Công nghệ đồng hành cùng người cao tuổi

Khi ông nội qua đời vì bệnh ung thư đúng thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành tại Mỹ, Katie Reed, kỹ sư quản lý tại một công ty khởi nghiệp công nghệ, đã tới ở cùng bà nội với mong muốn cùng bà vượt qua thời gian đầu thiếu vắng ông.

Chú thích ảnh
Công nghệ đồng hành cùng người cao tuổi. Ảnh minh họa: theguardian.com

Hiểu rằng việc không ngừng rèn luyện sức khỏe là rất quan trọng với bà nội nhưng vì dịch bệnh khó có thể ra ngoài nên Reed đã nghĩ ra ý tưởng tìm kiếm các chương trình hướng dẫn tập luyện trực tuyến. Cô nhanh chóng phát hiện ra rằng những ứng dụng này phù hợp với những người trẻ tuổi hơn là người cao tuổi. Nhận thấy bà nội phải ở trong nhà vì dịch bệnh và có nguy cơ “lão hóa tại chỗ” vốn không mang lại những cảm xúc tích cực, Reed đã tìm mọi cách để giúp bà có một quá trình lão hóa lành mạnh hơn.

Sau cuộc trao đổi với đồng nghiệp Kelly Froelich và biết được cô bạn này đang hướng dẫn ông bà mình tập cardio boxing qua Facetime, trong đầu Reed đã lóe lên ý tưởng về ứng dụng có tên gọi là Balanced, giúp đưa các bài tập về tận nhà cho những người cao tuổi đang mắc kẹt vì dịch bệnh. Không những vậy, nền tảng còn xây dựng các bài tập phù hợp với nhu cầu của lứa tuổi này, tùy theo thể trạng của mỗi người.

Điều đáng khích lệ là Reed không hề đơn độc trên con đường thực hiện ý tưởng này. Ở cấp độ rộng hơn,  Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) cũng nhận thấy rõ vai trò của công nghệ viễn thông và thông tin trong đảm bảo một xã hội lão hóa lành mạnh, từ đó lựa chọn chủ đề cho Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới (17/5) năm nay là “Công nghệ số hóa cho người cao tuổi và quá trình lão hóa lành mạnh” (Digital technologies for older persons anh healthy aging). Chủ đề trên được ITU đưa ra trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng già đi, định hình xu hướng nhân khẩu học của thế kỷ 21.

Theo Vụ Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc (UN DESA), trên phạm vi toàn cầu, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 703 triệu người năm 2019 lên mức 1,5 tỷ người vào năm 2050. Nhiều quốc gia đang phát triển, với dân số khá trẻ, cũng ghi nhận tuổi thọ trung bình tăng, số người cao tuổi nhiều hơn, sống thọ hơn. Số người từ 80 tuổi trở lên cũng được dự báo tăng gấp 3 trong 30 năm tới, theo đó đến năm 2050, cứ 6 người trên thế giới thì lại có 1 người trên 65 tuổi. Đây chính là lý do LHQ phát động Chương trình Thập kỷ lão hóa lành mạnh trong giai đoạn 2020-2030.

Dù vậy, hầu hết các xã hội vẫn chưa khai phá được cơ hội từ xu hướng già hóa dân số. Tỷ lệ người cao tuổi không được tiếp cận Internet và các dịch vụ công nghệ số trên thế giới còn cao dù các công nghệ này được tin là có vai trò nhất định trong việc giúp dân số thế giới lão hóa một cách lành mạnh, xây dựng những xã hội thông minh hơn và toàn diện hơn. Do đó, chủ đề của Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới năm 2022 sẽ giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các công nghệ viễn thông và thông tin trong thực hiện các mục tiêu trên. Với chủ đề này, ITU hy vọng sẽ thúc đẩy các sáng kiến để tăng cường sử dụng các công nghệ số trong nhóm người cao tuổi, đóng góp cho Chương trình Thập kỷ lão hóa lành mạnh của LHQ.

Theo ITU, việc ứng dụng các công nghệ viễn thông và thông tin có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một quá trình lão hóa lành mạnh, giúp người dân sống thọ hơn với một cuộc sống chất lượng cao hơn. Khi ngày càng nhiều thiết bị kỹ thuật số được phát triển để phục vụ đời sống và hoạt động kinh doanh, công nghệ số cũng đã trở thành công cụ quan trọng trong các chiến lược ngăn chặn và điều trị dịch bệnh như các thiết bị đeo tay liên tục cung cấp các thông tin theo dõi sức khỏe và cảnh báo nguy cơ trong các hoạt động thường nhật.

Trên thực tế, trong thời gian COVID-19 hoành hành, công nghệ viễn thông và thông tin đã được ứng dụng sâu rộng hơn trong lĩnh vực y tế, ở cả trong và ngoài các bệnh viện, các phòng khám thông qua các nền tảng y tế điện tử. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mọi dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin cho mục đích y tế đều được coi là y tế điện tử. ITU coi y tế điện tử là một khía cạnh cốt lõi của quá trình chuyển đổi số bền vững trong lĩnh vực kinh tế và xã hội toàn cầu, chú trọng nghiên cứu và triển khai các sáng kiến nhằm củng cố y tế điện tử, đảm bảo ngày càng nhiều người cao tuổi có thể tiếp cận các dịch vụ này. Mục tiêu là cải thiện năng lực y tế điện tử phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững thứ ba của LHQ về y tế và phúc lợi và hỗ trợ người dân cũng như các cộng đồng đạt mục tiêu bền vững về lão hóa lành mạnh. LHQ và các tổ chức quốc tế đang phát động cuộc đua nhằm phổ biến rộng rãi vai trò của công nghệ số trong hỗ trợ đảm bảo xã hội lão hóa lành mạnh, thích ứng tốt hơn khi thế giới có ngày càng nhiều người cao tuổi.

Công nghệ số có thể hỗ trợ quá trình lão hóa lành mạnh theo nhiều cách. Thứ nhất, nâng cao khả năng ngăn chặn bệnh tật, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho mọi lứa tuổi thông qua các ứng dụng và thiết bị giám sát, cảnh báo liên tục như thiết bị cảm ứng, thiết bị đeo tay, điện thoại di động… Thứ hai, cung cấp cho bệnh nhân những thông tin sức khỏe và dịch vụ chăm sóc y tế, quản lý và tư vấn như những công cụ nhằm thiết lập và vận hành những hệ thống chăm sóc y tế đáng tin cậy hơn, cải thiện dịch vụ điều trị và tăng tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Thứ ba, bổ sung thông tin cho các cơ sở dữ liệu y tế, đảm bảo phân tích, chẩn đoán và dự báo các vấn đề sức khỏe ngày càng chính xác hơn, nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (bigdata), các mô hình thực tế ảo…Việc cải thiện khả năng tiếp cập công nghệ viễn thông và thông tin đảm bảo mọi người dân bất kể tuổi tác, giới tính và năng lực đều có thể tiếp cận công bằng và tận dụng các công nghệ này. Đặc biệt trong đại dịch, các công nghệ số là chìa khóa giúp xóa bỏ cảm giác cô lập và đơn độc ở những người cao tuổi bị gián đoạn tiếp xúc với bạn bè và gia đình. Các công nghệ tiên tiến cũng mang lại giải pháp khắc phục những vấn đề tuổi tác như suy giảm thị lực hay thính lực.

Tuy nhiên, quá trình phổ biến công nghệ viễn thông và thông tin cho người cao tuổi vì một quá trình lão hóa lành mạnh cũng có rất nhiều thách thức. Thứ nhất là khả năng tiếp cận kỹ thuật số không đồng đều, trong đó những người cao tuổi ở vùng nông thôn hay vùng hẻo lánh ít cơ hội tiếp cận hơn. Tình trạng phân biệt tuổi tác ở nơi làm việc và các hệ thống tài chính số hóa chưa chú trọng tới nhóm khách hàng cao tuổi đang gây ra những thách thức khiến nhóm tuổi này không được hưởng lợi đầy đủ từ quá trình chuyển đổi số. Các dịch vụ y tế trực tuyến, vốn là công cụ quan trọng giúp người dân ở vùng ngoại ô hay nông thôn cũng có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc chất lượng, góp phần giảm thiểu tình trạng gián đoạn vì hạn chế tiếp xúc trực tiếp thời đại dịch, thời gian qua vẫn ghi nhận tỷ lệ lớn người sử dụng là nhóm được đào tạo về công nghệ, nhóm người trẻ chưa cần tới những dịch vụ y tế nhiều như nhóm cao tuổi hơn. 

Tại Việt Nam, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở tháng 4/2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Với tốc độ già hóa dân số nhanh hiện nay, chính phủ xác định việc tận dụng tiềm năng, lợi thế của người cao tuổi có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, sự bền vững của gia đình, bảo đảm quyền của người cao tuổi, trong đó có quyền tiếp cận Internet, các dịch vụ y tế điện tử. Năm 2021, “S-Health” - ứng dụng di động đầu tiên cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi, người chăm sóc và người thân trong gia đình, đã được ra mắt.

Có thể thấy, trong thời đại chuyển giao công nghệ, việc dựa trên các công nghệ thông tin và viễn thông để hỗ trợ người cao tuổi duy trì cuộc sống lành mạnh, kết nối với thế giới và độc lập cả về thể chất, tinh thần và tài chính là một trụ cột quan trọng trong thực hiện mục tiêu Thập kỷ lão hóa lành mạnh của LHQ. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để có được các hệ thống kinh tế và y tế bền vững, như khẳng định của Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao: “Việc đảm bảo tiếp cận công bằng với các công nghệ số hóa không chỉ là một trách nhiệm đạo đức mà còn là yếu tố cốt yếu cho sự thịnh vượng và bền vững toàn cầu”.

Lê Ánh (TTXVN)
Tạo mọi điều kiện để người cao tuổi được sống vui, khỏe, tăng tuổi thọ
Tạo mọi điều kiện để người cao tuổi được sống vui, khỏe, tăng tuổi thọ

Ngày 7/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; hưởng ứng bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt các đại biểu về dự Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam; Nghị quyết Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN