Khi chuẩn bị tái tranh cử vào năm 2024, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố thời kỳ tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Nga đã qua.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế thời chiến của Nga có thể đang có dấu hiệu quá nóng, trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây đang hy vọng các lệnh trừng phạt cuối cùng sẽ có tác dụng.
Một nguồn tin ngoại giao của Pháp cho rằng các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ bắt đầu được cảm nhận vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu khác nói với AFP: “Các biện pháp trừng phạt giống như một vết thủng nhỏ trên lốp xe. Nó không ‘xì hơi’ ngay lập tức nhưng sẽ có tác động”.
Agedit Demarais, nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nêu quan điểm: Đó là một cuộc đua đường dài chứ không phải một cuộc chạy nước rút.
Bà cho biết mục tiêu của các biện pháp trừng phạt không phải là làm cho kinh tế Nga sụp đổ vì có thể tác động tới toàn cầu. Bà giải thích mục đích của các biện pháp trừng phạt là hạn chế nguồn lực của Nga để đầu tư cho cuộc chiến với Ukraine.
Đến nay EU đã áp đặt 11 gói trừng phạt Nga kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022, bao gồm cả việc đánh vào ngành xuất khẩu dầu khí quan trọng của Moskva. Gói trừng phạt thứ 12, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga, đang được xem xét.
Theo số liệu chính thức, 49% hàng xuất khẩu của châu Âu sang Nga và 58% hàng nhập khẩu của Nga đang bị trừng phạt.
Ngay cả khi Nga trở thành quốc gia bị phương Tây trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, nền kinh tế của nước này chỉ bị ảnh hưởng nhưng không bị tàn phá.
Các nhà quan sát cho rằng các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ và loạt lệnh trừng phạt đầu tiên của phương Tây liên quan đến việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã giúp Nga rút ra những bài học để quản lý rủi ro tốt hơn.
Trong khi đó, Điện Kremlin hiện có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 70% vào năm 2024, một dấu hiệu cho thấy Moskva có thể đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.
“Chúng tôi đã khắc phục mọi vấn đề nảy sinh sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga và chúng tôi đã bắt đầu giai đoạn phát triển tiếp theo”, Tổng thống Putin tuyên bố vào tháng 10.
Theo thống kê chính thức của Nga, tổng sản phẩm quốc nội của nước này đã tăng 5,5% trong quý 3 năm nay và tăng trưởng kinh tế được dự đoán ở mức 2% trong năm tới.
Alexandra Prokopenko, học giả tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia, cho biết nền kinh tế Nga hoạt động tốt nhưng các chỉ số hoạt động có thể đang gây hiểu nhầm. Bà Prokopenko, người từng làm việc tại ngân hàng trung ương Nga từ năm 2019 đến đầu năm 2022, nêu rõ: “Tất cả đều là triệu chứng của tình trạng quá nóng khi 1/3 tăng trưởng là nhờ chi tiêu quân sự”.
Bà Prokopenko nói với AFP: “Sự phụ thuộc vào dầu mỏ cũng tăng lên và giờ đây điều đó mạnh hơn so với trước xung đột”.
Để giúp vượt qua các lệnh trừng phạt liên quan đến việc bán dầu, Nga đã thiết lập một đội tàu “hỗn hợp” số lượng lớn và cơ sở hạ tầng tài chính song song. Theo chuyên gia Prokopenko, thu nhập xuất khẩu chính của Nga vẫn đến từ việc bán nhiên liệu hóa thạch.
Theo Global Witness, một cơ quan giám sát môi trường, xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào EU đã tăng 40% trong 7 tháng đầu năm nay, lên tới gần 5,3 tỷ euro. Bà Prokopenko cho biết ngay cả các công ty châu Âu cũng sẵn sàng tiếp tục giao dịch với Nga, bao gồm cả hàng hóa có công dụng kép, nếu những giao dịch này có thể được chuyển qua nước thứ ba.
Về phần mình, chuyên gia Demarais thừa nhận rằng có "sự không nhất quán" trong việc hoạch định chính sách của châu Âu đối với Nga nhưng nói thêm rằng rất khó để ước tính khả năng phục hồi lâu dài của Moskva.
Viết cho Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, ông Denis Volkov và Andrei Kolesnikov cho rằng người Nga đã thích nghi với các điều kiện kinh tế mới chỉ trong vòng một năm. Họ lưu ý: “Hầu hết người Nga hiểu rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không kết thúc sớm và họ cố gắng không tập trung quá nhiều vào các chủ đề quân sự hoặc diễn biến ở mặt trận. Có vẻ xã hội Nga đã học được cách không quá lo lắng về xung đột".