"Cuộc chiến khí đốt" lại bùng nổ giữa Nga và Ucraina

"Cuộc chiến khí đốt" lại bùng nổ giữa Nga và Ucraina sau khi chiều 11/1 Kiép tuyên bố năm 2012 sẽ giảm gần gấp đôi số lượng "nhiên liệu xanh" mua của Mátxcơva, từ mức 52 tỷ m3 xuống còn 27 tỷ m3, trong khi đó phía Nga khẳng định phía Ucraina sẽ phải thanh toán tiền của 6 tỷ m3 khí đốt không mua theo thỏa thuận đạt được từ trước giữa hai bên.

Cuộc chiến khí đốt Nga- Ukraine vẫn chưa ngả ngũ


Hợp đồng mua - bán khí đốt ký năm 2009 và có giá trị 10 năm giữa Ucraina và Nga quy định hàng năm Kiép phải trả cho Mátxcơva tối thiểu tiền mua 33 tỷ m3 khí đốt bất kể khối lượng khí đốt nhận được trong năm là bao nhiêu. Trong trường hợp có thay đổi, hai bên phải thông báo cho nhau trước 6 tháng. Cho tới đầu năm nay, lượng khí đốt Ucraina đã nhập từ Nga trung bình lên tới 40 tỷ m3 khí đốt/năm. Đáp lại tuyên bố chiều 11/1 của Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Ucraina, ông Yuri Boiko cho rằng năm 2012 Ucraina chỉ sẽ mua của Nga tổng cộng 27 tỷ m3 khí đốt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghiệp khí đốt Nga Gazprom, ông Aleksey Miller đã lập tức báo cáo tình hình nảy sinh với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Mặc dù nguyên thủ quốc gia Nga nói rằng phía Nga sẽ có giải pháp "văn minh" và theo khuôn khổ hợp đồng đã ký trước tình hình mới này, nhưng ông Miller khẳng định, theo thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên, phía Ucraina sẽ phải trả thêm tiền cho 6 tỷ m3 khí đốt cho dù sẽ chỉ mua 27 tỷ m3 như tuyên bố của Bộ trưởng Boiko.

Phía Ucraina đã giải thích nước này buộc phải giảm lượng khí đốt mua của Nga do giá mua năm nay bị phía Nga quy định quá cao, khoảng 410 USD/nghìn m3. Để so sánh, giá khí đốt mà Nga bán cho Bêlarút năm 2012 là 164 USD/nghìn m3. Phía Nga cam kết sẽ xem xét giảm giá bán khí đốt cho Ucraina với điều kiện Kiép phải giảm giá trị của Hệ thống vận chuyển khí đốt Ucraina (GTS) hiện được xác định ở mức 20 tỷ USD. Mátxcơva coi đây là cái giá "cao ngất ngưởng", chưa kể số tiền khoảng 7 - 8 tỷ euro phải bỏ ra để nâng cấp GTS mà phía Nga cùng với Liên minh châu Âu (EU) muốn tham gia. Ông Miller cũng đòi phía Ucraina phải giảm giá trung chuyển quá cảnh khí đốt của Nga sang châu Âu. Theo ông, năm 2011, Ucraina đã vận chuyển hơn 90 tỷ m3 khí đốt của Nga sang Tây Âu (giảm 5 tỷ m3 so với năm 2010 và chiếm gần 2/3 lượng khí đốt của Gazprom xuất khẩu sang EU). Trong bối cảnh Nga đã khai trương đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc" đi qua Biển Baltic và đang thúc đẩy dự án "Dòng chảy phương Nam" đi qua Biển Đen, Kiép lo ngại lượng khí đốt trung chuyển sang Tây Âu từ Nga qua lãnh thổ Ucraina sẽ giảm đáng kể.

Bộ trưởng Boiko cho biết Ucraina sẽ bị lỗ nếu trung chuyển ít hơn 60 tỷ m3 khí đốt/năm từ Nga sang EU. Trong khi đó, ông Miller quả quyết năm qua Ucraina đã thu khoản lợi nhuận ròng 1,3 tỷ USD nhờ trung chuyển khí đốt từ Nga sang EU.

"Cuộc chiến khí đốt" giữa Nga và Ucraina nảy sinh trong bối cảnh ngày 15/1 tới hai bên dự định bắt đầu vòng đàm phán mới về giá mua - bán nhiên liệu này và triển vọng nâng cấp GTS. Tuy vậy, dư luận đánh giá chưa thấy "chút ánh sáng cuối đường hầm" cho cuộc xung đột này do hai bên vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm của mình trong vấn đề hợp tác liên quan đến khí đốt.

Đình Lanh (P/v TTXVN tại Nga)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN