Cuộc khủng hoảng Ukraine và tương lai Hạm đội Biển Đen

Theo báo "Độc lập" (Nga), Bộ Quốc phòng nước này ngày 24/2 chính thức phủ nhận thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Hạm đội biển Đen tham gia giúp Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych vượt biên sang Nga bằng đường không hoặc đường biển và Nga tăng cường các phương tiện thiết giáp chặn các lối vào cảng Sevastopol.

Đại diện quân đội Nga khẳng định rằng Hạm đội Biển Đen không can thiệp vào tình hình ở Ukraine mà chỉ nâng cao khả năng tác chiến của các đơn vị đang đồn trú tại đây nhằm đối phó với khả năng bất ổn và bảo vệ tính mạng quân nhân Nga cùng gia đình họ. Chỉ huy trưởng Hạm đội Biển Đen cũng bác bỏ thông tin về việc ông Yanukovych đang ở Sevastopol nhưng xác nhận sự có mặt trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Pavel Lebedev và Tham mưu trưởng quân đội nước này Yuri Ilin (cả hai đều đã bị Quốc hội Ukraine bỏ phiếu miễn nhiệm0.

Đại diện cấp cao quân đội Nga tại Sevastopol cũng cho biết trên toàn thành phố cảng, an ninh đã được thắt chặt bằng việc bố trí các chốt kiểm soát giao thông, thành lập các đội tự quản để ngăn chặn làn sóng bạo lực từ khu vực Trung tâm và phía Tây lan sang phía Đông. Trên các tuyến quốc lộ đã xuất hiện thêm nhiều chốt kiểm soát với việc sử dụng sự hỗ trợ của các phương tiện bọc thép và hiện chỉ có các xe ô tô mang biển nội thành mới được phép ra vào khu quân cảng.

Tàu khu trục thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga tại vịnh Sevastopol ngày 10/9/2008. Ảnh: AFP/ TTXVN


Hiện người dân Sevastopol và các quân nhân Nga đang phục vụ tại đây hết sức lo ngại trước tình hình bất ổn ở Ukraine và việc Quốc hội nước này vội vã bổ nhiệm một số nhân vật không có chuyên môn nắm quyền điều hành các bộ sức mạnh, trong đó có cả người từng bị Cơ quan Cảnh sát Quốc tế (Interpol) truy nã do phạm tội kinh tế. Ông Navivaichenko là một ví dụ: từng giữ chức Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine, người dưới thời cựu Tổng thống Yushchenko là nhân vật có nhiều hành động gây cản trở hoạt động quân sự cũng như thường nhật của Hạm đội Biển Đen, từng ra lệnh cấm các cơ quan phản gián Nga hoạt động tại quân cảng Sevastopol và hạn chế quyền đi lại của các phương tiện mang biển quân sự Nga trên toàn bán đảo Crưm (Crimea).

Trong khi đó, cựu Chỉ huy trưởng Hạm đội Biển Đen (hiện là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga), Đô đốc Vladimir Komoedov, bày tỏ sự quan ngại trước việc những người dân tộc chủ nghĩa ở Ukraine lên nắm quyền có thể khiến thỏa thuận cho Nga thuê Hạm đội Biển Đen sẽ bị hủy bỏ. Có thể nói diễn biến hiện nay đang rất bất lợi cho Nga bởi tại phiên họp thứ sáu Ủy ban liên chính phủ Nga-Ukraine (tháng 12/2013), Tổng thống Putin và ông Yanukovych đã ký kết thỏa thuận và giao cho các cơ quan chức năng hai nước thực hiện việc hiện đại hóa vũ khí và thiết bị quân sự tại Hạm đội Biển Đen. Phía Nga cho rằng việc thay thế khí tài ở hạm đội này là nhu cầu cấp thiết nhằm đối phó với các thách thức an ninh trong tình hình mới.

Tuy nhiên, chính các diễn biến mới đây đã khiến mọi công việc triển khai thỏa thuận này gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngay cả thỏa thuận về sự đồn trú của Hạm đội Biển Đen hiện cũng ở trong thế lung lay. Tuy vậy, Đô đốc Vladimir Komoedov cũng lưu ý thêm rằng thỏa thuận trên là văn kiện nhà nước và phù hợp với luật pháp quốc tế. Mặc dù tình hình hiện nay rất phức tạp song ít có khả năng giới lãnh đạo mới ở Ukraine nêu vấn đề này với Moskva vào thời gian tới. Ngay cả khi chính quyền mới ở Kiev nêu vấn đề này thì Moskva chắc chắn sẽ gạt bỏ. Về nguyên tắc, Nga cũng không còn nơi nào khác để di chuyển Hạm đội Biển Đen bởi căn cứ quân sự mới ở vùng Krasnodar hiện mới đang trong giai đoạn xây dựng.

Đồng tình với nhận định đó, Đô đốc Igor Kasatonov, người cũng từng chỉ huy Hạm đội Biển Đen, cho rằng thỏa thuận với Ukraine là văn bản mang tính quốc tế và trong trường hợp phát sinh tranh cãi thì sẽ ưu tiên dùng luật quốc tế để điều chỉnh. Chính quyền mới ở Ukraine cũng sẽ phải ý thức được điều này. Ngoài ra, nước Nga còn nhiều đòn bẩy kinh tế khác để tác động Ukraine và cũng có thể sử dụng các công cụ này để bảo vệ lợi ích ở Hạm đội Biển Đen ngay cả khi một chính phủ thân phương Tây được thành lập ở Ukraine.

Nói cách khác, nếu đụng chạm đến vấn đề này thì cả Ukraine và Nga đều không có lợi. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến một nhân tố nữa là cộng đồng người Krym và Tarta sinh sống trên bán đảo này gần đây thể hiện mong muốn tách ra và sáp nhập vào Nga.



TTK
Ukraine: Quyết định khó khăn của Tổng thống Nga Putin
Ukraine: Quyết định khó khăn của Tổng thống Nga Putin

Tình hình ở Ukraine vẫn còn rất mong manh và đặt ra một vấn đề hóc búa đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin: Nếu những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraina tiếp tục theo đuổi để giành quyền lực, áp lực phải hành động sẽ đặt lên vai của điện Kremlin.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN