Sau sự kiện lịch sử này, có thể nói tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt, từ đối đầu và căng thẳng lên đến đỉnh điểm mà chỉ cần một tính toán sai lầm của bất kỳ bên nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh, sang bầu không khí hòa hoãn, thân thiện với nhiều hoạt động giao lưu ở nhiều cấp, thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại, hướng tới một nền hòa bình dài lâu và cùng thịnh vượng chung.
Tuy nhiên, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong nhiều thập niên qua rõ ràng quá phức tạp và khó khăn với những rào cản lớn từ cả bên trong lẫn bên ngoài, nên dù các bên đã rất nỗ lực tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao sau hội nghị này, song cho đến nay, con đường hòa bình Panmunjom vẫn chưa tới được điểm cuối.
Sự kiện lịch sử ngày 27/4/2018 đã kết thúc thành công ngoài mong đợi với việc hai bên ký Tuyên bố chung Panmunjom vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, trong đó khẳng định các cam kết hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tạo dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác giữa hai miền. Quan trọng hơn, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều này đã mở đường cho một chương mới trong lịch sử thế giới, tạo tiền đề quan trọng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử ngày 12/6/2018 tại Singapore, tạo nền tảng hướng tới giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Đối với quan hệ liên Triều, cuộc gặp thượng đỉnh này mở ra giai đoạn mới, hai bên nỗ lực cải thiện mối quan hệ cũng như giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt tại Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền. Mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa hai miền đã được nâng lên đáng kể khi các thỏa thuận trong tuyên bố Panmunjom từng bước được thực hiện. Trong năm 2018, hai nhà lãnh đạo đã gặp thêm 2 lần nữa. Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra sau đó 1 tháng và cuộc gặp lần thứ ba tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 với việc ký bản tuyên bố chung và vạch ra một “bản đồ kinh tế mới” cho bán đảo Triều Tiên, thực sự đã đưa quan hệ hai miền đi vào lộ trình hòa bình.
Thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh này, Triều Tiên và Hàn Quốc đã trao đổi nhiều vấn đề về phi hạt nhân hóa, kinh tế, đoàn tụ gia đình ly tán, xây dựng tuyến đường sắt liên Triều, nối lại hoạt động tới khu du lịch núi Kumcang… Triều Tiên cũng đã nhất trí tiến hành cuộc gặp liên quốc hội giữa hai miền như một hành động thể hiện thiện chí.
Một bước tiến nữa trong quan hệ liên Triều sau cuộc gặp thượng đỉnh Panmunjom là tại cuộc đối thoại ngày 15/10/2018, các quan chức cấp cao hai miền đã nhất trí những bước đi cụ thể trong nỗ lực làm mới quan hệ hợp tác liên Triều. Về kinh tế, hai bên nhất trí bắt đầu điều tra thực địa tuyến đường sắt Gyeongi từ cuối tháng 10/2018 và tuyến đường sắt dọc bờ biển phía Đông từ đầu tháng 11/2018, nhằm kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt và đường bộ dọc biển phía Đông và dọc biển phía Tây. Về quân sự, một loạt cuộc hội đàm, đối thoại giữa hai miền,bao gồm hội đàm quân sự cấp tướng được ấn định để thảo luận việc chấm dứt quan hệ thù địch ở các khu vực có sự đối đầu. Các dự án hợp tác y tế, văn hóa, thể thao tiếp tục được xúc tiến, cùng với một loạt đề xuất nhằm giải quyết vấn đề các gia đình bị ly tán.
Đối với việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018 đã trở thành đòn bẩy ngoại giao để Triều Tiên và Mỹ có thể ngồi vào bàn đối thoại với nhau, mở ra tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều, mà quan trọng nhất là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đầu tiên ở Singapore tháng 6 năm đó, tiếp theo là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 2/2019. Bên cạnh đó, trong các cuộc thảo luận liên Triều, hai bên đã có sự trao đổi rất nghiêm túc về vấn đề phi hạt nhân hóa. Không ít những cam kết của Triều Tiên được đưa ra sau các cuộc đàm phán giữa hai miền.
Đơn cử như tháng 9/2018, khi tiến trình đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu đình trệ, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần ba được đánh giá “đã thổi một luồng sinh khí” mới nhằm đưa mọi việc quay trở lại quỹ đạo. Nhà lãnh đạo Triều Tiên sau đó đã nhất trí phá hủy cơ sở thử động cơ và bãi phóng tên lửa ở khu vực thử tên lửa Dongchang-ri (còn được biết với cái tên bãi thử Seohae) gần biên giới với Trung Quốc dưới sự giám sát của các quan sát viên quốc tế. Ông Kim Jong-un cũng bày tỏ Triều Tiên sẵn sàng có thêm các động thái, trong đó có việc phá bỏ tổ hợp hạt nhân ở Yongbyon nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có “các bước đi đáp lại" theo thỏa thuận đạt được ngày 12/6 ở Singapore.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn “giậm chân tại chỗ” trong khi quan hệ liên Triều chủ yếu chỉ cải thiện trên “giấy tờ” chứ chưa có bước tiến thực chất, mang lại lợi ích cho hai bên như người dân hai miền và thế giới chờ mong. Một trong những trở ngại chính đối với việc thực hiện các thỏa thuận liên Triều là các lệnh trừng phạt quốc tế và đơn phương của Mỹ đối với Triều Tiên, khiến Hàn Quốc không thể đơn phương tái khởi động các dự án hợp tác kinh tế liên Triều. Sự "lệch pha" giữa Mỹ và Triều Tiên trong trình tự phi hạt nhân hóa khiến Washinhton nhất quyết không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho tới khi Bình Nhưỡng có những bước đi phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Mặt khác, đối với Hàn Quốc, Mỹ vẫn là đồng minh chủ chốt và “nhà bảo trợ” an ninh chính. Triều Tiên không ít lần chỉ trích Hàn Quốc về các thương vụ mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35A của Washington và duy trì tập trận chung Hàn-Mỹ, động thái luôn bị Bình Nhưỡng coi là “các cuộc tập dượt để tấn công Triều Tiên”. Bình Nhưỡng tuyên bố “không thể vừa cải thiện quan hệ, vừa tiếp tục các hành vi quân sự thù địch”.
Bất đồng không được giải quyết và tình trạng thiếu lòng tin, cùng với căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, khiến quan hệ liên Triều năm 2019 gần như rơi vào trạng thái “đóng băng”. Các dự án hợp tác kinh tế liên Triều, vốn là động lực để hai bên thúc đẩy quan hệ, cũng bị đình trệ. Triều Tiên nối lại các vụ thử vũ khí vào cuối năm ngoái và đầu năm nay. Về phần Hàn Quốc, trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, lại rơi vào căng thẳng thương mại với Nhật Bản, tiếp đó phải đối phó với đại dịch COVID-19 suốt gần 3 tháng nay, hầu như không thể triển khai các bước đi cụ thể nhằm khai thông bế tắc.
Trong bài phát biểu ngày 27/4 năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố chính phủ của ông sẽ thúc đẩy hợp tác một cách thực tiễn và thiết thực với Triều Tiên, nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chung giữa hai miền về một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng và thống nhất. Từ khi lên nắm quyền, ông Moon Jae-in vẫn tỏ rõ kiên định với đường lối cải thiện quan hệ liên Triều để thúc đẩy kinh tế hai miền và thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh hiện nay, Hàn Quốc đang kêu gọi hợp tác chặt chẽ với Triều Tiên chống dịch COVID-19, coi đây là bước đi “mở cửa” khai thông các dự án liên Triều đang còn dang dở. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực, song việc đưa lộ trình hòa bình Panmunjom đi tới đích còn phụ thuộc nhiều vào lòng tin, tầm nhìn và sự quyết tâm hành động của giới lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như vai trò của các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ.