Chiến dịch tấn công ban đầu do Mỹ chỉ huy mang tên "Bình minh Odyssey", sau đó chuyển giao cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với một tên gọi mới là “Người bảo vệ thống nhất” kéo dài suốt 7 tháng, đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị tại Libya.
Sau 10 năm, một chính phủ chuyển tiếp mới được thành lập ở Libya vừa tuyên thệ nhậm chức với nhiệm vụ chuẩn bị cho các cuộc bầu cử toàn quốc, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Diễn biến tích cực này được coi là tín hiệu của hòa giải và đoàn kết ở Libya, song liệu đây đã thực sự là cơ hội để quốc gia Bắc Phi thoát khỏi một thập niên chìm trong hỗn loạn và xung đột sau chính biến năm 2011?
Đầu năm 2011, làn sóng “Mùa xuân Arab” vốn diễn ra ở khắp khu vực Trung Đông - Bắc Phi cũng đã tràn vào Libya với các cuộc biểu tình lan rộng tại thủ đô Tripoli và các thành phố Benghazi, Misrata... đòi nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi từ chức, kéo theo một loạt vụ đụng độ giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập. Trong bối cảnh đó, chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây được coi là “sự hậu thuẫn” đối với phe đối lập Libya, dẫn đến chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi bị lật đổ. Khi tuyên bố kết thúc chiến dịch vào ngày 31/10/2011, các lực lượng của NATO đã thực hiện 26.000 chuyến bay oanh kích Libya trong vòng 7 tháng. Tuy nhiên, chiến dịch can thiệp quân sự tại Libya khi đó cũng vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới khi gây thương vong cho dân thường và tàn phá nặng nề đất nước Bắc Phi.
Điều đáng nói hơn, sau cuộc chính biến năm 2011, Libya chưa thực sự có một ngày bình yên. Nói cách khác, Libya đã trở thành một trong những điểm nóng xung đột khó hàn gắn và phức tạp nhất hậu làn sóng “Mùa xuân Arab”. Tình trạng tranh giành quyền lực, xung đột phe phái kéo dài kèm theo sự can dự của nhiều bên liên quan đã biến đất nước giàu dầu mỏ này trở thành một “đấu trường quốc tế” của các thế lực bên ngoài.
Đất nước Libya sau năm 2011 bị chia cắt và chìm trong cảnh hỗn loạn kéo dài cho đến nay, trở thành “thiên đường” cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan và các nhóm vũ trang hoành hành, trong đó có tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Cũng chính vì tình trạng “vô chính phủ”, Libya đã trở thành cửa ngõ để hàng triệu người di cư và tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi ùa tới, vượt Địa Trung Hải vào châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại “lục địa già” kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Từ năm 2014, tại Libya tồn tại song song hai chính quyền, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj ở thủ đô Tripoli, được sự ủng hộ của Liên hợp quốc (LHQ) và một số nước khu vực, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Trong khi đó, lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar, vốn hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông, được Pháp, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và một số nước ủng hộ. Cuộc tranh giành quyền lực giữa LNA và GNA diễn ra căng thẳng, trở nên phức tạp khi mang màu sắc của một “cuộc chiến ủy nhiệm”, nhiều lần dẫn tới các cuộc đụng độ và tấn công vũ trang lớn.
Đầu tháng 4/2019, LNA đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli thuộc quyền kiểm soát của GNA. Giao tranh đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hơn 400.000 người bị mất nhà cửa. Dù GNA và LNA đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của LHQ ngày 23/10/2020, song tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn tại quốc gia này.
Thực tế cho thấy suốt 10 năm qua, Libya đã trở thành “sàn đấu quốc tế” và cuộc xung đột Libya không thể kết thúc hoàn toàn trong phạm vi đường biên giới của nước này. Sự ổn định của Libya hiện phụ thuộc vào quá nhiều bên có lợi ích đan xen phức tạp, thậm chí trái ngược nhau. Những tác nhân bên ngoài đã làm trầm trọng các vấn đề của Libya bằng cách “bơm” tiền và vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm.
Các nước can thiệp vào Libya xuất phát từ những lợi ích kinh tế, chính trị và vị trí địa - chính trị quan trọng của quốc gia này. Libya là đất nước có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào, nhất là dầu mỏ, với trữ lượng lên tới hơn 48 tỷ thùng, sản lượng khoảng 1,65 triệu thùng/ngày, là một trong 10 quốc gia đứng đầu thế giới về dầu mỏ. Mặt khác, Libya còn nằm ở khu vực Bắc Phi, bên bờ Địa Trung Hải, một vị trí không chỉ mang tính chiến lược quan trọng ở Trung Đông - Bắc Phi mà còn đối với cả châu Âu.
Chính vì thế, việc các bên đối địch ở Libya tham gia vòng đàm phán do LHQ bảo trợ và nhất trí thành lập Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNU), thay thế cho hai chính quyền hiện nay để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào cuối năm 2021 đã hé mở con đường tiến tới hòa bình và ổn định tại quốc gia này. GNU với sứ mệnh hàn gắn sự chia rẽ, thống nhất đất nước và quan trọng hơn là có thể mang lại nền hòa bình và ổn định lâu dài cho đất nước bị chiến tranh, xung đột tàn phá này. Đây thực sự là một bước tiến quan trọng nhằm tiến tới ổn định cho Libya.
Tuy nhiên, để thực hiện hòa giải dân tộc tại Libya thực sự còn nhiều thách thức và vướng mắc cần tháo gỡ, từ những mâu thuẫn phe phái, sự can thiệp từ bên ngoài, các mối đe dọa khủng bố, cực đoan…
Sau khi nhậm chức ngày 16/3 vừa qua, GNU phải nhanh chóng triển khai giải quyết những thách thức kinh tế-xã hội mà người dân Libya đang phải đối mặt, nâng cao điều kiện sống và các dịch vụ cơ bản cũng như chuẩn bị cho các cuộc bầu cử toàn quốc, dự kiến sẽ diễn ra ngày 24/12 tới. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, chính phủ lâm thời phải hoàn toàn ủng hộ việc ngừng bắn, giữ nguyên ngày bầu cử và khởi động một quá trình hòa giải dân tộc toàn diện. Giới chuyên gia nhận định 10 tháng là thời gian có thể quá ngắn để chính phủ lâm thời Libya tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội đúng thời hạn, nhất là khi phần lớn thành viên GNU không có ảnh hưởng thực sự ở Libya, chủ yếu chịu sự chi phối và được sự ủng hộ của bên ngoài.
Việc thống nhất thể chế quân đội cũng sẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất và có thể cần thời gian lâu hơn. Thứ ba là việc các phe phái sẽ cạnh tranh để nắm các vị trí quyền lực trong quốc hội, chính phủ. Trong khi đó, tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn khi chính quyền chưa thể kiểm soát các nhóm vũ trang trên khắp đất nước. Vụ ám sát bất thành Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha xảy ra ngày 21/2 tại thủ đô Tripoli cho thấy bảo đảm an ninh sẽ là bài toán hóc búa. Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn bởi nền kinh tế Libya đã kiệt quệ sau 10 năm hỗn loạn và dịch COVID đang hoành hành.
Sự can thiệp của nước ngoài cũng là yếu tố cản trở chính quyền Libya, mặc dù các nước đều bày tỏ ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này. LHQ ước tính có khoảng 20.000 chiến binh nước ngoài ở Libya và đây sẽ là một thách thức lớn đối với chính phủ lâm thời trong việc duy trì sự ổn định cần thiết để tiến tới bầu cử.
Có thể thấy rằng nhiệm vụ chính của GNU không phải là giải quyết các vấn đề cơ bản của cuộc xung đột Libya, mà là chuẩn bị cho các cuộc bầu cử và thông qua một bản Hiến pháp mới vào tháng 12 tới. Bởi vậy, việc thành lập GNU là yếu tố cần thiết, song chưa đủ để đảm bảo cho tương lai chính trị ổn định, lâu dài ở quốc gia này. Giới phân tích lo ngại các bên đối địch ở Libya sẽ khó dàn xếp mâu thuẫn và giải quyết những vấn đề nội bộ một khi những diễn biến sắp tới đi ngược lại hay thậm chí xung đột với lợi ích của các thế lực này. Hơn nữa, liệu những nước liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới cuộc xung đột ở Libya có giữ đúng cam kết ủng hộ giải pháp chính trị cho vấn đề này hay không? Do vậy, tình hình Libya vẫn hết sức mong manh và con đường đi tới hòa bình, ổn định ở Libya chắc chắn còn nhiều gập ghềnh.