Cơ hội kinh tế đến từ phương Đông

Tờ Le Figaro của Pháp cho biết, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown nhận định việc châu Á ngày càng ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới không phải là một mối đe dọa, mà là một cơ hội.

Hiện nay, thế giới đang phải đương đầu với một thập kỷ khó khăn và tăng trưởng thấp, lại thiếu các giải pháp toàn diện để giải quyết tình trạng thất nghiệp kéo dài và mức sống suy giảm.


Trong 6 tháng đầu năm 2011, dự báo thế giới sẽ phải tìm kiếm sự đồng thuận về một chiến lược tài chính và kinh tế táo bạo hơn cả kế hoạch Marshall trước đây.


Thời gian ngày càng gây sức ép đối với phương Tây, châu Âu và Mỹ nhằm giải quyết các bài toán khủng hoảng hóc búa, từ vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers đến cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Ai Len.


Đó là những dấu hiệu cho thấy một vấn đề sâu sắc hơn: Một thế giới đang trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Nền kinh tế châu Á ngày càng phát triển. Ảnh: Internet

Trong thời điểm khó khăn này, ông Brown cho rằng với sự tăng trưởng nhanh của châu Á, nền kinh tế phương Tây - chiếm 10% dân số thế giới và chiếm đa số lượng hàng xuất khẩu và đầu tư của thế giới - đang trở nên lỗi thời.


Sự chuyển mình của châu Á đang được chứng minh với một sức mạnh không gì cưỡng lại được. Nếu phương Tây không hiểu rằng thách thức thực sự hiện nay xuất phát từ việc giải mã sức tăng trưởng của nền kinh tế châu Á, thì họ sẽ phải đương đầu với thời kỳ suy tàn, được đánh dấu bằng những thời điểm phục hồi ngắn ngủi, rồi vấp phải một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Cựu Thủ tướng Brown tin rằng trong thế kỷ 21, nước Mỹ với việc tìm lại "giấc mơ Mỹ", có thể tiếp tục thu hút những doanh nghiệp lớn và châu Âu có thể duy trì một nền kinh tế với tỉ lệ có việc làm cao.


Vì lẽ hơn một tỉ dân châu Á sẽ gia nhập hàng ngũ những người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu. Hiện tiêu dùng của người dân Trung Quốc chiếm 3% tổng tiêu dùng của thế giới, so với mức 36% của châu Âu và Mỹ. Từ nay đến năm 2020, châu Á và những nước mới nổi sẽ có sức tiêu dùng cao gấp hai lần Mỹ.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Ấn Độ và châu Âu có cổ phần chi phối trong các tập đoàn nước ngoài, kể cả ở Mỹ. Động lực tăng trưởng mới này mang lại cơ hội cho Mỹ tìm kiếm khả năng đấu thầu cho các dự án nhằm tạo thêm việc làm mới ở Mỹ.


Việc tái cân bằng nền kinh tế thế giới có thể tạo ra chiến lược giúp phương Tây thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, ông Brown cho rằng phương Tây chỉ có thể hưởng lợi nếu họ đưa ra được những quyết định đúng trong dài hạn, như giải quyết vấn đề thâm hụt, về các thể chế tài chính, cuộc chiến thương mại và hợp tác quốc tế.

Theo ông Brown, phải tìm mọi cách giảm thâm hụt thương mại để khuyến khích đầu tư của cả nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và giáo dục. Tiếp đến, các thị trường mới có thể được khai phá nếu phương Tây dỡ bỏ bớt hàng rào bảo hộ.


Cấm trao đổi hàng hóa qua biên giới, hạn chế thương mại và phó mặc cho các cuộc chiến tiền tệ sẽ càng khiến Mỹ và các nước khác gặp khó khăn hơn. Các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ được lợi từ tiềm năng của thị trường châu Á. Mỹ phải trở thành nước bảo vệ cho thỏa thuận thương mại tự do mới của thế giới.

Ông Brown cho rằng, nước Mỹ giờ đây nên chấp nhận một kế hoạch Marshall mới nhằm điều tiết thương mại và các chính sách vĩ mô để kích thích tăng trưởng. Mỹ cũng nên phối hợp với Pháp, nước giữ chức Chủ tịch G-20 trong năm tới, nhằm tiến tới mục tiêu tái khởi động các dự án tín dụng tư nhân, góp phần tạo dựng lại lòng tin về các chuẩn mực, quy định của các ngân hàng.

Các nước cũng nên thừa nhận rằng kế hoạch quốc gia dài hạn để giảm thâm hụt thương mại sẽ đi kèm với việc thúc đẩy tiêu dùng ở phương Đông và đầu tư có chọn lọc về giáo dục và đổi mới ở phương Tây. Một kế hoạch như vậy sẽ khuyến khích Trung Quốc và châu Á tham gia khi nhận thấy lợi ích của họ trong xóa đói giảm nghèo.


Đổi lại, phương Tây phải tăng cường cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh, đồng thời đảm bảo việc đổi mới các biện pháp thuế quan không làm giảm đà tăng trưởng.

Nền kinh tế các nước thuộc nhóm G-20 có thể đạt mức tăng trưởng trên 5% từ nay đến năm 2014. Ông Brown hy vọng phương Đông và phương Tây có thể cùng hợp tác nhằm tạo thêm khoảng 3.000 tỉ USD từ tăng trưởng, góp phần tạo thêm 25 - 30 triệu việc làm mới, và có ít nhất 40 triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN