Theo ông Saleh, Thủ tướng Dbeibah nên chọn những thành viên có năng lực và liêm chính, đến từ các vùng, miền của đất nước. Các phe nhóm, đảng phái chính trị cũng cần có đại diện trong chính phủ để có thể đạt được sự đồng thuận trong chính phủ.
Trước đó, ngày 25/2, Thủ tướng Dbeibah cho biết đã đệ trình kế hoạch lựa chọn chính phủ chuyển tiếp - mà theo ông có thể giúp quốc gia Bắc Phi thực hiện tốt các bước chuẩn bị cho tổng tuyển cử, dự kiến tổ chức tháng 12/2021. Danh tính các bộ trưởng sẽ được công bố tại Quốc hội sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho Nội các.
Thủ tướng lâm thời sẽ có thời gian cho đến ngày 19/3 để giành được sự chấp thuận của Quốc hội, trước khi giải quyết nhiệm vụ khó khăn là thống nhất các thể chế bị chia rẽ của Libya, đồng thời tiến hành các bước chuẩn bị cho tổng tuyển cử.
Sau khi được thành lập, chính phủ lâm thời sẽ thay thế hai chính quyền hiện nay tại Libya, gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận và lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar.
Theo kế hoạch, chính phủ lâm thời sẽ tập trung vào 3 nhóm chủ chốt, gồm nhóm thứ nhất có nhiệm vụ đối phó với các thách thức từ đại dịch COVID-19, nhóm thứ 2 sẽ xử lý vấn đề cung cấp điện và nhóm thứ ba tìm cách đoàn kết người dân Libya thông qua Hội đồng hòa giải dân tộc.
Giới chuyên gia nhận định chính phủ lâm thời tại Libya sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng, thất nghiệp trầm trọng, dịch vụ công kiệt quệ và lạm phát phi mã.