Chuyên gia nhận định việc EU, Mỹ gia tăng sức ép với Nga và Trung Quốc sẽ không hiệu quả

Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn tích cực sử dụng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách đưa ra những biện pháp trừng phạt đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế với mục đích đạt được một số lợi thế trước Nga và Trung Quốc.

Nhà quan sát chính trị Vladimir Odintsov mới đây bình luận trên trang web “Triển vọng phương Đông mới” (journal-neo.org) rằng Washington và các đồng minh phương Tây sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để kiềm chế Trung Quốc, vốn chỉ để làm trầm trọng thêm tình hình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, bằng cách thực hiện các hành động khiêu khích. Chủ yếu tập trung vào Đài Loan/Trung Quốc, họ tạo ra  các liên minh mới, bao gồm cả liên minh quân sự, và việc thành lập AUKUS ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một ví dụ sinh động về điều này. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin tại một cuộc gặp song phương. Ảnh: AFP

Quá trình đối đầu với Trung Quốc trong những năm gần đây của Mỹ không chỉ trên mặt trận quân sự-chính trị và kinh tế mà còn bằng cách phát động một chiến dịch thông tin chỉ trích với các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương, nhấn mạnh rằng Trung Quốc là đối thủ của toàn bộ thế giới phương Tây. Mới nhất, Mỹ đã tìm cách làm mất uy tín của Trung Quốc thông qua việc khuyến khích các nước tham gia tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022.

Không kém phần quyết liệt, Washington và các đồng minh phương Tây đang theo đuổi chính sách trừng phạt chống Nga. Gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành một công cụ tích cực trong chính sách này của Mỹ, đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, cấm và hạn chế hoạt động của các phương tiện truyền thông Nga, ví dụ cơ quan quản lý truyền thông Đức MABB gần đây không cho kênh truyền hình RT DE (của Nga) bằng tiếng Đức phát sóng từ nền tảng của nhà điều hành vệ tinh châu Âu Eutelsat 9B.

Ông Odintsov lưu ý, bằng cách mở rộng các biện pháp hạn chế kinh tế và thương mại nhằm vào Nga, EU đã buộc Moskva phải tích cực tìm kiếm thị trường nhập khẩu thay thế. Nhận thấy sự thất bại của chính sách trừng phạt Nga với nền kinh tế châu Âu, EU gần đây đã yêu cầu Nga bồi thường khoảng 290 tỷ EUR thông qua WTO, vì hành vi “phân biệt đối xử” đối với hàng hóa châu Âu thông qua chính sách thay thế hàng nhập khẩu. EU cho rằng chính sách này đã gây bất lợi cho các công ty châu Âu khi giao dịch với các doanh nghiệp nhà nước Nga và các tổ chức khác.

Những tuần gần đây, trong cuộc đối đầu với Moskva, những cáo buộc về sự nguy hiểm được cho là hành động “xâm lược vũ trang” của Nga đối với Ukraine cũng đang bị thổi phồng. Điều này đã được các quan chức Nga nhiều lần bác bỏ, lưu ý rằng Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy các đồng minh EU hoàn tất gói trừng phạt mở rộng nhằm vào các ngân hàng và công ty năng lượng của Nga.

Một biện pháp khác trong cuộc đối đầu với Nga mà các nước phương Tây áp dụng là cáo buộc (được các chuyên gia Mỹ và châu Âu tung ra) rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “lợi dụng” sự thiếu hụt nguồn năng lượng trên thị trường châu Âu. Thông qua cáo buộc này, các đại diện của Mỹ và EU đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng với Nga. Bên cạnh đó, Mỹ đặc biệt thúc đẩy việc dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) giữa Đức-Nga. 

Trước những lời đe dọa về chính trị, kinh tế và quân sự từ Washington và EU đối với Nga và Trung Quốc, Moskva và Bắc Kinh đang ngày càng tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương. Theo đánh giá được công bố của tờ Bưu điện Jerusalem, đó là một ví dụ cho thấy Moskva và Bắc Kinh đang ngày càng “phối hợp chặt chẽ các chính sách của họ và hình thành một liên minh”. Mục đích là tạo ra một thế giới đa cực và xóa bỏ chủ nghĩa bá quyền của Mỹ.

Trong bối cảnh các hành động khiêu khích của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý tăng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, điều được truyền thông châu Âu đặc biệt chú ý. Thỏa thuận về việc xây dựng một đường ống mới để cung cấp thêm khí đốt của Nga cho Trung Quốc đang được thảo luận.

Thỏa thuận này sẽ tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Đồng thời, châu Âu đặc biệt lưu ý rằng điều này đang xảy ra khi phần còn lại của châu Âu đang trải qua khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Tờ Bloomberg cảnh báo rằng châu Âu có nguy cơ không có khí đốt trong hai tháng tới do thời tiết đóng băng và lượng nhiên liệu xanh trong kho dự trữ thấp.

Trong bối cảnh này, ông Odintsov kết luận, châu Âu có thể nhận ra rằng không nên trông đợi Mỹ giúp EU về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Chính quyền Mỹ tuyên bố rằng thị trường là quyết định và họ không thể yêu cầu các công ty Mỹ bán tài nguyên năng lượng của họ cho ai. Với việc châu Á có thể chi nhiều tiền hơn, các tàu chở LNG của Mỹ sẽ định hướng lại các tuyến đường của họ và vận chuyển khí đốt đến Nhật Bản, Đài Loan hoặc Hàn Quốc, chứ không phải đến châu Âu.

Công Thuận/Báo Tin tức
‘Cuộc đua’ tàu chiến hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc
‘Cuộc đua’ tàu chiến hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc

Tàu tuần dương Type 055 của Trung Quốc và tàu khu trục Zumwalt của Mỹ thể hiện sức mạnh hải quân ngày càng tăng của cả hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN