Đằng sau thông điệp cứng rắn của Mỹ đối với thương mại Trung Quốc

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại nóng lên sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ "khai quật" lời đe dọa áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đồng thời có những bước đi khác nữa để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc ngày 8/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông điệp cứng rắn này được đưa ra chưa đầy 10 ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc có động thái chủ động giảm bất hòa với tuyên bố nhất trí không áp thuế lẫn nhau và cam đoan không đẩy căng thẳng đi xa thành một cuộc chiến thương mại. Giới phân tích nhận định động thái mới của Mỹ dường như là nhằm gia tăng vị thế cho Washington trên bàn đàm phán với các đối tác Trung Quốc, trong bối cảnh Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sẽ có chuyến thăm tới Bắc Kinh cuối tuần này.

Theo thông báo của Nhà Trắng, muộn nhất là ngày 15/6 tới, Washington sẽ công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 50 tỷ USD, có khả năng chịu mức thuế 25%, nếu Bắc Kinh không giải quyết được bất đồng về vấn đề sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng bị đánh thuế này dựa trên danh sách gồm 1.300 mặt hàng được Mỹ công bố hồi tháng 4 vừa qua, chủ yếu nhắm vào các sản phẩm công nghệ then chốt trong chương trình "Made in China 2025" có tính chiến lược của Trung Quốc. Chương trình này được Chính phủ Trung Quốc đề ra nhằm đưa nước này đến vị trí hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo, với các loại sản phẩm như người máy,  ô tô điện, linh kiện máy vi tính, phụ tùng ngành hàng không vũ trụ, thiết bị y tế và máy móc công nghiệp thế hệ mới.

Ngoài các biện pháp thuế, Mỹ cũng sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thêm vào đó, muộn nhất vào ngày 30/6 tới, Mỹ sẽ thông báo các biện pháp hạn chế đầu tư và tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc liên quan tới việc mua sắm công nghệ quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp.

Chính quyền Trung Quốc đã lập tức lên tiếng chỉ trích việc Mỹ tiếp tục theo đuổi các biện pháp hạn chế thương mại đối với nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái này đi ngược lại sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được sau các vòng tham vấn mới đây, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Nhiều nhà quan sát có chung quan điểm rằng sự thay đổi bất ngờ của Washington là nhằm gây sức ép khi vòng đàm phán mới chuẩn bị diễn ra vào ngày 2/6 tới. Ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS),  cho rằng Tổng thống Trump chỉ đang tìm cách "tạo đòn bẩy" trước thềm chuyến đi của Bộ trưởng thương mại Mỹ Ross tới Trung Quốc. Trong khi đó, Giáo sư thương mại quốc tế của Đại học Cornell, ông Eswar Prasad, nhận định chính quyền Trump rõ ràng đang phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng "so găng" nếu Trung Quốc không đồng ý giảm thâm hụt thương mại song phương hoặc có những nhượng bộ lớn hơn.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, ông Chad Bown, cảnh báo rằng lời đe dọa mang tính "thị uy" của Mỹ có thể gây cản trở các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Thương mại Ross và các đối tác Trung Quốc cũng như khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Cựu quan chức thương mại Mỹ Claire Reade thì nhấn mạnh việc lấy vấn đề thuế quan để gây sức ép với Bắc Kinh thậm chí còn làm phản tác dụng, làm mất đi cơ hội giải quyết theo hướng hòa giải.

Nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được một tiến bộ đáng kể trong các cuộc thương lượng trước ngày 15/6 tới - thời điểm Washington công bố danh sách các mặt hàng của Bắc Kinh bị áp thuế, gói thuế quan này sẽ có hiệu lực và Bắc Kinh sẽ nhanh chóng đáp trả, khiến Mỹ-Trung rơi vào vòng xoáy đối đầu mà hai nước vẫn đang tìm cách né tránh. Nhiều tổ chức doanh nghiệp ở Mỹ lo sợ rằng cách tiếp cận của ông Trump có nguy cơ châm ngòi cho chiến tranh thương mại giữa hai bên, với biện pháp trả đũa từ cả hai phía, không chỉ gây thiệt hại cho hai nước mà còn tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, cũng là đại diện cho các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, ông John Frisbie, đã kêu gọi Washington và Bắc Kinh ngừng đưa ra những lời đe dọa thuế quan và nhanh chóng bước vào đàm phán. Ông nhấn mạnh thuế quan và những hạn chế đối với thương mại sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như thị trường việc làm của Mỹ.


Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cho rằng tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Trump dường như chỉ nhằm xoa dịu những ý kiến phản đối của các nghị sĩ trong nước về thỏa thuận đạt được hôm 25/5 vừa qua liên quan tới Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc. Theo thỏa thuận này, Mỹ đồng ý bỏ lệnh cấm các công ty trong nước bán phần mềm và linh kiện cho ZTE trong 7 năm, đổi lại hãng này phải thay ban giám đốc điều hành và quản lý, mua linh kiện do Mỹ sản xuất, thuê nhân công Mỹ và nộp phạt 1,3 tỷ USD. Các nghị sĩ cho rằng biện pháp hoán đổi này không mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ, trong khi các nhượng bộ của phía Trung Quốc là "không đáng kể" .

Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến thị trường tài chính chao đảo ngay từ những ngày đầu manh nha khi Washington và Bắc Kinh bùng phát mâu thuẫn. Một khi "cuộc chiến" thực sự xảy ra, tổn thất sẽ là rất lớn cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính vì vậy, giới chuyên gia nhận định lời đe dọa áp thuế của ông Trump có thể sẽ không làm chệch hướng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như không "thổi bay" những thiện chí và sự đồng thuận mà 2 bên đạt được trong các vòng tham vấn thương mại diễn ra hồi tuần trước. Ông Jeff Moon, từng giữ vai trò đàm phán thương mại của Mỹ, cho rằng Tổng thống Trump có thể sẽ đổi ý, các biện pháp thuế là linh hoạt và có thể được bãi bỏ.

Có thể thấy, dù dùng tới các động thái “nắn gân” hay “tạo đòn bẩy”, nhưng chính quyền Tổng thống Trump vẫn mong muốn tìm kiếm một tiếng nói chung để hạ nhiệt căng thẳng và đã cử Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tới Bắc Kinh cuối tuần này với nhiệm vụ  thuyết phục Trung Quốc cụ thể hóa con số mà nước này cam kết để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. Trong khi đó, dù phản ứng với lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Trump, Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục các vòng tham vấn thực chất với phía Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc hy vọng Washington sẽ hành động theo tinh thần của tuyên bố chung được đưa ra sau vòng tham vấn tại Washington ngày 19/5 vừa qua. Tất nhiên, vì là những vấn đề gắn chặt với lợi ích kinh tế-thương mại lớn của cả hai nước, nên rõ ràng tiến trình thương lượng sẽ không thể dễ dàng.

Phan An (TTXVN)
Mỹ có kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm Trung Quốc
Mỹ có kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm Trung Quốc

Ngày 29/5, Mỹ thông báo sẽ tiếp tục theo đuổi động thái thương mại nhằm vào Trung Quốc. Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Washington và Bắc Kinh nhất trí một số biện pháp mang tính "hòa hoãn" nhằm giải quyết bất đồng thương mại giữa hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN