Công ước Caspi – mô hình mới về giải quyết tranh chấp

Sau hơn hai thập niên thương lượng cam go, cuối cùng lãnh đạo của 5 quốc gia ven biển Caspi gồm Nga, Azerbaijan, Turkmenistan, Kazakhstan và Iran đã ký Công ước về quy chế pháp lý của vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên này tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 vừa diễn ra ở Kazakhstan.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo của 5 quốc gia ven biển Caspi gồm Nga, Azerbaijan, Turkmenistan, Kazakhstan và  Iran đã ký Công ước Caspi. Ảnh: nytimes.com

Trong tuyên bố ngày 14/8, Tổng Thư ký LHQ đã gọi đây là văn kiện lịch sử, là "công cụ quý giá" để giải quyết tranh cãi kéo dài giữa các nước ven biển Caspi, và việc 5 nước đạt được thỏa thuận này là một bước đi có ý nghĩa giúp tháo gỡ căng thẳng trong khu vực, đồng thời là sự khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Đánh giá về Công ước, lãnh đạo cả 5 nước ven biển đều coi đây là một thỏa thuận quốc tế hiện đại và cân bằng, đạt được trên cơ sở thỏa hiệp và tính tới lợi ích của nhau, thay thế cho các thỏa thuận 1921 và 1940 mà Liên Xô trước đây ký với Iran. Quan trọng nhất, Công ước điều chỉnh cụ thể vấn đề phân định ranh giới và ngăn chặn sự hiện diện quân sự của các cường quốc ngoài khu vực tại vùng nước đặc biệt rộng 370.00 km2 này.

Nội dung cơ bản của văn kiện trên liên quan nguyên tắc hợp tác, quy trình xác định ranh giới vùng nước biển Caspi, được xem là đã tạo ra công thức để phân chia nguồn tài nguyên đa dạng ở biển Caspi,  nơi có trữ lượng dầu ước tính lên đến 50 tỷ thùng và khí đốt được thẩm định có đến 300.000 tỷ m3. Theo thỏa thuận, phần mặt nước biển Caspi thuộc quyền sử dụng chung của các bên, có nghĩa là tự do tiếp cận cho tất cả quốc gia ven biển đối với vùng nước ngoài lãnh hải; còn đáy biển và lòng đất bên dưới - nơi giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên - được phân chia để cùng nhau khai thác theo thỏa thuận giữa các bên trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các hoạt động vận tải thủy, đánh bắt hải sản, nghiên cứu khoa học, lắp đặt đường ống dẫn dầu khí... được thực hiện theo các quy tắc được các bên nhất trí. Văn bản cũng quy định khi thực hiện các dự án biển quy mô lớn tại Caspi, bắt buộc phải tính tới yếu tố môi trường.

Việc tạo cho vùng nước này một “quy chế pháp lý đặc biệt” đã mở ra lối thoát mang tính thỏa hiệp cho tranh cãi giữa Iran với 4 nước còn lại thuộc Liên Xô trước đây về việc nên định nghĩa cụ thể vùng nước này là biển hay hồ. Sau khi Liên Xô tan rã, vấn đề khai thác vùng nước này, được điều chỉnh theo các thỏa thuận giữa Liên Xô và Iran, ngày càng nóng bỏng. Tranh cãi giữa 5 nước ven biển không chỉ gây căng thẳng trong quan hệ mà còn cản trở mọi hoạt động hợp tác tại biển Caspi, khiến các công ty dầu mỏ quốc tế, từng đổ xô đến Caspi những năm đầu 1990, phải rút lui.

Từ năm 1996, năm quốc gia trên đã bắt đầu đàm phán về quy chế mới cho vùng nước này. Trên thực tế, vùng nước này là khép kín, không kết nối với đại dương, nên theo cách hiểu thông thường nó không phải là biển. Tuy nhiên, xét về quy mô, đặc tính nước và tầng đáy, cũng không thể coi đây là hồ. Do đó, Công ước về quy chế biển Caspi, dù giữ tên gọi truyền thống là biển Caspi, song định nghĩa đó là "vùng nước được bao quanh bởi lãnh thổ trên bộ của các bên"

Công ước được đánh giá sẽ tạo cơ sở cho hợp tác giữa các nước ven biển Caspi trên tất cả các lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế, giao thông vận tải tới an ninh. Đặc biệt, thỏa thuận này được kỳ vọng giúp duy trì tính đa dạng sinh học của biển Caspi, nơi tập trung 90% trữ lượng loài cá tầm trên thế giới. Một điểm đáng chú ý nữa, Công ước Caspi cũng mở ra cơ hội hợp tác giải quyết vấn đề ô nhiễm do khai thác dầu và các ngành công nghiệp khác tại đây.

