Cơ hội cứu vãn di sản của Tổng thống Biden sau thất bại ở Afghanistan

Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan xảy ra trong thời gian đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đủ sớm để ông có thời gian và cơ hội điều chỉnh.

Theo CNBC, ông Fred Kempe, Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, Mỹ cần tập trung vào ba lĩnh vực: khôi phục niềm tin của đồng minh vào vai trò lãnh đạo của Mỹ, vạch chiến lược chống khủng bố mạnh mẽ dựa trên thực tế thay đổi ở Afghanistan và huy động các nhân tố trong khu vực để Taliban hành xử hợp lý.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 18/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Kempe đánh giá không có nhiệm vụ nào là dễ dàng. Dù vậy, nếu chính quyền của Tổng thống Biden tập trung vào ba hướng hành động trên, ông có thể trở lại với khẩu hiệu “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” trong chống COVID-19, tập trung kích thích kinh tế và thúc đẩy kế hoạch cơ sở hạ tầng.

Các tham vọng táo bạo của Tổng thống Biden vẫn chưa bị dập tắt sau vụ 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong các vụ đánh bom ở Afghanistan ngày 26/8. Ông đã ra lệnh không kích tiêu diệt hai kẻ lên kế hoạch đánh bom của khủng bố ISIS-K, thủ phạm vụ đánh bom đẫm máu. Kế hoạch sơ tán của Mỹ ở Afghanistan vẫn tiếp tục.

Trước đây, Tổng thống Barack Obama và Donald Trump đã kết thúc nhiệm kỳ mà không gặp khủng hoảng quốc tế nào có quy mô lớn ở Afghanistan.

Với Tổng thống Biden, các nhà bình luận chính trị trong nước cho rằng người Mỹ sẽ sớm quên khủng hoảng Afghanistan và tất cả sẽ ổn sau khi người Mỹ rời khỏi nơi nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng có những người cho rằng khủng hoảng này có thể ảnh hưởng tới tấm vé tranh cử của bộ đôi Biden – Harris trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. 

Theo ông Kempe, Tổng thống Biden phải thể hiện tinh thần “Nước Mỹ trở lại” khi tham vấn các đồng minh một cách có ý nghĩa hơn và sâu sắc hơn với các vấn đề có tầm quan trọng nhất với các đối tác của Mỹ. Mặc dù vấn đề chống khủng bố và Afghanistan có thể là hai vấn đề đầu tiên cần tham vấn, nhưng các đồng minh của Mỹ ở cả châu Á và châu Âu cũng cần được tham vấn chặt chẽ hơn về cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc. 

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên của ông Biden hồi tháng hai tại Bộ Ngoại giao, ông Biden nói: “Đồng minh của Mỹ là tài sản lớn nhất của chúng ta. Dẫn đầu bằng ngoại giao có nghĩa là sát cánh với đồng minh và đối tác quan trọng một lần nữa”.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các đồng minh của Mỹ chưa cảm thấy lời nói của ông Biden khớp với hành động. Các đại sứ châu Âu cho biết chính phủ các nước này không được tham vấn trước khi ông Biden có bài phát biểu hồi tháng 4, nói về việc rút quân khỏi Afghanistan cũng như thời gian và cách thực hiện.

Trên tờ Economist, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận định về lo ngại cơ bản này: Mỹ đã đưa ra quyết định rút quân mà không cảnh báo hoặc tham vấn đồng minh hoặc với những người tham gia trực tiếp vào cuộc chiến 20 năm qua.

Về vấn đề Trung Quốc, trong 7 tháng qua, các quan chức Mỹ vẫn nói với đồng minh rằng chính sách Trung Quốc của Mỹ đã được rà soát. Ông Kempe cho rằng Mỹ cần đưa các đồng minh thân cận nhất vào các cuộc thảo luận này, đồng thời giải quyết những căng thẳng thương mại tồn tại dai dẳng từ thời chính quyền trước.

Thứ hai, về chiến lược chống khủng bố, Tổng thống Biden cần bắt đầu tham vấn với đồng minh thân cận về chiến dịch chống khủng bố mạnh mẽ. Trong một cuộc phỏng vấn với CBS, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken khẳng định các “tế bào” khủng bố đã di căn kể từ vụ tấn công ngày 11/9/2001 và đã lan ra toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Đơn vị đặc nhiệm của Taliban gác tại cổng chính sân bay quốc tế Kabul, Afghanistan ngày 28/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau những diễn biến ở Afghanistan, việc khủng bố hoành hành trở lại và coi quốc gia này là căn cứ để huấn luyện, tuyển mộ và lên kế hoạch tấn công là điều dễ xảy ra. Bằng chứng mới nhất là hai vụ đánh bom khiến ít nhất 170 người chết ở Kabul do ISIS-K thực hiện ngay trong lúc Mỹ và đồng minh sơ tán nhân lực.

Điều cần làm thứ ba để định hình di sản thời Tổng thống Biden là phối hợp với các đối tác khu vực để giám sát hoạt động của Taliban sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát ở Afghanistan.

Các quốc gia và tổ chức quốc tế có thể tận dụng thực tế Taliban mong muốn được quốc tế công nhận, muốn giải quyết khẩn cấp các vấn đề kinh tế và cần có đối tác để hỗ trợ phát triển Afghanistan.

Vấn đề quan trọng ở đây là Trung Quốc hay Nga sẽ là đối tác của Mỹ trong đảm bảo Taliban không thiết lập một quốc gia cực đoan ngả về khủng bố như trước đây. Ông Kempe cho rằng sẽ không dễ dàng trong đối thoại về việc này vì cả hai quốc gia đều có quan hệ căng thẳng với Mỹ trong nhiều vấn đề.

Dù cả ba vấn đề nói trên đều không dễ thực hiện, nhưng đó sẽ là con đường để Mỹ giảm nhẹ bi kịch tại Afghanistan.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Taliban ban hành lệnh cấm sản xuất thuốc phiện tại Afghanistan
Taliban ban hành lệnh cấm sản xuất thuốc phiện tại Afghanistan

Các thủ lĩnh Taliban đã yêu cầu nông dân Afghanistan ngừng trồng cây thuốc phiện, trong một nỗ lực tìm kiếm sự công nhận quốc tế sau khi lên nắm quyền ở Kabul ngày 15/8 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN