Một quan chức cấp cao EU cho biết các nước thành viên của khối sẽ "thông qua quyết định vào tuần tới, gia hạn phái bộ thêm 2 năm cho đến cuối tháng 3/2023". Quyết định kéo dài phái bộ trên được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia LHQ cảnh báo rằng lệnh cấm vận áp đặt đối với Libya năm 2011 là "hoàn toàn không hiệu quả" vì đang bị nhiều bên vi phạm một cách trắng trợn.
Hồi tháng 3/2020, EU đã khởi động chiến dịch mang tên “Irini” với 4 tàu và 6 máy bay để tiến hành kiểm tra các tàu trên biển trong nỗ lực hạn chế việc chuyển vũ khí đến Libya.
Libya chìm trong hỗn loạn sau khi chính quyền của ông M. Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011. Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng dẫn tới việc ra đời các chính quyền đối địch ở miền Đông và miền Tây của đất nước.
Tháng 2 vừa qua, ông Abdul Hamid Dbeibah đã được bầu làm Thủ tướng lâm thời Libya tại Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya do Liên hợp quốc bảo trợ. Ông Dbeibah đã tuyên thệ nhậm chức hồi đầu tuần qua. Sau khi được thành lập, chính phủ lâm thời sẽ thay thế hai chính quyền cùng tồn tại hiện nay tại Libya. Theo kế hoạch, chính phủ lâm thời sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chủ chốt, gồm đối phó với các thách thức từ đại dịch COVID-19, vấn đề cung cấp điện và đoàn kết người dân thông qua Hội đồng hòa giải dân tộc.