Một nội dung quan trọng khác của Công ước Caspi là biến vùng biển này thành một khu vực phi quân sự, theo đó không cho phép các cường quốc bên ngoài thiết lập sự hiện diện quân sự tại đây, đồng thời xác định trách nhiệm của 5 nước ven biển trong duy trì an ninh và quản lý nguồn tài nguyên biển Caspi. Với nội dung này, Công ước đã củng cố các nguyên tắc phối hợp quân sự-chính trị giữa các nước ven biển, bảo đảm biển Caspi chỉ được khai thác cho mục đích hòa bình và ngăn chặn sự hiện diện quân sự của các nước ngoài khu vực. Nội dung này khiến Công ước Caspi mang ý nghĩa thời đại: giảm căng thẳng và tránh nguy cơ đụng độ trên biển.

Trước đây, chính sự giàu có về tài nguyên ở Caspi đã khiến vùng biển này trở thành một trung tâm tranh chấp. Thậm chí các tàu chiến đã được triển khai để đe dọa các nhà thầu mà các quốc gia đối thủ thuê. Quy chế mới phi quân sự sẽ giúp tăng cường an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án khai thác chung tại vùng biển này. Bên cạnh đó, công ước cũng xác định những nội dung cụ thể về ngăn chặn khủng bố, buôn lậu, buôn bán vũ khí và ma túy trái phép. Trên cơ sở Công ước, theo đề xuất của Tổng thống Kazakhstan, 5 nước ven biển sẽ tiến tới ký hiệp định về các biện pháp tin cậy liên quan hoạt động quân sự tại biển Caspi.

Việc đạt thỏa thuận về quy chế biển Caspi cũng được coi là bằng chứng cho thấy các bên có thể giải quyết những tranh chấp dai dẳng thông qua con đường đàm phán trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau, hợp tác và bình đẳng. Đây có thể là mô hình để các bên có tranh chấp phối hợp hoạt động nhằm bảo đảm lợi ích chung, trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay

Đánh giá về văn kiện quan trọng vừa được ký kết, Trưởng ban Trung Á và Kazakhstan của Viện SNG Andrei Grozin khẳng định Công ước về quy chế biển Caspi sẽ góp phần vào sự phát triển của nền ngoại giao quốc tế hiện đại. Theo ông Grozin, những vấn đề phức tạp và kéo dài, chứa những nguy cơ tiềm tàng trong một phần tư thế kỷ qua, đã được giải quyết bằng ngoại giao đa phương, “tạo cơ sở nền tảng để giải quyết các vấn đề khác”.

Tuy nhiên, ông Grozin cũng nhấn mạnh không nên cho rằng công ước này có thể giải quyết tất cả các vấn đề. Trên thực tế, văn kiện trên mới chỉ nhất trí về nguyên tắc việc cùng nhau chia sẻ tài nguyên Caspi, nhưng một yếu tố quan trọng là ranh giới đáy biển vẫn chưa được đàm phán. Và không thể quên rằng câu hỏi về biên giới biển vẫn còn bỏ ngỏ và có thể “nóng” trở lại vào bất cứ lúc nào. Hàng loạt vấn đề sẽ phải được đề cập trong các hiệp định bổ sung, mà để giải quyết thì lãnh đạo 5 nước ven biển cũng đã nhất chí thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên về chủ đề biển Caspi. Đây sẽ là nguyên tắc hợp tác tiếp theo nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề Caspi.

Dù chỉ là bước khởi đầu và còn nhiều việc phải làm, song Công ước về quy chế biển Caspi rõ ràng đã tạo ra một nền tảng pháp lý quan trọng cho hợp tác và an ninh khu vực. Đặc biệt, đây là tiền đề mang tính quyết định để thực hiện mục tiêu từng được các nước ven biển Caspi nhất trí, là biến Caspi trở thành khu vực hòa bình, láng giềng thân thiện và hữu nghị.

Bạch Dương (TTXVN)
Tổng thống 5 nước sẽ ký Công ước về quy chế pháp lý mới của biển Caspi
Tổng thống 5 nước sẽ ký Công ước về quy chế pháp lý mới của biển Caspi

Trong Hội nghị thượng đỉnh vùng Caspi lần thứ 5, dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay (12/8) tại thành phố Aktau của Kazakhstan, Tổng thống năm nước tham dự - gồm Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan - sẽ ký Công ước về quy chế pháp lý mới của biển Caspi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN