Thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể coi là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp chính trị của John Kerry. Uy tín của ông đang dần cải thiện kể từ khi đảm nhiệm vai trò Ngoại trưởng Mỹ và là cầu nối giữa Tổng thống Obama với khu vực Trung Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AFP |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đi một chặng đường dài và làm việc không biết mệt mỏi kể từ sau thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2004 khiến uy tín suy giảm đáng kể. Sau hơn ba thập kỷ làm chuyên gia đối ngoại, bốn năm làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, việc đạt được các thỏa thuận ngăn chặn vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Syria và Iran mà không phải sử dụng đến biện pháp quân sự sẽ là sự đền đáp xứng đáng nhất cho vị cựu binh trong chiến tranh Việt Nam.
Kể từ khi lên thay ngoại trưởng Hillary Clinton hồi tháng hai, John Kerry đã chứng tỏ mình là một ngoại trưởng năng động khi dành rất ít thời gian làm việc tại thủ đô Washington bởi các chuyến công du tới điểm nóng trên thế giới gần như phủ kín lịch trình làm việc. Ông tham gia vào nhiều cuộc hội đàm và đàm phán, trong đó phải kể đến nỗ lực nối lại vòng đàm phán hòa bình giữa Israel với người Palestine, dàn xếp với Nga thỏa thuận loại bỏ vũ khí hóa học tại Syria, đàm phán thỏa thuận an ninh với Afghanistan, đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran.
Mặc dù sáng ngày 23/11, John Kerry mới đến Geneva để tham gia vào vòng đàm phán cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran nhưng giới chức cho rằng ông đã rất năng nổ ‘phía sau hậu trường’ trong nhiều tháng, đặt cược sự tín nhiệm chính trị của mình để đạt được bản thỏa thuận cuối cùng với Iran, bất chấp những sự khác biệt về quan điểm với nhiều người chỉ trích mang tư tưởng “diều hâu” tại Mỹ.
Trước khi vòng đàm phán thứ nhất diễn ra ngày 9/11, ông Kerry đã viếng thăm hai nước đồng minh quan trọng Israel và Saudi Arabia nhằm trấn an lãnh đạo các nước này trước quyết định của Mỹ về vấn đề hạt nhân của Iran. Trong cuộc gặp với Quốc vương Saudi Arabia Abdullah và Ngoại trưởng Saud al-Faisal ngày 4/11, ông Kerry truyền đi thông điệp rằng “Mỹ sẽ bảo vệ Riyadh trước các cuộc tấn công từ bên ngoài”. Chỉ ít ngày sau (7 - 8/11), ông đã liên tiếp có ba cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm xoa dịu sự giận dữ của Israel.
Ngoài ra, một quan chức khác cũng xác nhận một bài báo của AP rằng John Kerry cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Iran, kể cả chính thức và bí mật, kể từ khi Tổng thống có tư tưởng cải cách Hassan Rouhani nhậm chức hồi tháng 8.
Tối 23/11, một quan chức Nhà Trắng đã nhận định rằng John Kerry và toàn bộ đoàn ngoại giao tại Geneva, những người đã tất bật làm việc từ sáng sớm cho tới đêm muộn, thực tế đã làm việc vất vả hơn bất kỳ ai ông từng chứng kiến trong thời gian công tác cho chính phủ.
Tuy nhiên, không phải tất cả giới chức ở Washington đều tán dương vai trò của ông Kerry trong tiến trình đàm phán với Iran, điều khiến không ít chính trị gia Đảng Dân chủ tỏ ra hoài nghi và vấp phải sự phản đối của các đồng minh chủ chốt trong khu vực như Israel và Saudi Arabia.
Sau khi vị ngoại trưởng trở về từ cuộc đàm phán hạt nhân Iran ngày 9/11, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ John McCain, một người bạn lâu năm đồng thời cũng là đối thủ chính trị của John Kerry, từng miêu tả ông giống như “quả văng di động”, tranh luận rằng mối quan hệ đồng minh thân cận trong nhiều thập kỷ ở khu vực Trung Đông đã bị hủy hoại bởi Mỹ phớt lờ quan ngại của các đồng minh.
Tuy nhiên, ngay sau khi đàm phán kết thúc, ông Kerry đã nhanh chóng chủ động xuất hiện và có bài phát biểu trên kênh truyền hình CNN để nhấn mạnh rằng chính ông - người theo chủ nghĩa chính trị thực dụng - là người lãnh trọng trách, chứ không phải những người bảo thủ coi trọng ý thức hệ hơn là thỏa hiệp. Trong bài phát biểu có đoạn: “Chúng ta thực hiện thỏa thuận với đôi mắt mở rộng chứ không hề mang ảo tưởng. Và chúng ta làm điều này dựa trên nền tảng của những hành động có thể kiểm chứng. Trong vòng vài tháng tới, chúng ta thực sự có thể đánh giá được những ý định của Iran”.
Có thể nói, thỏa thuận hạt nhân tạm thời giữa Iran và các nước P5+1 có đóng góp không nhỏ của John Kerry. Nếu đạt được thỏa thuận cuối cùng và Iran thực hiện những bước tiếp theo nhằm giới hạn chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, sự nghiệp cũng như uy tín chính trị của ông Kerry có thể được phục hồi lâu dài.
Hoàng Kỳ (
Theo Usatoday/Guardian)