Mức độ gay gắt và trực diện của đợt áp thuế lần này có thể tiếp tục châm ngòi cho những biện pháp “ăn miếng trả miếng” quyết liệt hơn nữa, khiến xung đột thương mại dai dẳng suốt một năm qua giữa hai nước càng đi vào ngõ hẹp.
Kể từ 11h01 ngày 1/9 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ bắt đầu thu thuế ở mức 15% đối với số hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá ước tính 112 tỷ USD, tức là mức thuế đã được điều chỉnh tăng thêm 5% như tuyên bố mới nhất ngày 24/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump để trả đũa việc Bắc Kinh công bố đánh thuế vào hàng hóa Mỹ. Đây là lô đầu tiên trong kế hoạch áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc mà ông chủ Nhà Trắng công bố tròn một tháng trước. Lô hàng còn lại trị giá 160 tỷ USD trong kế hoạch này sẽ bị đánh mức thuế tương tự kể từ ngày 15/12. Quyết định tăng thuế, cùng với nhiều biện pháp cứng rắn khác, trong đó có việc đưa Trung Quốc vào danh sách mà Washington coi là “thao túng tiền tệ”, được coi là những “ngón đòn” dồn dập của Tổng thống Trump để gây sức ép buộc Bắc Kinh nhượng bộ.
Trung Quốc cũng bắt đầu áp thuế 5%-10% đối với nhiều mặt hàng của Mỹ, đặc biệt sản phẩm dầu thô Mỹ lần đầu tiên bị nhắm đến kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nổ ra hơn một năm trước. Trong đợt áp thuế có hiệu lực ngày 15/12, Trung Quốc thu thuế 15% đối với điện thoại di động - mặt hàng giá trị lớn nhất mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo của Mỹ.
Trung Quốc cũng khôi phục mức thuế 25% nhằm vào xe hơi Mỹ, biện pháp sẽ giáng mạnh và các doanh nghiệp ô tô Mỹ khi năm ngoái, General Motors bán được 3,64 triệu ôtô tại Trung Quốc, chiếm hơn 43% doanh số toàn cầu của hãng này. Kế hoạch áp thuế bổ sung với lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 75 tỷ USD này được Trung Quốc công bố ngày 23/8, với lý do “Bắc Kinh buộc phải phản ứng trước chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Washington”.
Hiện còn quá sớm để đánh giá những tác động của đợt đáp trả thuế quan mới nhất này, tuy nhiên khả năng nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ bị “phản đòn” đã được nói tới. Chuyên gia Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở Washington, cảnh báo cạnh tranh thương mại có thể làm giảm mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tiềm tàng của Mỹ gần 1% trong ngắn hạn, còn Trung Quốc là 5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại và có thể suy giảm mạnh.
Đối với Mỹ, nếu như vòng áp thuế trước chủ yếu nhắm vào nông sản khiến nông dân lao đao, thì vòng áp thuế này đánh vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà đối tượng chịu tác động mạnh hơn cả là người tiêu dùng. Cụ thể, mức thuế mới sẽ được áp dụng đối với một loạt sản phẩm, từ loa thông minh, tai nghe bluetooth, tivi màn hình phẳng, thực phẩm đến các thiết bị thể thao và đồ nội thất. Riêng hàng may mặc, da giày và dệt may, Hiệp hội May mặc và Da giày Mỹ (AAFA) ước tính gần 80% mặt hàng này vào Mỹ là từ Trung Quốc....
Các hộ gia đình Mỹ sẽ phải lần đầu tiên đối mặt với vật giá leo thang kể từ khi ông Trump khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Chuyên gia Chad Bown (Chát Bâu) thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định với kế hoạch áp thuế mới của Mỹ, 69% số hàng tiêu dùng xuất xứ từ Trung Quốc mà người Mỹ mua sẽ phải chịu mức áp thuế nhập khẩu cao hơn, so với con số 29% trước đây. Theo Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ, kế hoạch áp thêm thuế trên sẽ làm giá bán lẻ điện thoại tại nước này tăng trung bình 70 USD, máy tính xách tay tăng 120 USD, còn máy chơi game tăng 56 USD. Đáng ngại hơn, sau khi vòng áp thuế ngày 15/12 có hiệu lực, gần 99% số hàng hóa “Made in China” bán tại Mỹ sẽ bị áp thuế cao dẫn tới đội giá. Tình cảnh sẽ khó khăn hơn khi nước Mỹ chuẩn bị bước vào dịp mua sắm cho Giáng sinh, mùa mua sắm lớn nhất trong năm.
Theo ước tính của Liên minh quốc gia những người đóng thuế Mỹ (NTU), mức thuế mới cũng sẽ khiến một hộ gia đình tại Mỹ phải trả thêm trung bình 621 USD tiền thuế mỗi năm. Công ty J.P. Morgan (Mỹ) thì đánh giá đợt thuế quan mới nhất của Washington sẽ khiến các hộ gia đình Mỹ thiệt hại trung bình 1.000 USD/năm. Những người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, do giá tiêu dùng tăng cao có thể khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu hoặc chật vật thanh toán hóa đơn.
Không chỉ đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng, việc áp thuế ngày 1/9 cũng khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ khốn đốn. Một cuộc khảo sát các công ty Mỹ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc cho thấy có đến 81% các công ty cho biết leo thang căng thẳng thương mại đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, tăng 8 điểm phần trăm so với năm 2018. Trong khi đó, gần 40% số người được khảo sát cho biết họ bị mất doanh số bởi những lo ngại của các đối tác Trung Quốc về việc làm ăn kinh doanh với các công ty Mỹ, tăng gấp 7 lần so với năm ngoái. Hơn 160 tập đoàn công nghiệp Mỹ đã chỉ trích tình trạng leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nước hiện nay.
Về phía Trung Quốc, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục có dấu hiệu chậm lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã giảm từ 49,7 trong tháng 7 xuống còn 49,5 trong tháng 8, cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp và đây là tháng thứ tư liên tiếp hoạt động sản xuất tại Trung Quốc suy yếu. Đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tiếp tục giảm tháng thứ 15 liên tiếp. Ngoài ra, tăng trưởng GDP của nước này trong quý II chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua. Do không xuất khẩu được sang Mỹ, sản xuất trong nước lại quá tải nghiêm trọng khiến Trung Quốc đang phải ráo riết tìm nơi tiêu thụ số lượng hàng hóa dư thừa hằng năm lên đến gần 1.000 tỷ USD.
Các tập đoàn nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đang tìm cách dời hoạt động sản xuất đi nơi khác để tránh cuộc chiến thương mại dai dẳng. Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc và Thượng Hải cho thấy 40% số người được hỏi đang xem xét chuyển đổi hoặc đã chuyển cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.
Những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng khiến triển vọng nền kinh tế thế giới thêm u ám, trong bối cảnh tăng trưởng đang chững lại và khả năng rơi vào suy thoái ngày càng lộ rõ. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cho biết thương mại toàn cầu trong quý đầu năm 2019 giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2012 và nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ hứng chịu những rủi ro khó lường nếu có “bão” thuế quan tiếp diễn.
Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc đã không ngừng phát đi tín hiệu sẽ nối lại đàm phán tại Washington trong tháng 9 này, mặc dù thời gian cụ thể vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, “cơn bão” thuế quan mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho có thể kéo theo những ẩn họa khó lường, khiến khả năng đạt thỏa thuận thương mại không mấy sáng sủa.