Cuộc chiến chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ - không nhằm vào IS

Tác giả Szymon Ananicz thuộc Viện nghiên cứu phương Đông Ba Lan đã có bài phân tích về cuộc chiến chống khủng bố hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai chiến dịch chống khủng bố từ ngày 24/7. Chiến dịch này bao gồm các cuộc không kích nhằm vào căn cứ của lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Bắc Syria. Trong khi đó tại Thổ Nhĩ Kỳ có gần một nghìn người đã bị bắt với cáo buộc liên quan đến các tổ chức khủng bố. Phần lớn các đối tượng trong số này bị tình nghi có quan hệ với PKK, số còn lại có quan hệ với IS. Ankara cũng đã cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự Incirlik để triển khai các hoạt động chống IS (các sân bay Batman, Diyarbakır và Malatya cũng sẽ được huy động trong trường hợp đặc biệt). Chiến dịch chống khủng bố này được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ngay sau vụ tấn công khủng bố ngày 20/7 do IS tiến hành tại thành phố Suruc khiến 32 người thiệt mạng và các vụ tấn công của PKK nhằm vào lực lượng quân đội và cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng PKK cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm tiến trình đàm phán hòa bình được triển khai từ năm 2013. PKK đã trả đũa chiến dịch của Ankara bằng việc tăng cường các vụ tấn công khủng bố nhằm vào lực lượng cảnh sát, quân đội và đường ống dẫn khí đốt từ Iran đi qua nước này.


Hiện trường vụ đánh bom liều chết ở Agri, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ do phe PKK tiến hành. Ảnh: AFP/TTXVN


Việc triển khai các cuộc không kích ở Syria và Iraq đã mở ra chương mới trong chính sách đối với khu vực Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ. Những ưu tiên hàng đầu thời gian qua của Ankara là nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, tránh can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria và hỗ trợ các lực lượng đối lập ôn hòa chống lại ông Assad (trong đó có lực lượng Quân đội Syria tự do) nhằm đảm bảo không lực lượng nào chiếm được ưu thế trong cuộc chiến này. Kể từ khi triển khai tiến trình đàm phán hòa bình với lực lượng người Kurd từ đầu năm 2013, Ankara cũng đã không triển khai bất cứ hoạt động quân sự rầm rộ nào nhằm vào PKK.


Tuy nhiên, Ankara đã buộc phải thay đổi bởi nhận thấy chính sách Trung Đông trước đó đã không phát huy được hiệu quả. Trái với mong muốn của Ankara, các tay súng Hồi giáo cực đoan đã không giúp lật đổ được chế độ Assad ở Syria, đồng thời cũng không ngăn chặn được sự tăng cường ảnh hưởng của lực lượng người Kurd có quan hệ với PKK (PYD) ở miền Bắc Syria. Ngược lại, cả hai nhóm này đã trở thành mối đe doạ nghiêm trọng đối với Ankara với hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn hai năm qua và gần đây nhất là các vụ tấn công đẫm máu hồi tháng 7 vừa qua. Trong khi đó, vị thế của người Kurd trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng, đỉnh điểm với việc lần đầu tiên đại diện của người Kurd, Đảng Dân chủ nhân dân (HDP) đã giành quyền tham gia quốc hội khóa mới trong cuộc bầu cử tháng 6/2015.


Chính sách Trung Đông trước đó cũng khiến Ankara bị cô lập trong khu vực và làm căng thẳng mối quan hệ của nước này với đồng minh phương Tây, đồng thời vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của người dân trong nước. Chính sách không rõ ràng đối với IS của Ankara đã tạo điều kiện cho lực lượng này mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về việc Ankara ngấm ngầm hậu thuẫn cho IS. Thổ Nhĩ Kỳ là hành lang quan trọng cho IS trong việc trung chuyển các phần tử thánh chiến sang Syria và tìm kiếm nguồn tài chính thông qua việc buôn lậu dầu mỏ vào thị trường nước này (một trong những nguồn tài chính chủ yếu của IS). Vì vậy, việc triển khai các cuộc tấn công nhằm vào PKK và IS được cho là sẽ giúp Ankara tăng cường vị thế, vai trò ở khu vực, nhất là trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng có nguy cơ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.


Máy bay chiến đấu cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik, ngoại ô thành phố Adana, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, đối với Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch chống khủng bố chỉ là cách thức nhằm đảo ngược những diễn biến bất lợi trong khu vực thời gian qua và trên hết là nỗ lực nhằm củng cố vị trí của đảng này trên chính trường trong nước. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng chiến dịch chống khủng bố nhằm vào PKK sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng của lực lượng người Kurd trên chính trường nước này và tăng cường sự ủng hộ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với AKP. Việc tuyên bố chiến dịch chống IS chỉ là cách đánh lạc hướng dư luận đối với các vụ tấn công nhằm vào căn cứ của lực lượng người Kurd.


Thực tế cho thấy, căn cứ vào mức độ của các hoạt động có thể thấy rằng mục tiêu hàng đầu của Ankara là nhằm vào PKK chứ không phải IS. Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ tiến hành một vài cuộc tấn công nhằm vào IS trong khi đó, trong ba ngày đầu tiên của chiến dịch Ankara đã sử dụng tới 75 máy bay ném bom nhằm vào khoảng 400 mục tiêu của PKK tại miền Bắc Iraq. Hơn nữa, trong số gần một nghìn người bị bắt vì tình nghi có quan hệ với các tổ chức khủng bố đa số bị cáo buộc có quan hệ với PKK. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi các hoạt động của PKK cũng giống như hoạt động khủng bố của IS và kêu gọi đảng HDP cắt đứt quan hệ với lực lượng này. Ngày 28/7 các cơ quan công tố Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cuộc điều tra nhằm vào một số nhân vật chính trong HDP với cáo buộc kích động người dân tham gia vào các hoạt động khủng bố, chống nhà nước khiến cho đảng HDP và các lãnh đạo của đảng này có thể sẽ bị cấm tham gia chính trường. Ankara cũng đang nỗ lực nhằm chia tách mối quan hệ giữa lực lượng người Kurd ở Syria (PYD) với Mỹ.


Cho đến nay các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp nhằm vào IS vẫn còn khá hạn chế. IS sẽ được hưởng lợi nếu PKK suy yếu bởi IS cũng đang chiến đấu với lực lượng người Kurd ở Syria và Iraq. Việc Ankara cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ không quân có lẽ là động thái tác động mạnh nhất, dù là gián tiếp, đối với ảnh hưởng của IS trong khu vực. Điều này sẽ giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa lực lượng không quân của Mỹ với mục tiêu tấn công, giúp nâng cao tỉ lệ thành công của các cuộc không kích (khoảng cách từ Incirlik đến Raqqa, thủ phủ của IS vào khoảng 400 km, trong khi khoảng cách từ các căn cứ không quân của Mỹ ở vùng Vịnh là 1.500 km). Tuy nhiên, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tấn công trực diện vào lực lượng IS ở trong và ngoài lãnh thổ nước này hay không vẫn là một câu hỏi mở. Trên thực tế các phần tử thánh chiến IS có thể di chuyển tự do qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho Ankara dễ bị tổn thương trước các hành động trả đũa của nhóm này. Đây cũng là một trong những lý do khiến Ankara chần chừ trong việc xung đột trực diện với IS. Nhiều khả năng các động thái tiếp theo của Ankara đối với IS sẽ phụ thuộc vào việc liệu các phần tử thánh chiến có tăng cường các hoạt động trên lãnh thổ nước này hay không.


Thỏa thuận với Mỹ sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập “vùng an ninh” ở khu vực phía Bắc Syria, điều mà trước đó Ankara liên tục yêu cầu. Mặc dù không đáp ứng hết kỳ vọng của Ankara mà chỉ giới hạn trong việc thiết lập vùng “không có các phẩn tử IS”, tạo khu vực đồn trú cho các lực lượng đối lập ở Syria trong cuộc chiến chống chính quyền của Tổng thống Assad, song thỏa thuận trên cũng sẽ giúp cho Ankara trong kế hoạch tái định cư phần lớn người tị nạn Syria (khoảng 2 triệu người ở đang cư trú ở Thổ Nhĩ Kỳ) tại khu vực này (nhiều khả năng sẽ là khu vực giữa thị trấn Kobane của người Kurd và Afrin). Đồng thời, việc đẩy các phần tử thánh chiến ra ngoài khu vực an ninh sẽ giúp ổn định biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn chặn sự thống nhất của người Kurd ở phía Bắc Syria.


Việc mở chiến dịch chống khủng bố cũng nhằm giúp AKP tăng cường sự kiểm soát đối với chính trường nước này. Từ sau bầu cử quốc hội đến nay AKP vẫn chưa thể lập được chính phủ liên minh (đây là lần đầu tiên AKP thất bại trong việc giành đa số phiếu tại quốc hội trong vòng 13 năm qua). Việc AKP, đảng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2002, thất bại trong bầu cử chủ yếu là do các cử tri quay sang ủng hộ HDP, đại diện cho người Kurd và MHP của các lực lượng theo xu hướng dân tôc chủ nghĩa. AKP hy vọng rằng những động thái quyết đoán của chính phủ trong việc đối phó với các vụ tấn công do IS và PKK tiến hành sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ hiện tại. AKP cũng đang nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của người Kurd và giành lại sự ủng hộ của lực lượng theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa. Bằng việc nhấn mạnh tới mối đe dọa từ PKK thông qua tuyên truyền và kích động các hoạt động đáp trả của PKK) sẽ khiến cho người dân mất tin tưởng vào HDP, giảm tỉ lệ ủng hộ dối với đảng này. Sau đó, nhiều khả năng AKP sẽ tổ chức bầu cử sớm để tận dụng lợi thế này.


Chính sách hiện nay của Ankara đang thúc đẩy xu hướng cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ và làm gia tăng căng thẳng trong xã hội nước này. Các cuộc biểu tình sẽ xảy ra trên đường phố, các hoạt động bạo lực nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đồng thời, nhiều khả năng xung đột với các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng sẽ gia tăng khiến cho Ankara phải đương đầu với các thách thức nghiêm trọng cả trong nước lẫn trong khu vực.


Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Praha)
Sai lầm chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ?
Sai lầm chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ?

Sau nhiều tháng đắn đo, ngày 23/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập liên minh với Mỹ tiến hành không kích các tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Đây được đánh giá là bước chuyển quan trọng trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN