Theo hãng tin AFP, liên minh “Together!" (Cùng nhau!) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thất thế trong cuộc đua giành đa số ghế tại Quốc hội nước này khi chỉ giành được 245 ghế ở cơ quan lập pháp vốn có 577 thành viên này, thay vì 289 ghế cần thiết. Trong khi đó, liên minh cánh tả NUPES của ông Jean-Luc Melenchon giành được 135 ghế còn đảng Tập hợp Quốc gia (RN) theo đường lối cực hữu chiếm 89 ghế.
Thủ tướng Elisabeth Borne ngày 19/6 cho rằng kết quả của cuộc bầu cử quốc hội vòng 2 là một “nguy cơ” đối với nước Pháp.
Kết quả này được cho là kịch bản cực kỳ hiếm trong hệ thống chính trị của Pháp. Mặc dù cuộc bầu cử quốc hội về lý thuyết không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Pháp song những vấn đề trong nước có thể ảnh hưởng đến những quyết định của Tổng thống Macron khi tham gia giải quyết các vấn đề nước ngoài.
Dưới đây là một số hành động Tổng thống Macron có thể làm để đảm bảo quyền lực trong việc đưa ra các quyết sách.
Hình thành liên minh
Ngay sau khi được thông tin về kết quả bầu cử, Thủ tướng Elisabeth Borne cam kết sẽ hình thành một liên minh và việc này sẽ bắt đầu ngay từ sáng 20/6.
Trong bối cảnh quốc gia rơi vào khủng hoảng chi phí sinh, đảng cầm quyền đang gấp rút thông qua một dự luật khẩn cấp để hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp trước kỳ nghỉ hè vào tháng Tám.
Dự luật đó cùng với các chính sách khác trong trong cam kết của Tổng thống Macron – bao gồm cải cách phúc lợi hoặc nâng độ tuổi nghỉ hưu - sẽ cần sự ủng hộ của các đồng minh trong Quốc hội.
Liên minh "Cùng nhau" của Tổng thống Macron được coi là có nhiều khả năng tiếp cận với đảng cánh hữu truyền thống của Pháp, đảng Cộng hòa (LR) và đồng minh trung hữu UDI.
Bộ trưởng phụ trách quan hệ quốc hội Olivier Veran cho biết: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng hình thành một liên minh chiếm thế đa số”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire kêu gọi các đảng phái khác cùng chung ý tưởng với đảng cầm quyền quay sang ủng hộ Tổng thống Macron.
Tuy nhiên, mặc dù một số nhân vật trong đảng Cộng hòa được biết đến với quan điểm sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Macron, trong đó có cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy song nhà lãnh đạo đảng Lao động Christian Jacob đã lên tiếng bác bỏ việc chấp nhận lời mời liên minh.
“Chúng tôi vận động như một đảng đối lập, chúng tôi đang ở vị thế đối đầu và chúng tôi sẽ luôn như thế”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá liệu đây có phải là một chiêu đàm phán của đảng Cộng hòa nhằm giành được một số vị trí cấp bộ trưởng và các nhượng bộ khác hay không?
Đàm phán từng luật một
Trong trường hợp không có một liên minh chính thức, chính phủ thiểu số sẽ cần phải dựa vào sự ủng hộ từ các đảng đối lập đối với từng dự luật.
Điều này sẽ đòi hỏi các cuộc đàm phán lâu dài trước khi mỗi dự luật được đưa ra biểu quyết. Một lần nữa, đảng Cộng hòa sẽ đóng vai trò chủ chốt.
"Bạn có thể cầm quyền khi chỉ giành thiểu số số ghế miễn là các đảng đối lập không hợp lực chống lại bạn", Dominique Rousseau, chuyên gia luật hiến pháp tại Đại học Paris Pantheon-Sorbonne, nói với AFP.
Cựu Thủ tướng Michel Rocard từng đứng đầu một chính phủ thiểu số từ năm 1988-1991 sau khi phe cánh hữu giành được lợi thế trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1988.
Thủ tướng Elisabeth Borne dự kiến có bài phát biểu trước quốc hội trong những tuần tới và sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Bầu cử lại
Giải pháp cuối cùng trong trường hợp quốc hội vẫn rơi vào tình cảnh bế tắc và không thể thành lập chính phủ ổn định, Tổng thống Macron có thể giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử lại.
Tuy nhiên, kết quả chiến thắng sẽ không chắc chắn nằm trong tay ông Macron, đặc biệt khi người dân ngày càng tức giận về vấn đề lạm phát và các đảng đối lập nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng.