất cần thiết cho sự tồn tại của xã hội loài người. Một hệ thống lương thực lành mạnh đồng nghĩa với thịnh vượng cho con người và hành tinh.
Tuy nhiên, hệ thống lương thực hiện nay không cung cấp đủ thực phẩm an toàn, lành mạnh và dinh dưỡng cho tất cả mọi người vào mọi thời điểm. Chưa kể đến các yếu tố xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu, sâu bệnh, dịch bệnh cũng làm suy yếu an ninh lương thực. Đại dịch COVID-19 bùng phát đã phơi bày sự mong manh của hệ thống lương thực, đe đọa cuộc sống và sinh kế của nhiều người, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Theo báo cáo Tình trạng An ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới 2021 được công bố tháng 7 vừa qua, ước tính gần 2,37 tỷ người không được tiếp cận với đầy đủ lương thực thực phẩm trong năm 2020, tăng 320 triệu người so với một năm trước đó.
Thực trạng này đòi hỏi các nước phải xây dựng các hệ thống nông sản bền vững và bao trùm, giải quyết tình trạng nghèo đói ở nông thôn, cũng như những thách thức trong việc cung cấp lương thực cho dân số thế giới ngày càng tăng và tác động của biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề phức tạp này, cần đảm bảo sự tham gia và gắn bó có ý nghĩa của thanh thiếu niên trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực.
Với chủ đề “Chuyển đổi hệ thống lương thực: Thanh niên sáng tạo vì sức khỏe con người và hành tinh”, Ngày Quốc tế Thanh niên năm nay (12/8) nhấn mạnh rằng thành công của một nỗ lực toàn cầu như vậy sẽ không thể đạt được nếu không có sự tham gia của những người trẻ tuổi.
Trong thông điệp nhân ngày này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres khẳng định thanh niên đang ở tiền tuyến của cuộc đấu tranh xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Đại dịch COVID-19 đã nêu bật nhu cầu thiết yếu về sự thay đổi mang tính chuyển đổi và thanh niên phải là đối tác đầy đủ trong nỗ lực đó.
Ông nhấn mạnh: “Ngày Quốc tế Thanh niên năm nay nêu bật các giải pháp do các nhà sáng chế trẻ phát triển để giải quyết các thách thức đối với hệ thống lương thực của chúng ta. Họ đang giải quyết các bất bình đẳng trong an ninh lương thực, mất đa dạng sinh học, các mối đe dọa với môi trường và hơn thế nữa. Tuy nhiên, thanh niên cũng cần có đồng minh để đảm bảo được tham gia, được đồng hành và thấu hiểu.”
Năm 2021 cũng là năm đầy hứa hẹn để thanh niên có cơ hội được lên tiếng, được lắng nghe và được đóng góp tích cực vào việc thiết kế các hệ thống lương thực thích ứng với khí hậu trong tương lai. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống lương thực thế giới, dự kiến được tổ chức tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) vào tháng 9 tới, nhiều cuộc đối thoại cấp quốc gia và toàn cầu đã được tổ chức. Hội nghị trù bị Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống lương thực thế giới vừa diễn ra từ ngày 26-28/7 tại thủ đô Rome của Italy cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho sự kiện này. Tiến sĩ Agnes Kalibata, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống lương thực thế giới đã nhấn mạnh rằng các hội nghị này sẽ không thể được tổ chức thành công nếu không có sự tham gia của thanh niên.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) Khuất Đông Ngọc cũng khẳng định, “tương lai của các hệ thống nông sản thực phẩm thuộc về những người trẻ của ngày hôm nay". Theo ông, “cần phải tạo ra một không gian mở và ý nghĩa cho sự tham gia và lãnh đạo của giới trẻ. Việc đưa ý kiến của thanh niên một cách có hệ thống và ý nghĩa vào quá trình đưa ra quyết định chính là công cụ để chuyển đổi hệ thống nông sản thực phẩm và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Niềm đam mê, sự sáng tạo và cam kết của giới trẻ chính là động lực hướng tới sự thay đổi tích cực.”
Cô Elizabeth Iberico thuộc Hiệp hội Người tiêu dùng Peru thì cho rằng “người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm. Tất cả chúng ta đều là người tiêu dùng. Nhưng chúng tôi, với tư cách là những người tiêu dùng trẻ, được tiếp cận ngày càng nhiều với một công cụ mạnh mẽ: đó là công nghệ, và nó mang lại cơ hội đẩy nhanh tiến bộ.”
Giới trẻ đã nêu bật giá trị mà các giải pháp kỹ thuật có thể mang lại cho chuyển đổi hệ thống lương thực. Tăng cường kết nối đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép thế hệ trẻ liên hệ trực tiếp với những người ra quyết định chính và với các tác nhân ở tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm. Giới trẻ cũng đang kêu gọi hình dung lại cách thức hoạt động của các chợ thực phẩm, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để trao quyền cho người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và lựa chọn nhiều hơn. Khai thác sự đổi mới và sức mạnh của công nghệ, giới trẻ có thể mở ra một thế giới mới về các khả năng cho nông nghiệp, ngư nghiệp hoặc lâm nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dân số thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 2 tỷ người trong 30 năm tới, việc sản xuất một lượng lớn lương thực là không đủ để đảm bảo sức khỏe cho con người và hành tinh. Ngoài sản xuất, chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề tiêu thụ lương thực bền vững, bởi quá trình sản xuất lương thực thực phẩm là nguyên nhân gây ra khủng hoảng khí hậu, tàn phá sinh thái và các nguy cơ toàn cầu khác. Theo kết quả một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Food hồi tháng 4/2021, hệ thống lương thực của thế giới chịu trách nhiệm cho hơn 1/3 lượng khí thải nhà kính do con người gây ra trên toàn cầu.
Nếu thực phẩm phải di chuyển một quãng đường dài từ nông trại tới bàn ăn sẽ cần nhiều năng lượng hơn để vận chuyển và bảo quản, dẫn đến lượng khí thải carbon lớn hơn. Lối sống ít carbon đồng nghĩa với việc tiêu thụ sản phẩm địa phương, được trồng theo mùa. Mỗi cá nhân có thể mua thực phẩm tươi sống từ nông dân và nguồn cung từ các chợ địa phương, hay tự sản xuất, tự cung tự cấp tại nhà.
Khi những biện pháp hạn chế và phong tỏa phòng dịch có thể kéo dài hàng tháng, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đánh giá cao việc tự trồng cây lương thực, duy trì vườn và không gian xanh đô thị. Nông nghiệp đô thị, sản xuất lương thực bền vững, cũng có thể góp phần giảm khí thải nhà kính và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều này sẽ giúp cho các quốc gia chuyển đổi theo hướng tốt đẹp hơn và thúc đẩy một xã hội đáng sống hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn.
Là sinh viên năm thứ tư ngành thực phẩm và kinh doanh nông nghiệp, anh Kabilla Jonathan Obbo, một nhà hoạt động vì khí hậu người Uganda, khẳng định, sự tham gia của thanh niên vào hệ thống lương thực thực phẩm là rất quan trọng, và chủ đề Ngày Quốc tế Thanh niên năm nay đã nêu bật điều này một cách hoàn hảo. Ở Uganda, hơn 17% trong số 2,8 triệu tấn ngô và khoảng 12,4% trong 214.000 tấn kê được sản xuất hằng năm bị thất thoát hoặc lãng phí trong quá trình thu hoạch và xử lý sau đó. Anh Kabilla cho rằng, tất cả mọi người đều có khả năng giảm thiểu lãng phí thực phẩm ngay từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Cần có sự tham gia liên tục của giới trẻ thông qua các chiến dịch truyền thông xã hội về dinh dưỡng. Người trẻ sống ở thành thị nên được dạy và khuyến khích thực hành làm vườn tại nhà, trong khi giáo dục dinh dưỡng cần được chú trọng và thực hiện ở các cộng đồng nông thôn.
Có thể nói, thông điệp của Ngày Quốc tế Thanh niên năm nay là một lời nhắc nhở để giới trẻ tham gia vào các chính sách, kế hoạch và hành động ở tất cả các cấp, để thể hiện tiếng nói và làm việc để chuyển đổi hệ thống lương thực, nhằm xây dựng một hành tinh xanh hơn, bình đẳng hơn và bền vững hơn. Giống như khẳng định của Tiến sĩ Agnes Kalibata: “Chúng ta không thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho ngày mai nếu không có giới trẻ của ngày hôm nay".