Trong một tuyên bố đại diện cho 27 nước thành viên EU, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell nhấn mạnh: "Đây là sự đột phá có ý nghĩa, tạo điều kiện đoàn kết lại các thể chế tại Libya và đưa nước này tới cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/12 tới".
Tuyên bố kêu gọi "tất cả các bên liên quan ở Libya đảm bảo chuyển giao quyền lực kịp thời và suôn sẻ cho chính phủ đoàn kết dân tộc". Tuyên bố cũng nêu rõ "đây là thời cơ lịch sử để người dân Libya chung sức tái thiết đất nước hòa bình, ổn định và đoàn kết đồng thời khôi phục chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".
EU cảnh báo sẽ sử dụng "các công cụ trừng phạt đối với những phẩn tử phá hoại" tiến trình hòa bình tại Libya.
Trước đó cùng ngày, Mỹ, một số nước châu Âu cùng Jordan và Ai Cập cũng đã hoan nghênh động thái trên của Quốc hội Libya.
Ngày 10/3, Quốc hội Libya đã thông qua một chính phủ lâm thời với nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/12 tới, một bước đi quan trọng hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại quốc gia Bắc Phi này.
Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh đánh giá "đây là một ngày lịch sử". Người phát ngôn của Quốc hội nêu rõ sau hai ngày tranh luận căng thẳng tại thành phố Sirte, miền Trung Libya, với 121 phiếu ủng hộ trên tổng số 132 phiếu, Quốc hội đã thông qua nội các của Thủ tướng lâm thời Abdul Hamid Dbeibah.
Tháng trước, ông Dbeibah đã được bầu làm Thủ tướng lâm thời Libya tại Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya do Liên hợp quốc bảo trợ. Thủ tướng lâm thời cần được Quốc hội chấp thuận, trước khi giải quyết nhiệm vụ khó khăn là thống nhất các thể chế bị chia rẽ, đồng thời tiến hành các bước chuẩn bị cho tổng tuyển cử.
Sau khi được thành lập, chính phủ lâm thời sẽ thay thế hai chính quyền cùng tồn tại hiện nay tại Libya, gồm Chính phủ hòa hợp dân tộc (GNA) được LHQ công nhận và chính quyền ở miền Đông được lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.
Theo kế hoạch, chính phủ lâm thời sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chủ chốt, gồm đối phó với các thách thức từ đại dịch COVID-19, vấn đề cung cấp điện và đoàn kết người dân thông qua Hội đồng hòa giải dân tộc.